Đây là một trong chuỗi các sự kiện nằm trong khuôn khổ "Triển lãm quốc tế về sản phẩm và dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông, Phát thanh- truyền hình tại Việt Nam" được tổ chức từ ngày 7- 9/6.
Mục đích của Hội thảo là nhằm giới thiệu các cơ chế hỗ trợ của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020; Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844); Chương trình Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu; Quỹ hỗ trợ cho khởi nghiệp. Đây là những chương trình, dự án có cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc phát triển, thương mại hóa các sản phẩm công nghệ.
Ông Phạm Đức Nghiệm – Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN
Hội thảo đã có nhiều bài tham luận, ý kiến phát biểu từ các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà đầu tư, chuyên gia với mục tiêu đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp với các Quỹ đầu tư, và thúc đẩy quá trình thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học. Qua đó, đẩy mạnh quá trình đưa những nghiên cứu, sáng chế đến gần hơn với cuộc sống thực tiễn.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Bình – Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia (NATIF) đã chia sẻ với các khách mời về vai trò của việc đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp và cách thức để nhận được hỗ trợ từ Quỹ, các doanh nghiệp nên chủ động nghiên cứu, tìm hiểu đối tượng cũng như cơ chế hỗ trợ của Quỹ để biết rõ sản phẩm công nghệ doanh nghiệp đang cần tìm kiếm cần đạt tiêu chí như thế nào để đáp ứng và nhận được tài trợ.
Hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được xây dựng nhưng việc tiếp cận nguồn vốn và những ưu đãi thực sự vẫn còn khó khăn. Nhận thấy tầm quan trọng đó, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Bộ KH&CN đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, trong đó Quỹ NATIF được thành lập với chức năng cho vay, hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ.
Tuy nhiên, để NATIF có thể hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp cũng như sự nghiệp CNH-HĐH của đất nước, việc làm rõ thực trạng chính sách và nhu cầu đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp của Việt Nam và xác định các lĩnh vực trọng tâm là cần thiết. Quỹ sẽ hỗ trợ cho các nội dung: chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm, mua phần mềm, bí quyết, sản xuất lô số không, thiết bị đặc chủng, đo kiểm, chuyên gia tư vấn...
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Trúc – Giám đốc Trung tâm Đào tạo và hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN đã có bài giới thiệu về Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844). Theo đó, Đề án 844 hướng tới mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe ông Nguyễn Đình Tiến – chuyên gia của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Ứng phó với Biến đổi Khí hậu (VCIC) chia sẻ về vai trò của VCIC trong việc góp phần vào các nỗ lực toàn diện của Chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia và Bộ Phát triển Quốc tế Vương Quốc Anh, VCIC sẽ hỗ trợ tài chính, huấn luyện và tư vấn cho ngày càng nhiều các doanh nghiệp công nghệ sạch trong nước hoạt động trong năm lĩnh vực chính bao gồm sử dụng năng lượng hiệu quả, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, và quản lý nguồn nước. VCIC sẽ góp phần biến các thách thức của biến đổi khí hậu thành cơ hội để tăng trưởng nhờ vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhân rộng những giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu sáng tạo nhất.
Ngoài ra, hội thảo đã được nghe bà Nguyễn Nhã Quyên – Quỹ doanh nghiệp khởi nghiệp chia sẻ về cách thức để thương mại hóa sản phẩm công nghệ thành công và cách tìm kiếm chuyển giao công nghệ.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo là cơ hội tốt để các chuyên gia, nhà quản lý, các đại biểu tham dự cùng nhau thảo luận thúc đẩy quá trình kết nối các doanh nghiệp với các Quỹ đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa việc xúc tiến thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN, đưa các kết quả nghiên cứu KH&CN đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội./.