Thứ ba, 04/07/2017 16:40 GMT+7

Cuộc họp Điều phối và đánh giá tiến độ dự án IAEA/RCA-RAS/5/070

Trước bối cảnh biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan đang làm gia tăng áp lực cho nguồn tài nguyên đất và vấn đề an ninh lương thực, dự án IAEA-RCA-RAS/5/070 về “Phát triển cây trồng Năng lượng sinh học để tối ưu năng suất sử dụng đất xấu thông qua chọn giống đột biến và các kỹ thuật liên quan” được mở ra từ năm 2014 nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực của các quốc gia thành viên trong chọn tạo giống cây năng lượng sinh học.

Sáng ngày 03/7/2017, Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã tổ chức khai mạc Cuộc họp điều phối và đánh giá tiến độ dự án RAS/5/070. Cuộc họp diễn ra từ ngày 03-07/7/2017 tại Hà Nội nhằm đánh giá tiến độ thực hiện Dự án và thảo luận việc tiến hành các khảo nghiệm đồng ruộng.

 

 

Tham dự Cuộc họp có các chuyên gia IAEA và đại diện của 16 quốc gia thành viên RCA: Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Myanma, Nepal, Pakistan, Philippin, Srilanka, Mông Cổ, Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam. Thay mặt cho Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam - Cơ quan điều phối RCA tại Việt Nam, ông Bùi Đăng Hạnh đã phát biểu khai mạc Cuộc họp.

Ở Việt Nam, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong Nông nghiệp tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đột biến tạo giống, nghiên cứu quan hệ giữa đất, phân bón và cây trồng bằng đồng vị đánh dấu và chế tạo các chế phẩm phục vụ nông nghiệp. Việt Nam đã được IAEA xếp hạng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực đột biến tạo giống bằng bức xạ. Việt Nam cũng đã thông qua chương trình quốc gia về ứng dụng các kĩ thuật hạt nhân trong nông nghiệp vào năm 2010, với mục tiêu chiến lược là xây dựng Trung tâm tạo giống bằng bức xạ (CRB), phòng thí nghiệm chọn giống đột biến và thiết lập các trung tâm nghiên cứu ứng dụng về bảo vệ thực vật, dinh dưỡng cây trồng, chế biến lương thực, quản lý nguồn tài nguyên đất, nước. Điều này tạo tiền đề để Việt Nam phát triển các cây năng lượng sinh học trên những vùng đất khó khăn bằng kĩ thuật đột biến giống và các kĩ thuật liên quan.

 

 

Cũng trong sáng ngày 3/7/2017, các đại biểu đã được nghe bà Fatma Sarsu, chuyên gia Phòng Chọn giống và Di truyền thực vật, IAEA trình bày về những tác động của việc chọn giống đột biến đến an ninh lương thực. Ông Mohammad Zaman, chuyên gia Quản lý Đất, Nước và Dinh dưỡng cây trồng, IAEA đã chia sẻ về những thách thức, các vấn đề trong an ninh lương thực và vai trò của các kỹ thuật đồng vị và hạt nhân.

Trong 5 ngày diễn ra Cuộc họp, Điều phối viên Dự án của các quốc gia thành viên sẽ báo cáo kế hoạch quốc gia về các chương trình chọn giống đột biến, quản lý đất, nước và dinh dưỡng để trồng các cây năng lượng sinh học trên đất xấu. Cuộc họp sẽ thảo luận và thống nhất báo cáo về: (i) Hiện trạng cây trồng và các hoạt động quản lý đất và nước trên đất xấu; (ii) Vai trò của kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ trong dự án; (iii) Những khoảng cách và nhu cầu cho việc áp dụng các kỹ thuật quản lý đất và nước để phát triển cây trồng năng lượng sinh học để tối ưu hóa năng suất đất ven bờ; (iv) Các khuyến nghị. Đồng thời, Cuộc họp sẽ thông qua các hoạt động tiếp theo để triển khai dự án RAS/5/070.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 3398

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)