Thứ sáu, 06/05/2022 11:22 GMT+7

Bài cuối: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo: "Nút thắt" ở cơ chế?

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của nước ta đang trong giai đoạn hình thành, do đó khung khổ thể chế chưa đầy đủ, theo kịp các nước phát triển. Vấn đề đặt ra là vận hành các công cụ, chính sách hiện hành một cách có hiệu quả hơn, "trúng đích" hơn, đồng thời “phân vai” rõ ràng, đẩy mạnh phối hợp hơn nữa giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.


Thông qua Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, hàng trăm công nghệ, quy trình công nghệ được hấp thụ và làm chủ, hàng chục bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được đăng ký bảo hộ, năng suất lao động trung bình của doanh nghiệp tăng mạnh sau đổi mới công nghệ - Ảnh: VGP

 

“Cầm tay chỉ việc”, đồng hành với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Chủ trương và chiến lược thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia đã được thể hiện trong nhiều Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Theo nhiều chuyên gia, hiện nay, hệ thống thể chế để thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở nước ta đã khá phong phú, đa dạng với một loạt công cụ, chính sách của Bộ KH&CN, Bộ KH&ĐT, các ngành tài chính, ngân hàng, các quỹ... Qua đó, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý và tạo nên chuỗi hỗ trợ có hệ thống, tập hợp được các nguồn lực cần thiết trong nước và quốc tế để cùng triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trên "bản đồ" đổi mới sáng tạo năm 2021, Việt Nam đứng thứ 44/131 quốc gia và vùng lãnh thổ sau khi Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng đổi mới sáng tạo của nước ta còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện. Mức độ đầu tư cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn còn thấp hơn các nước trong khu vực. Tỉ lệ chi cho KHCN bao gồm cả khu vực Nhà nước và tư nhân chỉ khoảng 0,44% GDP, đứng sau Singapore (2,22%), Malaysia (1,44%), Thái Lan (0,78%)...

Một cuộc khảo sát của Bộ KH&CN cũng cho thấy phần lớn các doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo thông qua việc "đầu tư vào công nghệ mới được gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị" hoặc "nâng cấp, chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại" chiếm 39,3% mà ít đầu tư cho nghiên cứu và phát triển.

Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam chi 1,6% doanh thu hằng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, thấp hơn nhiều nước trong khu vực như: Lào (14,5%), Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%)… Khoảng 80% doanh nghiệp cho biết chưa có hợp tác với đơn vị/tổ chức khác để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Từ thực tiễn hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới sáng tạo, ông Chử Đức Hoàng, Phó Trưởng Phòng Tài trợ đề tài và Hoạt động đổi mới công nghệ, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Bộ KH&CN) nhận thấy hiện nay, doanh nghiệp còn chưa có nhiều kinh nghiệm xây dựng, triển khai các đề tài, dự án đầu tư đổi mới công nghệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Vì thế, việc hoàn thiện hồ sơ trong quá trình xét chọn, phê duyệt nhiệm vụ thường bị kéo dài, không đáp ứng được tiến độ thực hiện dự án của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc trích lập quỹ cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo. 

"Với mức trích tối đa 10% thu nhập tính thuế, số trích lập quỹ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thấp, không đủ để thực hiện các hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo, trong khi các nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ tín dụng để bổ sung thêm lại không có, hoặc có lại khó tiếp cận", ông Chử Đức Hoàng cho hay.

Hơn nữa, việc thiết kế và thực thi chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp vẫn là lĩnh vực hoàn toàn mới đối với các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay.

Các quy định pháp luật đã ban hành hướng dẫn nội dung chi cho hoạt động đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp mới chỉ tập trung cho hoạt động nghiên cứu và phát triển mà chưa đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới sáng tạo, chưa có nội dung chi cho đổi mới quy trình quản trị doanh nghiệp...

Đối với các nhiệm vụ có hoạt động chuyển giao công nghệ, mua bí quyết công nghệ… gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện các quy định của Luật Đấu thầu đối với việc mua sắm tài sản vì việc mua sắm liên quan đến công nghệ có sự khác biệt so với việc mua sắm các hàng hóa thông thường khác.

Ngoài ra, quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp còn vướng mắc, chưa tạo được nguồn lực cho đổi mới sáng tạo do một số nội dung chi của quỹ được bổ sung nhưng vẫn chưa được quy định cụ thể tại Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN- BTC hướng dẫn trích lập, quản lý và sử dụng quỹ. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp khi triển khai giải ngân từ các ngân hàng thương mại (như quy định về hỗ trợ doanh nghiệp có dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư nhận chuyển giao công nghệ từ tổ chức KH&CN; đầu tư, đối ứng vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo).

Theo PGS.TS Trần Ngọc Ca, thành viên Hội đồng Chính sách KHCN quốc gia, mục đích của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia là nhằm hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, nhưng trong quá trình thực hiện, do các quy định về tài chính, như Luật Ngân sách Nhà nước có những điều khoản khiến việc vận hành quỹ này gặp một số khó khăn nhất định.

