Thứ sáu, 07/04/2017 16:22 GMT+7

Luật CGCN sửa đổi: Tạo cơ chế chính sách thông thoáng để tự do sáng tạo KH&CN

Đây cũng là tư tưởng, quan điểm phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ của Tập đoàn Viễn thông Quân đội và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam đã và đang thực hiện. Những kinh nghiệm thực tế này đã được đoàn Khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội ghi nhận tại buổi làm việc với 2 đơn vị vừa qua và chắt lọc để đưa vào Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) trình Quốc hội lần này.

Tự nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ (CGCN) từng phần, hợp tác với chuyên gia nước ngoài, cử người sang học tập nghiên cứu tại nước ngoài, sau đó chuyển kết quả nghiên cứu về nước dưới hình thức sản phẩm cụ thể và các trí thức được kết tinh trong đội ngũ chuyên gia- đó là cách CGCN mà hai doanh nghiệp Nhà nước là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đã thực hiện.

Phát triển dựa vào KH&CN

Báo cáo tại buổi làm việc với VietinBank và Viettel, Đoàn công tác đã được nghe báo cáo về sự phát triển của đơn vị, đặc biệt hoạt động KH&CN hỗ trợ cho phát triển của những đơn vị này.

Tổng Giám đốc VietinBank, ông Lê Đức Thọ cho biết: quan điểm của Ngân hàng là lấy KH&CN là nền tảng của phát triển. Chính từ quan điểm đó, VietinBank luôn là ngân hàng dẫn đầu về ứng dụng công nghệ trong quá trình phát triển.

Với đặc thù ngành Ngân hàng, nơi mà hệ thống CNTT chi phối tới hoạt động kinh doanh thì vấn đề bảo mật và an toàn thông tin mang tính sống còn. Là ngân hàng đi đầu trong ứng dụng CNTT vào hoạt động, VietinBank đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo mật và quan tâm đầu tư nghiêm túc cho lĩnh vực này. Hàng năm VietinBank dành khoảng 15 - 20% trong tổng đầu tư CNTT để đầu tư về các giải pháp an toàn thông tin. Từ năm 2001, VietinBank đã triển khai một chiến lược đảm bảo an toàn thông tin tổng thể, kết hợp của nhiều thành phần bảo mật khác nhau: Bảo mật vật lý, bảo mật hạ tầng, mạng, bảo mật hệ thống, bảo mật host, bảo mật ứng dụng, bảo mật người dùng.

Bước tiến lớn nhất trong công tác hiện đại hóa hạ tầng công nghệ của VietinBank trong những năm gần đây là triển khai thành công kiến trúc hướng dịch vụ, tích hợp qua lớp giữa, giúp nâng cao năng lực quản trị của toàn hệ thống. Bên cạnh đó, kiến trúc hướng dịch vụ giúp VietinBank triển khai nhanh các dịch vụ mới theo yêu cầu thị trường mà ít ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống.

Những năm gần đây, ảo hóa, điện toán đám mây hay Big Data là những công nghệ mới đang được quan tâm nhiều nhất. VietinBank là một trong những đơn vị đầu tiên thực hiện ảo hóa hệ thống hạ tầng máy chủ (từ những năm 2007). Đến nay, hơn 90% hệ thống máy chủ của VietinBank là hệ thống máy chủ ảo, sử dụng giải pháp ảo hóa hàng đầu trên thế giới.

Quá trình ảo hóa hệ thống là những bước đi đầu tiên trên lộ trình hướng tới xây dựng Private Cloud (ứng dụng điện toán đám mây) tại VietinBank. Hiện tại, VietinBank đã nghiên cứu thành công và đang thực hiện việc đầu tư xây dựng Private Cloud. Xây dựng thành công Private Cloud sẽ đưa VietinBank là ngân hàng đầu tiên cung cấp hạ tầng như là dịch vụ (Infrastructure as a service - IaaS). Từ đó, VietinBank sẽ cung cấp dịch vụ ngân hàng nhanh hơn, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, nâng cao khả năng an toàn, bảo mật của hệ thống. Không bỏ qua Big Data, VietinBank cũng đã đầu tư nghiên cứu và sẽ sớm đưa vào áp dụng các công nghệ liên quan trong những năm tới đây.

