Thứ hai, 12/08/2024 05:51 GMT+7

Nhiều vấn đề bất cập tại Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành

Những khó khăn và vướng mắc trong quá trình thực thi đã đặt ra yêu cầu cấp bách phải sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành.
Bộ Khoa học và Công nghệ hiện đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, với mục tiêu định hướng và thúc đẩy một hệ sinh thái khoa học công nghệ toàn diện, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới. Thực tiễn triển khai Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 đã bộc lộ nhiều điểm chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới, đặc biệt trong bối cảnh khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành yếu tố quyết định đối với sự phát triển bền vững.
 
Nhiều vấn đề bất cập tại Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành.
 
Thứ nhất, nền kinh tế nước ta đang chuyển đổi mạnh mẽ sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội với mô hình tăng trưởng dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao và yếu tố động lực của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng rõ nét đòi hỏi nhà nước cần có các cơ chế, chính sách phục vụ cho mục đích này. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định đủ cơ chế thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
 
Thứ hai, các tác động của hội nhập sâu rộng và toàn diện của Việt Nam trong một thế giới phát triển mạnh mẽ, đột biến, nhất là về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đòi hỏi các hành lang pháp lý; cơ chế chính sách phải được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.
 
Thứ ba, các làn sóng công nghệ mới phát triển nhanh chóng, mãnh liệt đòi hỏi Chính phủ các nước phải luôn sẵn sàng điều chỉnh chính sách và thích ứng kịp thời.
 
Thứ tư, nhiều nội dung xuất phát từ tình hình thực tiễn hoặc là thông lệ quốc tế trong hoạt động khoa học và công nghệ chưa được bổ sung, cập nhật vào Luật Khoa học và Công nghệ 2013 như: Triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong tình huống đột xuất, khẩn cấp, liên quan tới an toàn, an ninh quốc gia; sức khỏe, tính mạng của người dân; các thảm họa thiên nhiên đe dọa môi trường sống của con người, các loài động, thực vật và hệ sinh thái...
 
Thứ năm, những quy định chưa phù hợp trong Luật Khoa học và Công nghệ 2013 như: Vấn đề giao quyền sở hữu kết quả khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì theo cơ chế tự động; vấn đề tập trung nguồn lực chủ yếu cho các chương trình KH&CN để tạo ra tri thức nhưng chưa quan tâm bố trí đủ nguồn lực thỏa đáng cho các chương trình ứng dụng tri thức...
 
Những khó khăn và vướng mắc trong quá trình thực thi đã đặt ra yêu cầu cấp bách phải sửa đổi toàn diện luật hiện hành, không chỉ để tháo gỡ các rào cản mà còn để đảm bảo rằng khung pháp lý sẽ trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo.
 
Mục tiêu xây dựng luật lần này được đặt ra với tầm nhìn dài hạn, nhằm tác động mạnh mẽ và hiệu quả đến các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trên phạm vi toàn quốc. Dự thảo luật không chỉ tập trung vào việc tạo ra tri thức mà còn đẩy mạnh ứng dụng và lan tỏa tri thức trong xã hội, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống, và thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là những bước đi chiến lược để đạt được các mục tiêu kép của quốc gia vào năm 2030 và 2045, như Đại hội XIII đã xác định.
 
Dự thảo luật được xây dựng trên cơ sở thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, gắn liền với yêu cầu thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ được đặt lên hàng đầu, nhằm giảm thiểu những trở ngại trong thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Đặc biệt, chuyển đổi số được xác định là giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả quản lý và thúc đẩy sáng tạo. Cùng với đó, các nguyên tắc về minh bạch, đạo đức và liêm chính trong nghiên cứu khoa học cũng được nhấn mạnh, nhằm đảm bảo sự công bằng và uy tín trong các hoạt động khoa học.
 
Một điểm đột phá trong dự thảo luật lần này là mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài công lập, nhằm khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân trong nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Đây được coi là động lực mới để huy động tối đa nguồn lực xã hội, góp phần tạo nên sự đa dạng và bền vững trong các hoạt động khoa học công nghệ. Dự thảo cũng kế thừa những quy định phù hợp của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, đồng thời bổ sung các chính sách mới, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển nhanh và toàn diện, bắt kịp với xu hướng khoa học công nghệ thế giới.
 
Những thay đổi mang tính chiến lược này được kỳ vọng sẽ tạo ra một khung pháp lý hiện đại, đồng bộ và linh hoạt, giúp Việt Nam không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn hội nhập sâu rộng vào mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu. Việc xây dựng và thực thi Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế của khoa học công nghệ Việt Nam, đưa đất nước tiến nhanh và bền vững trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới.

Lượt xem: 275

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)