Hội nghị tập trung nhìn nhận, đánh giá những đóng góp của KH&CN trong phát triển KT-XH của địa phương và Vùng giai đoạn 2015 - 2017, xác định được những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ, xác định được những định hướng cơ bản để hoạt động KH&CN của các địa phương và của vùng trong giai đoạn tới có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả hơn.
Dự Hội nghị có đồng chí Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Đinh Chung Phụng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Bình; đồng chí Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định; đại diện 11 sở KH&CN trong vùng Đồng bằng sông Hồng cùng đại diện các Sở KH&CN trên cả nước.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu Khai mạc tại Hội nghị
Khoa học giải bài toán nông nghiệp công nghệ cao
Khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của KH&CN trong hai năm 2017-2018 tới đây là đóng góp nhiều hơn vào việc đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền kinh tế. Trong bối cảnh này, Bộ KH&CN đặc biệt chú trọng việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy KH&CN phát triển, triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và Đề án Tái cơ cấu ngành KH&CN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với phục vụ chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tăng cường ứng dụng tiến bộ KH&CN để tăng chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Cùng với đó, Bộ KH&CN tập trung đẩy mạnh việc đưa KH&CN vào phát triển nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tập trung vào các mặt hàng chủ lực xuất khẩu; đẩy nhanh phát triển công nghệ cho công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp có hàm lượng KH&CN và tỷ trọng giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh để tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới sáng tạo, xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển, ứng dụng KH&CN vào nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng và phát triển thương hiệu. Phát triển doanh nghiệp KH&CN thông qua thúc đẩy phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, khởi nghiệp sáng tạo.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, đồng chí Đinh Chung Phụng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình bày tỏ niềm vui, phấn khởi được đón tiếp các đại biểu về dự Hội nghị, đồng thời thông báo tóm tắt về lịch sử, địa lý, đất và người Ninh Bình cũng như những thành tựu nổi bật của tỉnh đạt được về kinh tế - văn hóa, xã hội trong những năm gần đây.
Đồng chí khẳng định: trong những thành tựu ấy có sự góp phần của ngành KH&CN. Công tác nghiên cứu KH&CN của tỉnh đã gắn với thực tiễn phục vụ sản xuất và đời sống, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế. Nhiều đề tài dự án do Bộ KH&CN hỗ trợ đã được ứng dụng rộng rãi, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn Hội nghị không chỉ là dịp gặp gỡ, giao lưu trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý KH&CN mà đây còn là dịp để các đại biểu tìm hiểu và quảng bá về mảnh đất và con người Ninh Bình.
Ông Đinh Chung Phụng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Bình
Sau phần khai mạc, ông Trần Văn Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương- Bộ KH&CN, đã có phần báo cáo tổng hợp nêu rõ các kết quả đã đạt được trong thời gian qua cũng như những điểm còn khó khăn, hạn chế. Theo ông Quang, vùng Đồng bằng sông Hồng thời gian qua đã thể hiện rõ vai trò đồng hành của KH&CN với doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Ông Quang cho biết, KH&CN bám sát cơ cấu kinh tế của vùng, của địa phương để xác định nội dung trọng tâm về hoạt động KH&CN; quan tâm đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ, ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến; các nhiệm vụ KH&CN được đặt hàng, đề xuất từ thực tiễn, nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh và quản lý; với phương châm “lấy ứng dụng là chính”, lấy hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội làm tiêu chí tuyển chọn, hỗ trợ doanh nghiệp đối mới công nghệ, thiết bị, ưu tiên các nhiệm vụ ứng dụng, tiếp thu đổi mới công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường; quan tâm đến việc huy động nguồn lực cho hoạt động KH&CN, nhất là tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các nhiệm vụ KH&CN, có kinh phí đối ứng để triển khai thực hiện dự án (có nơi đạt khoảng 70% kinh phí thực hiện dự án)…
“Nhờ đó, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của từng địa phương. Một số địa phương đã chủ động tham mưu, đề xuất và được tỉnh/thành phố ban hành các Chương trình riêng cho KH&CN (như Hà Nội có Quyết định số 3096/QĐ-UBND ngày 03/7/2015 phê duyệt chương trình KH&CN trọng điểm của Thủ đô giai đoạn 2015-2020; Hải Phòng, Thái Bình đã ban hành và triển khai 06 Chương trình KH&CN trọng điểm theo từng lĩnh vực...)”, ông Quang nói.
