Sản phẩm của Nguyễn Vũ Viết Tân, Văn Hoàng Nguyên (trường Đại học Văn Lang), La Thị Như Muội (Đại học Fullbright) và Nguyễn Ngọc Nhứt (Đại học Công nghệ TP HCM) giành giải nhất cuộc thi Sáng tạo sản phẩm công nghệ dành cho người khuyết tật, sáng 21/12.
Ý tưởng làm sản phẩm xuất phát từ chính một thành viên trong nhóm khi Nguyễn Ngọc Nhứt là một người khuyết tật. Năm lớp 10, Nhứt gặp tai nạn lao động và mất một phần hai cánh tay. Tìm hiểu và từng sử dụng một số cánh tay giả, Nhứt cho rằng các sản phẩm ngoại nhập có giá thành cao, chưa phù hợp và gây khó khăn khi sử dụng. Từ thực tế này, Nhứt cùng những người bạn cùng chế tạo bộ khớp tay hỗ trợ sinh hoạt với chi phí rẻ hơn, chỉ khoảng 470.000 đồng mỗi bộ.
Nguyễn Ngọc Nhứt cầm micro bằng bộ khớp đa năng giới thiệu dự án tại cuộc thi Sáng tạo sản phẩm công nghệ dành cho người khuyết tật, sáng 21/12. Ảnh: Hà An
Bộ khớp chủ yếu làm bằng nhôm, có đặc tính nhẹ, bền và có thể điều chỉnh kích thước phù hợp với cánh tay nhiều người. Sản phẩm có thiết kế theo kiểu lắp ghép (module), gồm hai bộ phận chính là phần kết nối trực tiếp vào phần cụt của tay và bộ phận khớp. Tùy vào nhu cầu của người dùng, họ sẽ lắp bộ phận khớp có các chức năng phù hợp như cầm thìa ăn uống, cầm dao thái thức ăn, cầm các đồ vật hình trụ như ly cốc, gõ bàn phím...
Theo nhóm, thiết kế của bộ khớp có hai phần dạng tháo lắp có cơ cấu đơn giản để người dùng dễ thao tác nhưng khi sử dụng có độ chắc chắn nhất định tạo thuận lợi trong sinh hoạt.
La Thị Như Muội, cho biết mong muốn của nhóm làm sản phẩm với bộ khớp đa năng giúp người khuyết tật tự chủ trong sinh hoạt cá nhân, nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm và tạo cơ hội việc làm cho họ. Nhóm tiến hành thử nghiệm với khoảng 20 người bị khuyết tật cánh tay, đa số đều sử dụng thành thạo và thực hiện các công việc đơn giản trong sinh hoạt như ăn uống, vệ sinh, cầm nắm đồ vật... Một số người sử dụng mong muốn nhóm có những thiết kế bộ khớp với nhiều công dụng hơn. Sắp tới nhóm ứng dụng các thiết bị điện tử có thể hỗ trợ người dùng thao tác khi lắp và sử dụng các chức năng của bộ khớp.
Đại diện Hội đồng giám khảo, bà Hồ Thị Mộng Thu, Phó giám đốc Quỹ Tâm Nguyện Việt cho biết, đây là sản phẩm thiết thực và ý nghĩa cho những người yếu thế có thể tự sinh hoạt mà không cần người khác trợ giúp. Tuy nhiên, với sản phẩm lắp trên tay nên tần suất sử dụng sẽ kéo dài nên bộ khớp cần sử dụng các vật liệu mang lại sự thoải mái, không gây đau mỏi khi sử dụng.
"Nhóm cần nghiên cứu thêm các tính năng khác của bộ khớp như chức năng có thể lấy được đồ vật trên cao giúp đa dạng hóa công dụng", bà Thu nói. Đại diện Quỹ Tâm Nguyện Việt cho biết sẽ hỗ trợ nhóm kết nối ứng dụng sản phẩm tới các bệnh nhân tại một trại phong, giúp họ có thể tự ăn cơm.
Nhóm dự án bộ khớp đa năng giành giải nhất cuộc thi Sáng tạo sản phẩm công nghệ dành cho người khuyết tật với phần thưởng 5 triệu đồng. Ảnh: Hà An
Tại cuộc thi, Ban tổ chức trao giải nhì cho dự án máy hiển thị chữ nổi tiếng Việt thông minh cho người khiếm thị của sinh viên Đại học Kinh tế TP HCM. Giải ba thuộc về ứng dụng hỗ trợ giao tiếp học tập và tiếp thu thông tin cho người khiếm thính của sinh viên trường Đại học Bách khoa TP HCM và dự án đồng hành cùng trẻ tự kỷ của học sinh trường THCS Nguyễn Du (quận 1). Có 12 giải khuyến khích được trao dành cho các dự án ứng dụng drone hỗ trợ trẻ tự kỷ, ứng dụng cảnh báo té ngã cho người mắc động kinh, tay lái trợ lực điện tích hợp trên xe lăn, thư viện thông minh hỗ trợ người khiếm thị...
Sáng tạo sản phẩm công nghệ dành cho người khuyết tật là cuộc thi do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ, Thành đoàn TP HCM tổ chức dành cho những người trẻ đam mê nghiên cứu trên cả nước, tuổi dưới 35. Sau hơn 3 tháng triển khai, Ban tổ chức đã nhận được 54 sản phẩm sáng tạo đến từ 157 thí sinh của 32 đơn vị trên toàn quốc, chọn ra 14 sản phẩm xuất sắc vào chung kết.
Cuộc thi nhằm tìm kiếm và phát triển những sản phẩm, công nghệ sáng tạo thiết thực phục vụ cho người khuyết tật, những người khiếm khuyết, yếu thế trong xã hội. Các sản phẩm dự thi tiềm năng sẽ được hỗ trợ hoàn thiện và chuyển giao cho các trung tâm bảo trợ, trung tâm giáo dục để người khuyết tật sử dụng.