Chương trình ABAII Unitour thứ 16 thu hút hơn 500 sinh viên tham dự - Ảnh: VGP/Hồng Đức
Ngày 7/11, tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, chương trình ABAII Unitour thứ 16 với chủ đề "Ứng dụng Blockchain và AI: Chìa khóa thành công trong kỷ nguyên số" do Viện Công nghệ blockchain và trí tuệ nhân tạo ABAII, thành viên Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức, đã thu hút hơn 500 sinh viên, tham dự.
Ông Tăng Khắc Quý, Giám đốc Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) nhấn mạnh, blockchain và AI không chỉ định hình tương lai các ngành công nghệ, mà đang trở thành cơ hội giúp sinh viên nắm bắt và dẫn đầu xu hướng công nghệ toàn cầu. "Blockchain và AI có thể sẽ là những công cụ mạnh mẽ nhất, tạo sự khác biệt đáng kể và mở ra những con đường hoàn toàn mới cho các bạn sinh viên bước vào thị trường lao động với tâm thế chủ động và khả năng cạnh tranh cao không chỉ ở thị trường trong nước mà cả thị trường nước ngoài", ông Tăng Khắc Quý nhận định.
Làm rõ tiềm năng của thị trường blockchain, ông Trần Huyền Dinh, Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng fintech (Hiệp hội Blockchain Việt Nam) chia sẻ, Việt Nam hiện xếp thứ 4 thế giới với hơn 20 triệu người sở hữu tài sản mã hóa và xếp thứ 5 toàn cầu về Chỉ số chấp nhận tài sản mã hoá. Theo dự báo của Standard Chartered, đến năm 2034, thị trường tài sản mã hoá toàn cầu sẽ đạt hơn 30.000 tỷ USD, chiếm khoảng 16% tổng tài sản tài chính thương mại.
Cũng theo ông Trần Huyền Dinh, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường, mức lương của các lao động ngành blockchain và AI đang ở mức cao vượt trội so với các công việc tương tự ở lĩnh vực khác, trung bình từ 3-5 lần. "Có 4 yếu tố chính giúp mức lương trong ngành blockchain và AI có sự khác biệt đáng kể như vậy, bao gồm: Rào cản gia nhập ngành lớn, nguồn cung nhân lực thấp hơn nhu cầu, doanh thu và lợi nhuận dự án cao, và xu hướng đầu tư vào hai công nghệ này liên tục tăng mạnh", ông Dinh chia sẻ lý do và nhấn mạnh, thời điểm hiện tại là cơ hội lớn chưa từng có đối với các sinh viên là lao động trẻ để gia nhập các lĩnh vực lao động mới mẻ và tiềm năng này.
Về mặt pháp lý, theo Chiến lược blockchain Quốc gia mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22/10/2024, đề ra mục tiêu đến 2030, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và có vị thế quốc tế trong ngành blockchain. "Chiến lược thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với ngành blockchain và khẳng định tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghệ mới này", ông Trần Huyền Dinh nhấn mạnh.
Ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện ABAII nêu bật những ứng dụng thực tiễn của AI vào công việc và học tập - Ảnh: VGP/Hồng Đức
Đối với ngành AI, ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện ABAII khẳng định, AI tạo sinh đang cách mạng hóa nhiều lĩnh vực, nâng cao năng suất lao động và phá vỡ rào cản trong sự nghiệp cho hàng triệu người. "66% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Microsoft và LinkedIn cho biết họ sẽ không tuyển dụng nhân sự thiếu kỹ năng về AI. Do đó, AI không chỉ là cơ hội mà còn là yêu cầu bắt buộc đối với lao động trẻ trong kỷ nguyên số ngày nay".
Để nắm bắt xu hướng và cơ hội xây dựng sự nghiệp trong ngành Blockchain và AI, ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Chuyển đổi số Viện ABAII, khuyến khích sinh viên chủ động học tập mọi lúc mọi nơi để trau dồi kiến thức và kỹ năng.
Ông Long cũng chia sẻ những ưu điểm mà MasterTeck - nền tảng học trực tuyến mở (MOOC) đầu tiên theo Chiến lược blockchain Quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ công bố. Được phát triển bởi Viện ABAII, MasterTeck có khả năng cung cấp hơn 300 khóa học về blockchain và AI với tính ứng dụng cao trong 24 nghề nghiệp hấp dẫn nhất hiện nay như kỹ sư AI, dev blockchain,...
Các học viên cũng có cơ hội học tập các khoá học chuyên sâu về quản trị rủi ro, an ninh mạng, đạo đức hacker... và nhận chứng chỉ từ các tổ chức quốc tế uy tín, như CompTIA, EC-Council, PECB và ABAII ở cả hình thức in truyền thống và chứng chỉ NFT kết nối trực tiếp với tài khoản LinkedIn để tăng tính kết nối toàn cầu, ông Long chia sẻ.
ABAII Unitour là sáng kiến của Viện ABAII nhằm phổ cập blockchain và AI đến cộng đồng sinh viên trên cả nước.
Dự kiến đến năm 2025, chương trình sẽ tổ chức 30 sự kiện, tiếp cận ít nhất 100.000 sinh viên, mở ra những cơ hội nghề nghiệp mới trong kỷ nguyên số cho lực lượng lao động trẻ của đất nước.
|