Thứ tư, 13/11/2024 11:27 GMT+7

Khởi động lại điện hạt nhân: Rút ngắn con đường giảm phát thải ròng bằng 0

Theo chuyên gia, điện hạt nhân là nguồn điện phát thải thấp, nếu thay thế dần các nguồn điện hiện hành... sẽ là một trong những yếu tố giúp rút ngắn con đường giảm phát thải ròng.
Thời gian qua, việc phát triển điện hạt nhân đã được Bộ Công Thương báo cáo đề nghị cấp có thẩm quyền chấp nhận chủ trương và cho phép bổ sung sửa đổi các nội dung về loại năng lượng này trong các bộ luật liên quan trình Quốc hội ban hành, đồng thời với việc bổ sung điện hạt nhân vào Quy hoạch VIII, ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển nguồn điện này trong thời gian sắp tới.
Nhiều ý kiến cho rằng, điện hạt nhân sẽ là nguồn điện nền quan trọng giúp bảo đảm an ninh năng lượng trong bối cảnh giảm sử dụng điện than.
Đồng tình với việc khởi động lại dự án điện hạt nhân, nhiều ý kiến cho rằng, đây sẽ là nguồn điện nền quan trọng giúp bảo đảm an ninh năng lượng trong bối cảnh giảm sử dụng điện than. Đặc biệt, nếu bảo đảm vận hành an toàn tuyệt đối, phát triển điện hạt nhân sẽ giúp Việt Nam rút ngắn con đường đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, điện hạt nhân là nguồn điện không phát thải, nếu thay thế dần các nguồn điện có phát thải như than, khí... sẽ là một trong những yếu tố giúp Việt Nam có thể đạt được lộ trình Net Zero mà chúng ta đã cam kết quốc tế.
Điện hạt nhân cũng là nguồn điện ổn định khi có nguồn nhiên liệu ổn định, nếu có kho dự trữ có thể nhập khẩu nhiên liệu nhiều hơn, giúp các nhà máy điện ổn định, lâu dài, không phụ thuộc vào các biến động chính trị, biến động giá dầu, giá khí, giá than... bảo đảm an ninh năng lượng.
Không chỉ có vậy, nếu bảo đảm vận hành an toàn tuyệt đối, phát triển điện hạt nhân sẽ giúp Việt Nam rút ngắn con đường đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, công nghệ nhà máy điện hạt nhân hiện nay có xác suất xảy ra sự cố rất thấp, khoảng 1/10 triệu, còn lại phụ thuộc khâu vận hành.
“Chúng ta đã có một thời gian dài để chuẩn bị đào tạo con người, hoàn thiện hành lang pháp lý, chọn địa điểm đầu tư. Nếu so sánh cả vòng đời dự án thì chi phí sản xuất điện hạt nhân tương đương với chi phí sản xuất điện từ than nhập khẩu.
Trường hợp giá than nhập khẩu ngày càng đắt thì có thể chi phí sản xuất điện hạt nhân rẻ hơn điện than, giá bán điện hạt nhân chắc chắn sẽ rẻ hơn điện gió, điện mặt trời. Điều quan trọng là thời gian đầu tư nhà máy điện hạt nhân phải đúng hạn, không được kéo dài, đẩy giá điện tăng”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Đồng quan điểm, chỉ rõ về việc không những các nguồn điện truyền thống gây ô nhiễm môi trường mà ngay cả điện mặt trời cũng phát thải khí nhà kính, TS Lê Hải Hưng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ khẳng định, điện hạt nhân là nguồn phát thải thấp nhất.
Theo TS Lê Hải Hưng, lúc này không phải là thời điểm bàn về việc khởi động hay không khởi động lại điện hạt nhân, mà bắt buộc phát triển loại hình năng lượng này nhằm đóng góp vào lộ trình giảm phát thải carbon của Việt Nam.
Còn theo GS Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, điện hạt nhân là một lựa chọn quan trọng, các nước gặp khó khăn về nhiên liệu đều hướng đến phát triển điện hạt nhân. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam muốn phát triển nhà máy điện hạt nhân phải nhập khẩu công nghệ. Bất kỳ một lựa chọn nào cũng có một chút rủi ro nhưng nếu chúng ta lựa chọn công nghệ tốt và đặc biệt lưu ý đến vấn đề vận hành an toàn thì sẽ an toàn. Hơn nữa, đây là một loại điện sạch, không phát thải như các nhà máy điện than, điện khí.
Vị chuyên gia này cho rằng, nơi đặt nhà máy điện hạt nhân không phụ thuộc vào nhiên liệu tại chỗ, việc vận chuyển nhiên liệu cho điện hạt nhân không đáng kể. Tuy nhiên, khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân cần xem công nghệ phát triển của nước nào phù hợp nhất với điều kiện Việt Nam để nhập khẩu. Hơn nữa cần đánh giá kỹ cam kết phát triển nhà máy của các nhà đầu tư. Vốn đầu tư nhà máy điện hạt nhân nếu tính theo cả vòng đời dự án thì điện hạt nhân có thể cạnh tranh được với các loại điện than, thủy điện, điện khí.
Xoay quanh vấn đề này, không ít ý kiến cũng cho hay, ngoài việc đảm bảo an ninh năng lượng, tiến gần hơn tới mục tiêu giảm phát thải ròng, việc phát triển điện hạt nhân sẽ thúc đẩy công nghệ, khoa học, kỹ thuật của Việt Nam phát triển nhanh hơn.
Được biết, để khởi động lại dự án điện hạt nhân, trước đó, ngày 12/9/2024, Thường trực Chính phủ đã đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của các nước trên thế giới để đề xuất phát triển nguồn điện này tại Việt Nam nhằm bổ sung điện nền, giảm thiểu rủi ro thấp nhất về môi trường. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Lượt xem: 920

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)