Thứ sáu, 14/07/2017 09:18 GMT+7

Xây dựng và hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia

Cách đây 67 năm, ngày 20-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 08/SL. Đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên về đo lường, nhằm thống nhất đơn vị đo theo hệ Mét. Năm 1962, Viện Đo lường và Chất lượng (tiền thân của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hiện nay) là cơ quan đầu tiên của ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) được Hội đồng Chính phủ thành lập. Từ một cơ quan có hơn hai chục người với cơ sở vật chất, trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu và thiếu thốn, đến nay, Tổng cục TCĐLCL (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có gần 1.700 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Cùng với Tổng cục, mạng lưới chi cục TCĐLCL của 63 tỉnh, thành phố và các cơ quan chuyên trách TCĐLCL tại bộ, ngành trung ương đã tạo thành hệ thống quản lý thống nhất hoạt động TCĐLCL trên cả nước, góp vào sự phát triển của nền kinh tế - xã hội nói chung và ngành TCĐLCL nói riêng. Trong 55 năm qua, hoạt động TCĐLCL mà Tổng cục TCĐLCL là hạt nhân đã luôn song hành cùng sự phát triển của đất nước và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.


Cán bộ Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) giám định, thẩm định kỹ thuật máy móc. Ảnh: HÀ THU

 

Ngành đã xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TCĐLCL đồng bộ trên cơ sở ba trụ cột chính là Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Đo lường, với đầy đủ các nghị định, thông tư. Hệ thống văn bản pháp luật này đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để hoạt động TCĐLCL đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong những năm qua, ngành đã xây dựng và phát triển được hơn 9.500 Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN), trong đó 47% số tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và hơn 650 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN). Tỷ lệ hài hòa TCVN với tiêu chuẩn quốc tế đã và đang góp phần đắc lực phục vụ việc cải tiến, đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất và cung cấp các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, thúc đẩy thuận lợi hóa giao dịch thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hoạt động bảo đảm đo lường ngày càng phát triển theo chiều sâu, với hạ tầng kỹ thuật là hệ chuẩn đo lường quốc gia và hệ thống các tổ chức thực hiện dịch vụ kỹ thuật. Hệ thống chuẩn Đo lường Quốc gia có 22 chuẩn đo lường quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó có 33 phép đo (CMCs/CIPM) của Việt Nam được Tổ chức Đo lường Quốc tế công nhận, điều đó thể hiện năng lực khoa học của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước, không bị kiểm tra lại chất lượng theo quy định của nước nhập khẩu. Việc duy trì, dẫn xuất, sao truyền chuẩn từ chuẩn đo lường quốc gia xuống các chuẩn đo lường cấp thấp hơn cho các bộ, ngành, địa phương, tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm của các doanh nghiệp đã góp phần bảo đảm tính thống nhất, tin cậy, chính xác của phép đo trong đo lường khoa học và đo lường công nghiệp.

Hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn đã được xã hội hóa. Các tổ chức đo lường cơ bản đáp ứng, nhu cầu về bảo đảm đo lường trong thương mại, giao nhận hàng hóa, trong quản lý thị trường và xuất, nhập khẩu. Nhiều chương trình bảo đảm đo lường đã mang lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần duy trì, nâng cao năng suất, chất lượng. Hoạt động thử nghiệm, phê duyệt mẫu phương tiện đã được tổ chức thực hiện bài bản phù hợp, thông lệ quốc tế.

Hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế ISO 9000, ISO 22000, HACCP,… đã được chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc gia, được phổ biến áp dụng thành công ở hàng nghìn doanh nghiệp và các đơn vị hành chính nhà nước để bảo đảm chất lượng làm cơ sở cho sự hội nhập, thừa nhận, công nhận lẫn nhau theo tập quán và thông lệ quốc tế.

Hiện nay Tổng cục TCĐLCL được giao chủ trì Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chương trình này sẽ tạo ra phong trào tăng năng suất chất lượng một cách bền vững, qua việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ quản lý tiên tiến, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, điều hành, quản lý công nghệ nhằm tiết kiệm chi phí, nguyên liệu, nhiên liệu và tiết kiệm thời gian, tăng hiệu quả kinh doanh.

Tổng cục đã tổ chức xây dựng, triển khai, cấp và quản lý hệ thống mã số mã vạch quốc gia cho sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, cung cấp thông tin, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, tạo ra sự minh bạch trong sản xuất, chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hỗ trợ sản xuất đối với doanh nghiệp, góp phần nâng cao uy tín, sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.

Hoạt động hợp tác quốc tế, hội nhập trong lĩnh vực TCĐLCL đã được đẩy mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu. Tổng cục TCĐLCL hiện nay làm đại diện Việt Nam tại 14 tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn, đo lường, năng suất, chất lượng và mã số mã vạch; duy trì hợp tác thường xuyên với hơn 30 tổ chức quốc tế, một số nước trên thế giới và khu vực. Qua đó, đã giúp Tổng cục xây dựng nhiều chính sách về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng phù hợp quy định quốc tế, góp phần tích cực tạo thuận lợi cho thương mại, nâng cao vị thế của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế và khu vực. Trong quá trình đàm phán các hiệp định và tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế, Tổng cục luôn bảo đảm lợi ích quốc gia, tranh thủ, khai thác tối đa sự giúp đỡ, ủng hộ của các tổ chức này, nhằm thúc đẩy hoạt động TCĐLCL ở nước ta.

Trong thời gian tới, hoạt động TCĐLCL tập trung định hướng vào các vấn đề như: Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành, chuyển sang áp dụng biện pháp hậu kiểm để thực hiện tốt các nghị quyết của Chính phủ. Đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo hướng đồng bộ, có trình độ ngang bằng, hài hòa các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Đổi mới hoạt động mã số mã vạch. Tập trung, ưu tiên mọi nguồn lực nhà nước, nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến. Xây dựng, tổ chức triển khai chương trình, đề án trọng điểm trong hoạt động đo lường, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổ chức triển khai Đề án tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế...

TRẦN VĂN VINH
Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng


Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/33398802-xay-dung-va-hoan-thien-tieu-chuan-quy-chuan-ky-thuat-quoc-gia.html

 

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 4482

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)