Tính đến thời điểm hiện tại, VietinBank là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam triển khai thành công QR PAY - tiện ích chuyển tiền bằng mã vạch. Công nghệ này tận dụng tối đa hạ tầng công nghệ sẵn có và ưu thế của thiết bị di động cá nhân giúp người dùng chuyển tiền nhanh chóng, giảm sai sót trong quá trình thao tác và bảo mật tuyệt đối thông tin cá nhân. Sản phẩm này giúp nâng dịch vụ của VietinBank lên tầm cao mới và tạo sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh.

Đặc biệt, tháng 2/2017 vừa qua, VietinBank đã hoàn thành đầu tư hệ thống Cor- Banking, đây là hệ thống hiện đại nhất thế giới hiện nay và theo như ông Lê Đức Thọ- hệ thống có khả năng đáp ứng công nghệ cho sự phát triển 20- 30 nữa.
 


Trung tâm CNTT VietinBank quản lý vận hành Trung tâm dữ liệu (DC) theo chuẩn Tier 3

 

Đối với tập đoàn Viettel, mỗi năm, đơn vị này dành 4.500 tỷ đồng cho nghiên cứu phát triển. Hiện nay, hoạt động nghiên cứu KH&CN đã mang lại doanh thu, cụ thể, doanh thu từ khối nghiên cứu sản xuất đạt 7.600 tỷ đồng năm 2015, 10.500 tỷ đồng năm 2016, tăng trưởng 36%/năm. Mục tiêu năm 2020, Viettel sẽ xây dựng thành công Tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao với doanh số 2 tỷ USD.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Viettel, để thực hiện nhiệm vụ làm chủ công nghệ, nghiên cứu sản xuất, Viettel lựa chọn phương thức tự làm là chính, kết hợp với CGCN từng phần từ các đối tác sở hữu công nghệ thành phần và hợp tác chuyên gia; tổ chức bộ máy nghiên cứu tại nước ngoài, sau đó chuyển kết quả nghiên cứu về nước dưới hình thức sản phẩm cụ thể và các trí thức được kết tinh trong đội ngũ chuyên gia.

Tạo cơ chế chính sách thông thoáng để tự do sáng tạo KH&CN

Góp ý vào dự thảo Luật CGCN (sửa đổi), đại diện VietinBank cho rằng: với Điều 14 liên quan đến thẩm định công nghệ đầu tư, cần làm rõ tổng mức đầu tư của dự án với mức đầu tư chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, Luật cũng phải làm rõ nguyên tắc người chịu trách nhiệm thẩm định. Theo đó, nguyên tắc đầu tiên phải là người nhận chuyển giao, tức là người đặt hàng công nghệ, sai đó là tư vấn và cuối cùng là quản lý vấn đề chuyển giao công nghệ. Về điều này, ý kiến của nhiều đại biểu đồng tình, cần phải tạo áp lực đổi mới công nghệ và áp lực chịu trách nhiệm trước quyết định đầu tư, chuyển giao công nghệ.

Bên cạnh đó, bằng kinh nghiệm hoạt động trong chuyển giao công nghệ của mình, VietinBank đề xuất cần có sự hợp tác với các Viện nghiên cứu để có ý kiến chuyên gia đối với từng lĩnh vực trước khi quyết định đầu tư.