Không chỉ quỹ đổi mới công nghệ mà nhiều cơ chế, chính sách khác để hỗ trợ đổi mới sáng tạo cũng gặp khó khăn khi thực hiện. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đang trong bối cảnh chuyển đổi, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia đang trong giai đoạn hình thành, do đó, chúng ta không thể kỳ vọng khung khổ pháp luật ngay lập tức đạt tiêu chuẩn như các nước OECD hay G7. 

"Chúng ta sẽ phải chấp nhận có những điểm còn chưa ổn, sự kết nối ở một số chỗ còn lỏng lẻo.... Điều quan trọng là chúng ta thực hiện, vận hành các công cụ, chính sách hiện hành một cách có hiệu quả hơn, trúng đích hơn", PGS.TS Trần Ngọc Ca bày tỏ.

Theo PGS. Trần Ngọc Ca, vốn, tiền chưa phải là vấn đề quá lớn đối với nhiều doanh nghiệp mà vấn đề là họ không biết bắt đầu từ đâu và như thế nào, phải làm gì với đổi mới sáng tạo. Doanh nghiệp cũng không có nhiều thời gian để nghiên cứu toàn bộ các cơ chế, chính sách.

Để công cụ chính sách vận hành hiệu quả, gần doanh nghiệp hơn thay vì chờ doanh nghiệp đến với mình, chúng ta cần có những chương trình "cầm tay chỉ việc" hỗ trợ doanh nghiệp.

Những cơ quan, tổ chức như: Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ KH&ĐT), Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa… phải có hành động cụ thể, phải "gõ cửa" từng doanh nghiệp, "khám sức khỏe" công nghệ, tài chính, hỗ trợ về mặt đổi mới sáng tạo để xem họ cần gì, muốn gì, từ đó có chương trình hỗ trợ phù hợp.

"Điều này đồng nghĩa với việc không phó mặc cho doanh nghiệp thụ hưởng chính sách mà cần phải đồng hành cùng doanh nghiệp thúc đẩy đổi mới sáng tạo", PGS. Trần Ngọc Ca đề xuất.



Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ: Bộ KH&CN trong rất nhiều trường hợp không đủ thẩm quyền để giải quyết một số vấn đề chính sách mạnh về đổi mới sáng tạo - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

 

"Phân vai" rõ ràng hơn

Còn theo ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN), hiện nay, cơ cấu thể chế và quản lý đổi mới sáng tạo tại Việt Nam bị phân tán với nhiều bên tham gia và hạn chế về điều phối. Bộ KH&CN trong rất nhiều trường hợp, không đủ thẩm quyền giải quyết một số vấn đề chính sách mạnh về đổi mới sáng tạo.

Nhiều chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo mạnh, mang tính vượt khung luật hiện hành đòi hỏi phải có quyết định liên ngành mà không một ngành riêng biệt nào có đủ thẩm quyền giải quyết. Trong khi đó, cơ chế thực hiện chính sách thử nghiệm kiểu "sandbox" chưa thịnh hành và chưa được chấp nhận rộng rãi.

"Hoạt động đổi mới sáng tạo và thực thi chính sách, hỗ trợ đổi mới sáng tạo còn phân tán với nhiều bên tham gia, đôi khi không có sự phối hợp, điều phối và thậm chí còn cạnh tranh với nhau, dễ dẫn đến khả năng trùng lặp và lãng phí nguồn lực", ông Tạ Việt Dũng cho hay.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và thực thi chính sách cũng còn đang thiếu sự tham vấn của khu vực tư nhân và quy trình phản hồi từ khu vực tư một cách có hệ thống để thiết kế chính sách đổi mới sáng tạo sát thực hơn.

Để giải quyết được các vấn đề này, ông Tạ Việt Dũng cho rằng nội hàm về đổi mới sáng tạo, quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo trong thời gian tới cần phải được thể chế hóa vào các luật về KHCN. Trong đó, thống nhất quản lý nhà nước về KHCN và đổi mới sáng tạo; có sự phân công, phân cấp, phối hợp giữa các ngành, các cấp Trung ương và địa phương trong bối cảnh mới.

Đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý và công tác quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, các hệ thống đổi mới sáng tạo vùng, ngành, hệ sinh thái khởi nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam. Trong đó doanh nghiệp có vai trò là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, viện nghiên cứu, trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh.

Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành cơ chế, quy chế phối hợp giữa cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo là Bộ KH&CN với các bộ, ngành, địa phương để tạo sự thống nhất, hiệu quả, xuyên suốt trong quản lý nhà nước.

Tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Hình thành và phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia phù hợp với điều kiện Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng côn nghiệp lần thứ 4 và KHCN, đổi mới sáng tạo là động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Chú trọng xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; tháo gỡ các nút thắt, rào cản về luật pháp, chính sách kinh tế, tài chính, thủ tục hành chính đối với hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo. Thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, vượt trội để thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ.


Liên kết nguồn tin: https://baochinhphu.vn/bai-cuoi-thuc-day-doi-moi-sang-tao-nut-that-o-co-che-10222042710504255.htm

 

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 5709

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)