Cần ứng dụng KH&CN nhiều hơn để phát triển nông nghiệp bền vững
Thời gian qua, hoạt động KH&CN của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng đã có những đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và ngày càng khẳng định vai trò là động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương. Quản lý nhà nước về KH&CN đã có nhiều đổi mới, môi trường pháp lý cho hoạt động KH&CN đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh. Cơ chế tổ chức, quản lý và hoạt động đã tạo được sự gắn kết giữa KH&CN với sản xuất và đời sống.
Nổi bật như trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao các tiến bộ KH&CN đã tập trung vào tuyển chọn được dòng, giống lúa chất lượng cao; giải pháp trồng ngô mật độ cao không làm đất kết hợp với đặt bầu ở Hải Dương đã cho năng suất cao hơn 20% so với trồng ngô truyền thống; hay như việc ứng dụng thành công KH&CN vào nuôi tôm thẻ chân tắng, nuôi cua xanh ở Hải phòng; mô hình trồng và chế biến dược liệu… Trong lĩnh vực công nghiệp, nhiều công trình nghiên cứu KH&CN đã được áp dụng thành công.
Toàn cảnh Hội nghị giao ban KH&CN vùng Đồng bằng sông Hồng
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp phát triển công nghiệp địa phương của các tỉnh trong vùng theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, xử lý môi trường để phát triển bền vững. Các giải pháp KH&CN thúc đẩy liên kết “3 nhà”, “4 nhà”, “5 nhà” theo chuỗi giá trị mà hạt nhân là “Nhà doanh nghiệp” trong phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của vùng mà Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2020.
Các ý kiến tại Hội nghị cũng đã trao đổi về phát triển doanh nghiệp KH&CN thông qua thúc đẩy phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao; chuyển đổi thủ tục đăng ký theo hướng hậu kiểm để tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Ngoài ra, nhiều kiến nghị được đề xuất nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, về tổ chức bộ máy, về nguồn lực phát triển, về ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN… của các địa phương và của vùng.
Đáng chú ý, các ý kiến tại Hội nghị đề nghị các địa phương trong vùng cần cân đối bổ sung ngân sách từ địa phương để từng bước đảm bảo 2% tổng chi ngân sách địa phương cho KH&CN, đặc biệt là triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh/thành phố. Đồng thời, hướng trọng tâm hoạt động KH&CN phải gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, đồng hành cùng doanh nghiệp để cùng tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhất là về các công nghệ trong sản xuất; nghiên cứu xây dựng và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản xuất và chế biến dược liệu.
Ghi nhận những đề xuất của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho rằng việc chỉ ra khó khăn sẽ giúp bộ, ban, ngành xác định được định hướng cơ bản để hoạt động KH&CN của địa phương có trọng tâm, trọng điểm, đạt được hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Thứ trưởng nhận định, trong suốt 31 năm đổi mới, sản xuất nông nghiệp đạt nhiều thành tựu lớn. Theo dõi đồ thị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có thể thấy đạo hàm luôn dương, tức là luôn tăng trưởng, nhưng 3-4 năm gần đây có dấu hiệu chững lại.
“Như vậy có thể nói những không gian và dư địa như khoáng sản thô, lao động rẻ… được coi là thế mạnh sẵn có trong sản xuất nông nghiệp đã được chúng ta tận dụng gần hết”, Thứ trưởng nói và khẳng định muốn phát triển nông nghiệp bền vững không còn cách nào khác là phải áp dụng KH&CN vào mọi khâu sản xuất, từ canh tác, thu hoạch, chế biến đến quản lý.
Thực tế hiện nay chỉ 1% tổng số doanh nghiệp cả nước đầu tư vào nông nghiệp, trong đó 60% là doanh nghiệp nhỏ. Ông Tạc cho rằng con số này là quá nhỏ bé và sản xuất nông nghiệp cần nhiều hơn sự hỗ trợ, đầu tư của doanh nghiệp. "Chúng ta không chỉ thực hiện liên kết 4 nhà mà phải đẩy mạnh liên kết 5 nhà. Các nhà quản lý, nhà đầu tư (doanh nghiệp), nhà nông, nhà khoa học và nhà băng phải kết nối chặt chẽ với nhau", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tiến bộ KH&CN đóng góp 30-40% tùy từng lĩnh vực vào tăng trưởng nông nghiệp. Con số này có thể cao hơn nếu doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn và đẩy mạnh hơn việc áp dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất.
Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra Hội thảo Liên kết, ứng dụng và đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng, Hội thảo KH&CN với phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi giá trị và Tọa đàm về hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng vùng.
Lễ bàn giao công tác tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN Vùng ĐBSH lần tiếp theo giữa tỉnh Ninh Bình và Hải Dương (Trong ảnh: Thứ trưởng Phạm Công Tạc tặng hoa chúc mừng)