Liên quan đến vấn đề định giá tài sản, Bộ KH&CN cũng đưa ra câu chuyện thực tế, đó là các nhà khoa học hiện nay chỉ có ý tưởng là tài sản trí tuệ, vậy việc đánh giá tài sản đó phải được thực hiện như thế nào? Đây là bài toán đầu tư mạo hiểm cần phải được giải quyết để tháo gỡ ách tắc vốn đầu tư cho ý tưởng sáng tạo hiện nay. Làm sao để vừa hỗ trợ chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lại hài hòa bài toán kinh doanh của ngân hàng vì xét cho cùng ngân hàng cũng là dạng doanh nghiệp đặc biệt.

Về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng đưa câu chuyện thực tế của tập đoàn này đối với đầu tư công nghệ, đó là quan điểm trong tổng các dự án, Quỹ đầu tư thu về dương là được, không nên tách bạch tính hiệu quả của từng dự án. Bởi đã là đầu tư mạo hiểm thì không thể áp đặt cách tính như các dự án đầu tư thông thường. Hiện nay, Viettel đang đề xuất thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo với số vốn trích từ 1% lợi nhuận sau thuế.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ: cách giao đề tài khoa học của Viettel đó là dựa trên nhu cầu thị trường, Viettel không đầu tư mà cho chủ nhiệm đề tài vay tiền để làm nghiên cứu. Sau 3 năm, sản phẩm đề tài phải được thương mại hóa. Đối với nghiên cứu cơ bản, tập đoàn trích tiền đầu tư phi lợi nhuận. Quan điểm đầu tư cho khoa học của Tập đoàn Viettel đó là tạo cơ chế chính sách thông thoáng để tự do sáng tạo.
 


Thiết bị bia tập bắn do Viettel chế tạo

 

Đánh giá cao việc ứng dụng KH&CN của ngân hàng VietinBank, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội cho rằng: Đây là lần đầu tiên đoàn của Ủy ban làm việc với VietinBank liên quan đến Luật CGCN (sửa đổi). Ông Phan Xuân Dũng cho biết: “Thực sự lúc đầu tôi cũng rất đắn đo, vì liên quan đến lĩnh vực KH&CN, CGCN thì không biết đơn vị sẽ góp ý được những gì. Qua làm việc với đơn vị, Đoàn công tác đã thu được rất nhiều ý kiến hữu ích, có những thứ tưởng như rất hiển nhiên như tuổi chuyên gia, thời hạn lưu trú của chuyên gia, quy trình trách nhiệm…”

Gắn kết quyền lợi của doanh nghiệp với từng con người lao động, phát huy tối đa nguồn nhân lực tự phát triển… chính vì vậy, VietinBank đã thành công trong việc tỷ lệ nội địa hóa công nghệ 70/30 - một con số rất đáng tự hào. Những kiến nghị của VietinBank đối với Luật CGCN (sửa đổi) sẽ được ghi nhận, doanh nghiệp của Việt Nam phải làm chủ trên đất nước mình, nếu không mình sẽ mãi mãi đi làm thuê.

Đối với Viettel, Đoàn công tác ghi nhận cách tiếp cận, chiến lược phát triển công nghệ và CGCN của Tập đoàn này. Điều quan trọng, Viettel đã có những chuyển biến lớn, biến những điều không tưởng thành hiện thực. Có nhiều yếu tố tạo nên thành công của Viettel nhưng quan trọng nhất, Viettel đã tạo ra cơ chế chính sách để con người gắn bó với công việc, tự do sáng tạo. Đây là bài học lớn nhất. Dự thảo Luật CGCN (sửa đổi) cũng như nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực KH&CN cũng đã đề cập đến điều này. Dự thảo Luật CGCN sửa đổi cũng tập trung vào hướng thay đổi cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động nghiên cứu, CGCN, ông Dũng cho biết. Đây cũng là tư tưởng  xuyên suốt của Luật CGCN sửa đổi và các Luật có liên quan đến KH&CN - đó là tạo điều kiện tối đa nhất cho doanh nghiệp, nhà khoa học, nguồn nhân lực Việt Nam phát triển. 

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN

Lượt xem: 5754

TAGS : Luật CGCN
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)