Thứ năm, 27/04/2017 17:25 GMT+7

Hội thảo khoa học của Đề tài cấp Bộ 2016-2017

Tiếp tục triển khai thực hiện “Ngày sinh hoạt khoa học trong tuần” tại các đơn vị trực thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam - Bộ KH&CN, ngày 21/04/2017, đề tài cấp Bộ 2016 -2017: “Đánh giá các kết quả đã thực hiện và nghiên cứu bổ sung công nghệ xử lý quặng cát kết urani để tiến tới xây dựng bộ số liệu kinh tế kỹ thuật” mã số ĐTCB-04/16/VCNXH do PGS. TS. Thân Văn Liên làm Chủ nhiệm đã tổ chức Hội thảo khoa học về kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Phòng Hội thảo của Viện Công nghệ xạ hiếm (Viện CNXH).

Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Lê Thị Mai Hương – Phó Viện trưởng Viện CNXH, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Dung, đại diện Phòng Kế hoạch và Hợp tác quốc tế, cùng các cán bộ thuộc Nhóm nghiên cứu ưu tiên về Urani, Trung tâm Công nghệ chế biến quặng phóng xạ và Trung tâm Xử lý chất thải phóng xạ và môi trường.

              PGS. TS. Thân Văn Liên trình bày tại buổi hội thảo


Mở đầu buổi hội thảo, PGS.TS. Thân Văn Liên thay mặt các cán bộ thực hiện Đề tài đã giới thiệu về tình hình thực hiện, những kết quả đã đạt được và kế hoạch sắp tới của Đề tài.

Tiếp theo PGS. TS. Thân Văn Liên đã trình bày chủ đề: “Tổng hợp, phân tích và đánh giá những kết quả nghiên cứu và triển khai đã đạt được trong lĩnh vực nghiên cứu chế biến quặng urani vùng Nông Sơn. Đề xuất những định hướng nghiên cứu tiếp theo trong công nghệ xử lý quặng urani thu nhận urani kỹ thuật vùng Nông Sơn”. Báo cáo tập trung trình bày các kết quả đã đạt được trong việc xác định thành phần khoáng vật, hóa học của quặng urani vùng Nông Sơn; các phương pháp xử lý quặng (khuấy trộn, trộn ủ, thấm,....); các phương pháp làm giàu, làm sạch dung dịch (trao đổi ion, chiết, ...); các phương pháp kết tủa thu nhận urani kỹ thuật. Những kết quả nghiên cứu đã đạt được đánh dấu một mốc phát triển dài trong việc đưa ra công nghệ chế biến quặng urani vùng trũng Nông Sơn. Đồng thời, báo cáo cũng đã đề xuất một số định hướng nghiên cứu trọng tâm tiếp theo của công nghệ chế biến quặng phóng xạ trong tình hình hiện nay, cụ thể như sau:

- Cần có những nghiên cứu sâu hơn cho các công đoạn, đặc biệt là các quá trình xảy ra khi hòa tách quặng bằng phương pháp thấm để có thể làm chủ công nghệ trong lĩnh vực xử lý quặng urani. Tìm hiểu, sử dụng tốt các phần mềm trong việc nghiên cứu xử lý quặng urani làm giảm chi phí và thời gian làm nghiên cứu thực nghiệm;

- Thực hiện các nghiên cứu về xử lý quặng urani phục vụ việc thăm dò, đánh giá tài nguyên urani ở vùng Pà Lừa – Pà Rồng, Khe Hoa – Khe Cao và các điểm quặng khác (kết hợp với Liên đoàn Địa chất xạ hiếm, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam);

- Phát triển và hoàn thiện công nghệ hòa tách đống, công nghệ làm giàu làm sạch dung dịch sau hòa tách (trao đổi ion, chiết) để xử lý quặng urani vùng Nông Sơn;

- Nghiên cứu các công nghệ tách urani, thori từ các loại quặng phóng xạ khác (quặng đất hiếm, sa khoáng ven biển,...).

Các cán bộ tham dự đã cùng nhau thảo luận sôi nổi, đặc biệt là về phần định hướng nghiên cứu tiếp theo và đưa ra các góp ý cho Đề tài để chỉnh sửa, bổ sung nhằm hoàn thiện bản báo cáo.

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, PGS.TS. Thân Văn Liên đã cảm ơn và tiếp thu góp ý chân thành của các cán bộ tham dự. Chủ nhiệm đề tài cũng tin rằng, với nỗ lực của các thành viên tham gia cùng với sự giúp đỡ của các phòng ban chức năng của Viện, đề tài sẽ hoàn thành tốt các nội dung và mục tiêu nghiên cứu đã đề ra./.
 

 

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 3435

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)