Thứ ba, 03/12/2024 15:44 GMT+7

Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ: Ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ở Quảng Ngãi

Những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ để từng bước phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Qua đó, bước đầu đã tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Nhiều doanh nghiệp ở Quảng Ngãi ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm trên đất cát vùng ven biển bãi ngang mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao
Nuôi nuôi tôm nước lợ Quảng Ngãi phát triển từ những năm 2000. Đặc biệt, từ năm 2003, để khai tiềm năng diện tích đất cát hoang hóa vùng bãi ngang ven biển, nhiều hộ dân và các doanh nghiệp bắt tay triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên đất cát có lót bạt đạt hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng mới cho nghề nuôi tôm ở Quảng Ngãi.
Đơn cử, tại vùng bãi ngang ven biển phường Phổ Vinh, thị xã Đức Phổ, Công ty Thiên Hoàng Thịnh đã mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng hệ thống ao nuôi, áp dụng phương pháp nuôi mới, chú trọng tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến từ kiểm soát nguồn chất lượng con giống, thức ăn, cách thức chăm sóc và kiểm soát môi trường nước nuôi hợp lý, ổn định. Trong đó, áp dụng giải pháp mới bổ sung các vi sinh vật hữu ích trong ao nuôi từ khâu xử lý nước đến khâu chăm sóc, quản lý trong quá trình nuôi nên tôm phát triển và tăng trưởng nhanh.
Công ty Thiên Hoàng Thịnh ứng dụng giải pháp bổ sung các vi sinh vật hữu ích trong ao nuôi, từ khâu xử lý nước đến khâu chăm sóc, quản lý trong quá trình nuôi nên tôm phát triển và tăng trưởng nhanh.
“Nhờ cải tiến kỹ thuật về ao nuôi và ứng dụng công nghệ sinh học trong quá trình nuôi nên năng suất và sản lượng tôm nuôi của công ty tăng cao so với cách nuôi truyền thống. Với diện tích nuôi 2ha, mỗi năm trung bình, 1 ha cho thu doanh thu khoảng 3,2 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng/ha/năm, mang lại nguồn thu nhập khá tốt và ổn định cho công ty”, bà Trương Thị Hoàng Tiên, Giám đốc Công ty Thiên Hoàng Thịnh chia sẻ.
Cũng trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ nuôi ở huyện Mộ Đức ứng dụng công nghệ quản lý ổn định môi trường nước trong ao nuôi tôm siêu thâm canh. Cụ thể, hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS) ở quy mô sản xuất đối với nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú trong ao lót bạt mang lại hiệu quả cao. Với công nghệ nuôi này bảo đảm được an toàn sinh học một cách hiệu quả với hệ thống diệt trùng, tái sử dụng nước trên 90%, hạn chế tối đa xả thải, ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập, tái sử dụng lại chất thải nên thân thiện với môi trường nội tại và xung quanh và tăng năng suất trên diện tích tích hợp. Đây được xem như quy trình công nghệ bền vững và đầy hứa hẹn trong tương lai để phát triển rộng rãi nuôi tôm trên đất cát có lót bạt, giảm tối đa chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận.
Trên lĩnh vực trồng trọt, những năm gần đây, nông dân nhiều địa phương trong tỉnh còn đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, qua đó yêu cầu thời vụ được đáp ứng, rút ngắn thời gian sản xuất, giữ chất lượng sản phẩm ở mức tốt nhất, tăng giá bán và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với phân công lại lao động ở khu vực nông thôn.
Ứng dụng thiết bị máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa tại huyện Mộ Đức.
Điển hình, Hợp tác xã nông nghiệp Đức Hòa, Đức Thắng, Đức Nhuận, Đức Chánh, Đức Tân (huyện Mộ Đức), Hợp tác xã nông nghiệp Phổ Văn (thị xã Đức Phổ) liên kết với doanh nghiệp triển khai ứng dụng thiết bị máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa; sử dụng máy sạ cụm để gieo sạ trên diện tích đất canh tác đã dồn điền đổi thửa và liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị.
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đức Tân (huyện Mộ Đức) Nguyễn Văn Trình cho biết, khi ứng dụng cơ giới hóa sẽ giảm tối đa về lượng giống, thời gian gieo sạ, đảm bảo mật độ, tiết kiệm chi phí sản xuất. Cụ thể, nông dân gieo sạ lúa theo cách truyền thống, diện tích 1 sào (500 m2) từ 6-7kg, ứng dụng máy sạ hàng từ 3-3,5 kg. Như vậy, lượng giống giảm đi một nữa, giảm được công lao động, giảm bớt chi phí trong sản xuất.
“Cơ giới hóa trong chăm sóc cây trồng và thu hoạch, không những giảm nguy hại trực tiếp cho sức khỏe người lao động mà còn tiết kiệm phân bón và nước tưới, giảm chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp thu hoạch nhanh hơn, giảm tổn thất sau thu hoạch. Từ đó, góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị”, ông Nguyễn Văn Trình đúc kết.
Cơ giới hóa trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, ngoài việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, để tăng tính cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, quản lý sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, ngành nông nghiệp tỉnh còn đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình.
Nhờ đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trồng trọt, đặc biệt là ứng dụng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Quảng Ngãi đã tạo ra những sản phẩm cây trồng và nhiều sản phẩm chế biến nông nghiệp mới có năng suất, chất lượng, an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế, hạn chế ô nhiễm môi trường, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Khuyến khích doanh nghiệp, người dân ứng dụng công nghệ mới
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho rằng, việc ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất hạn chế về quy mô, số lượng, chủng loại sản phẩm; một số địa phương chưa kịp thời phối hợp cung cấp thông tin về các tổ chức, cá nhân sản xuất trồng trọt theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, hữu cơ; các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp áp dụng khoa học và công nghệ chưa nhiều, người dân chưa tiếp cận được; các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp áp dụng khoa học và công nghệ vẫn còn ít.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, đồng chí Hồ Trọng Phương cho biết, tỉnh Quảng Ngãi kêu gọi, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư áp dụng khoa học và công nghệ; thường xuyên rà soát, đánh giá các chính sách đã ban hành để nắm bắt những vướng mắc, bất cập nhằm kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi cho phù hợp với thực tế, đảm bảo các chính sách thực sự đi vào cuộc sống.
Nhiều ngư dân Quảng Ngãi sử dụng máy dò ngang trong khai thác thủy sản đạt năng suất cao.
Đồng thời, tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng khoa học và công nghệ làm tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng của một sản phẩm; khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị nông sản hàng hóa, đồng thời liên kết chuỗi giá trị bền vững và hiệu quả.
Tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất trong các vùng sản xuất nguyên liệu chế biến theo chuỗi sản giá trị, liên kết 6 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng, nhà phân phối) trên cơ sở phát triển liên kết, liên doanh với doanh nghiệp.
Liên kết gắn các hộ sản xuất trong vùng với các doanh nghiệp theo chuỗi sản phẩm; phát triển các hình thức sản xuất theo hợp đồng đối với các hộ nông dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cho người sản xuất, người tiêu dùng về nông nghiệp áp dụng khoa học, ứng dụng công nghệ cao.

Nguồn: Nhân Dân

Lượt xem: 1912

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)