Thứ ba, 16/05/2017 17:23 GMT+7

Hoàn thiện công nghệ xử lý ngọc trai sau thu hoạch và công nghệ chế tác hàng trang sức từ ngọc trai biển Pinctada MartenSII DunKer

Nghề nuôi cấy ngọc trai đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngọc trai nuôi làm hàng trang sức cao cấp, có giá trị hơn vàng. Vỏ trai, cơ khép vỏ, thịt trai và hạt ngọc tự nhiên làm nguyên liệu cho ngành dược, ngành chăn nuôi, mỹ phẩm, dệt may và thực phẩm cho con người. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 32 nước có nghề nuôi cấy ngọc, tập trung nhiều ở các nước Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á và đã trở thành một ngành công nghiệp. “Chính phủ các nước trên coi nuôi cấy ngọc trai là một định hướng kinh tế đúng đắn, đang hoạch định lại nguồn lợi, vùng tài nguyên ven bờ, cũng như các eo vịnh, hải đảo và sông hồ của họ”.


Trên thế giới, nuôi cấy ngọc trai loài Pinctada fucata Gould & Bottom bắt đầu ở Nhật Bản vào năm 1907. Nhưng 95% ngọc thu được có nhiều vết bẩn không sử dụng được. Đến năm 1922 nhờ kết quả nghiên cứu xử lý sạch các vết bẩn của ông Fujido người Nhật, nghề nuôi cấy ngọc trai Nhật Bản mới phát triển. Trung Quốc cũng nghiên cứu thành công vào năm 1990. Đánh bóng ngọc trai là một công đoạn quan trọng trong công nghệ sau thu hoạch, nhằm nâng cao giá trị và giá trị sử dụng. Trên thế giới đã nghiên cứu đánh bóng ngọc trai có độ bóng rất cao. Sau công đoạn hoàn tất, ngọc trai và hàng trang sức của Nhật Bản đẹp đến mức hoàn hảo.

Với tiềm năng và thời gian hình thành như vậy, nghề nuôi cấy ngọc trai Việt Nam đến nay vẫn chưa phát triển được. Trong khi nhiều ngư dân ven biển, hải đảo còn thiếu việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn. Việc khai thác thủy sản truyền thống ven bờ vẫn tiếp tục. Nhiều hình thức khai thác phi truyền thống như đánh mìn, xung điện vẫn đang diễn ra nhiều nơi, dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi.

Cơ quan chủ trì Công ty cổ phần Ngọc trai Việt Nam cùng kết hợp với Chủ nhiệm đề tài KS. Nguyễn Mạnh Thắng cùng nghiên cứu để “Hoàn thiện công nghệ xử lý ngọc trai sau thu hoạch và công nghệ chế tác hàng trang sức ngọc trai từ ngọc trai biển Pinctada martensii Dunker” của Công ty cổ phần Ngọc trai Việt Nam nhằm mục tiêu Hoàn thiện công nghệ xử lý ngọc trai sau thu hoạch và hoàn thiện công nghệ chế tác hàng trang sức ngọc trai Pinctada martensii Dunker, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Sau thời gian thực hiện, đề tài nghiên cứu đã thu hoạch được ngọc trai sau 7 quy trình công nghệ, quy trình kỹ thuật gồm: Quy trình công nghệ phối chế chất hoàn tất Carnauba Wax; Quy trình công nghệ xử lý làm sạch ngọc; Quy trình công nghệ tạo mầu ngọc vàng 14K; Quy trình công nghệ tạo ngọc mầu đen; Quy trình công nghệ tạo ngọc mầu xanh dương; Quy trình công nghệ chế tác hàng trang sức ngọc trai và quy trình kỹ thuật đánh bóng ngọc.

Việt Nam đã có quy trình công nghệ sản xuất nhân ngọc, quy trình công nghệ sản xuất con giống, quy trình công nghệ nuôi cấy ngọc trai loài Pinctada martenii Dunker, còn thiếu quy trình công nghệ ngọc trai sau thu hoạch. Đến nay các quy trình công nghệ đã đầy đủ, có thể sản xuất khép kín loài trai biển Pinctada martenii Dunker.

Đề tài “Hoàn thiện công nghệ ngọc trai sau thu hoạch và công nghệ chế tác hàng trang sức từ ngọc trai biển Pinctada martensii Dunker” có sức lan tỏa, thúc đẩy một nghề mới có hiệu quả kinh tế cao phát triển, giải quyết nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động, cung cấp nhiều nguyên liệu cho các ngành nghề khác, bảo vệ được môi trường, phát triển được nguồn lợi thủy sản và khai thác được tiềm năng to lớn nghề nuôi cấy ngọc trai Việt Nam.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 12387/2015) tại Cục Thông tin KHCNQG

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 3489

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)