Thứ bảy, 13/05/2017 18:30 GMT+7

Bắc Giang: Thúc đẩy hoạt động KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 12/5 tại tỉnh Bắc Giang đã diễn ra Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ giữa UBND tỉnh Bắc Giang với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, giai đoạn 2014-2020.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Tham dự Hội nghị có: Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang; Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương; đại diện lãnh đạo Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Về phía tỉnh Bắc Giang có: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái; Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang Nguyễn Đức Kiên và đại diện lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Phát triển sản phẩm chủ lực nhờ KH&CN

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái cho biết, nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của KH&CN, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch nhằm triển khai đường lối, chủ trương của Đảng về KH&CN như: ứng dụng KH&CN vào các lĩnh vực sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chuyển giao công nghệ,… trong đó tỉnh đã đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ nghiên cứu, ứng dụng KH&CN với kinh phí gần 100 tỷ đồng.

Năm 2016, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội (GRDP) đạt 10,4%, cao nhất kể từ khi tái lập tỉnh, hoạt động thu hút đầu tư đạt kết quả khá với 112 dự án đầu tư trong nước, tổng số vốn đăng ký đạt 12.098 tỷ đồng; cấp mới và điều chỉnh 58 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đạt 966,6 triệu USD, đứng thứ 6 toàn quốc.

 

Phó Chủ tịch UBND Dương Văn Thái phát biểu tại Hội nghị

 

Theo Phó Chủ tịch Dương Văn Thái, nhờ đầy mạnh KH&CN, tỉnh đã hình thành nên một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung; tạo ra sản phẩm đặc trưng riêng của tỉnh, điều này không chỉ phục vụ tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài đối với các sản phẩm chủ lực như: gà (tổng đàn gà 14,6 triệu con), vải thiều (trên 30.000 ha), cá (sản lượng 30.500 tấn/năm),… “Hầu hết các sản phẩm chủ lực của tỉnh Bắc Giang đều do KH&CN đi tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đặc biệt là các dự án cấp Quốc gia” ông Thái nhấn mạnh.

Đánh giá về Chương trình hợp tác giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh Bắc Giang, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Nguyễn Đức Kiên cho biết, giai đoạn 2014 – 2017, Bộ KH&CN hỗ trợ Bắc Giang 14 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia với tổng kinh phí 53 tỷ đồng thuộc các chương trình như: chương trình nông thôn miền núi; chương trình sở hữu trí tuệ (SHTT); đề tài, đề án độc lập cấp quốc gia,… Trong đó, có 05 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền  núi với tổng kinh phí Trung ương hỗ trợ là hơn 15.000 tỷ đồng.

Theo đó, một số đề tài được coi là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh điển hình gồm: dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng vườn giống cam sạch bệnh tại tỉnh Bắc Giang”; dự án “Xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống và bảo quản khoai tây sạch bệnh tại tỉnh Bắc Giang”; dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất giống và nuôi thương phẩm lợn lai 3-4 máu ngoại tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang”,…

 “Các dự án trên đã góp phần tăng nguồn lực đầu tư cho KH&CN, nhiều cây con, giống mới, quy trình công nghệ tiên tiến được áp dụng, góp phần nâng cao năng suất chất lượng, tạo sức cạnh tranh các sản phẩm chủ lực của tỉnh” ông Kiên cho hay.

KH&CN - phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Theo Giám đốc Nguyễn Đức Kiên, trong 3 năm triển khai, nhiều nội dung trong Chương trình hợp tác đã được thực hiện với kết quả tích cực rõ nét. Thông qua Chương trình phối hợp, UBND tỉnh Bắc Giang được sự ưu tiên về đầu tư kinh phí, thu hút các chuyên gia nghiên cứu khoa học. Đồng thời, những sản phẩm chủ lực của tỉnh Bắc Giang được bảo hộ tại một số Quốc gia đã nâng cao giá trị, chất lượng, giá thành sản phẩm, góp phần đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.

Nhằm hướng đến phát triển du lịch tâm linh, năm 2014, Bộ KH&CN đã phê duyệt dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà tỉnh Bắc Giang” với kinh phí gần 9,6 tỷ đồng thông qua hoạt động nghiên cứu giá trị mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà phục vụ việc phục dựng, dịch thuật mộc bản, đưa ra các giải pháp quản lý, góp phần phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Công nghệ bảo quản sau thu hoạch cũng được tỉnh chú trọng, trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Bắc Giang, Bộ KH&CN đã hỗ trợ tỉnh những công nghệ tiên tiến trong việc bảo vệ quả vải như công nghệ CAS của Nhật Bản, công nghệ Juran bảo quản quả vải của Israel. Bộ còn phối hợp với tỉnh tổ chức nhiều hội thảo liên quan đến hoạt động bảo quản sau thu hoạch. Đặc biệt, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng (Bộ KH&CN) đã phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang xuất khẩu 12 tấn vải thiều bảo quản bằng công nghệ CAS sang thị trường Nhật Bản.

Đối với công tác SHTT, giai đoạn 2014 – 2017, Bộ KH&CN đã cấp văn bằng bảo hộ nước ngoài đối với sản phẩm vải thiều Lục Ngạn tại 7 quốc gia (Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc…); đăng ký sản phẩm gà đồi Yên Thế tại 4 quốc gia (Lào, Campuchia, Trung Quốc, Singapore)… “Những sản phẩm được bảo hộ đã nâng cao giá trị xuất khẩu cũng như đời sống người dân, đặc biệt góp phần thúc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh” ông Kiên chia sẻ.

 

Thứ trưởng Phạm Đại Dương phát biểu tại Hội thảo

 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế, song Bắc Giang đã có nhiều kết quả tích cực trong việc thúc đẩy hoạt động KH&CN, ứng dụng kỹ thuật tiến bộ vào phát triển các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi với các sản phẩm chủ lực như: “Vải thiều Lục Ngạn”, “Gà đồi Yên Thế”. “Miến dong Sơn Động”, “Mỳ Chũ”,… Việc phối hợp triển khai các Chương trình KH&CN cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh một số sản phẩm chủ lực của tỉnh cũng nâng cao vai trò hoạt động KH&CN vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua.

Ngoài việc phát huy những lợi thế của tỉnh, Thứ trưởng Phạm Đại Dương cũng đề nghị Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang và các đơn vị đầu mối thuộc Bộ cần tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa những nội dung Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giai đoạn tới. Đặc biệt là bám sát chủ trương “hoạt động KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” nhằm nâng cao hơn nữa vai trò KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Thứ trưởng Phạm Đại Dương trao chứng nhận bảo hộ sở hữu công nghiệp cho một số sản phẩm của tỉnh

 

Giới thiệu một số sản phẩm gạo lứt Bắc Giang tại gian trưng bày sản phẩm

 

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 5150

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)