Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
Năm 2015, Quốc hội đã thông qua Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), trong đó có nội dung quan trọng là lập Kế hoạch Tài chính (KHTC) 5 năm và Kế hoạch Tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 3 năm. Hiện nay, hệ thống văn bản hướng dẫn nội dung này trong Luật đã được hoàn thiện với Nghị định 45/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết lập Kế hoạch Tài chính 5 năm và Kế hoạch Tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm và Thông tư 69/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn lập Kế hoạch Tài chính 5 năm và Kế hoạch Tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm.
Hội thảo được tổ chức với mục đích giới thiệu với các đơn vị thuộc Bộ những quy định, nội dung cần thiết, quy trình xây dựng các kế hoạch nói trên; làm rõ các nội dung chính của Nghị định và Thông tư hướng dẫn lập KHTC 5 năm và KHTC-NSNN 3 năm; giúp các đơn vị hiểu được bản chất của phương thức lập KHNS mới. Từ đó, vận dụng lập KHTC – NSNN của đơn vị, cấp ngân sách giai đoạn 2018 – 2020.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước - Bộ Tài chính trình bày nội dung lập KHTC 5 năm và KHTC - NSNN 3 năm, các quy định, quy trình cần thiết để lập kế hoạch; mối quan hệ giữa KHTC 5 năm với KHTC – NSNN 3 năm, quan hệ giữa KHTC – NSNN 3 năm và dự toán ngân sách hằng năm. Đồng thời đưa ra những khái niệm then chốt liên quan đến lập kế hoạch tài chính trung hạn như phương thức cuốn chiếu, trần chi ngân sách, chi tiêu cơ sở và chi tiêu mới.
Theo đó, KHTC 5 năm là KHTC được lập trong thời hạn 5 năm cùng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của quốc gia và của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. KHTC - NSNN 3 năm của các Bộ, cơ quan trung ương và cơ quan, đơn vị ở cấp tỉnh là KHTC - NSNN do các bộ, cơ quan trung ương, các cơ quan, đơn vị ở cấp tỉnh lập hằng năm theo phương thức cuốn chiếu cho thời gian 3 năm.
Nói về các nguyên tắc và quy trình cơ bản, ông Nguyễn Minh Tân nhấn mạnh, KHNS hằng năm chỉ tập trung vào từng năm, tách rời giữa chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, phân bổ cố định hàng năm, đàm phán hàng năm về tổng kinh phí được phân bổ. Hình thức này ít có mối liên hệ với kế hoạch quốc gia và kế hoạch ngành.
Còn kế hoạch trung hạn sẽ nhìn được tổng thể 5 năm nhưng là kế hoạch “tĩnh”, chỉ đề cập đến chi đầu tư phát triển, phân bổ cho từng năm, có thể điều chỉnh, nhưng phức tạp. Về cơ bản, khi kế hoạch đã phê duyệt thì không đàm phán nữa và kế hoạch này gắn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và KHTC 5 năm.
KHTC-NSNN 3 năm có đặc điểm là nhìn tổng thể nhiều năm và “cuốn chiếu”, nhìn tổng thể nguồn lực của NSNN. Hình thức này phân bổ linh hoạt, cho phép hàng năm được điều chỉnh, cập nhật và có thể đàm phán về những thay đổi bổ sung. Đặc biệt, gắn bó chặt hơn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, KHTC 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn. KHTC-NSNN không thay thế cho NSNN hàng năm. Cơ quan tài chính xác định trần chi NSNN (từ trên xuống” và thông báo cho cơ quan, đơn vị. Các đơn vị xây dựng, tổng hợp kế hoạch từ dưới lên, lựa chọn ưu tiên và quyết định chi NSNN trong phạm vi trần chi NSNN.
Ông Tân cũng cho biết thêm, KHTC-NSNN 3 năm đem lại nhiều cơ hội mới như nâng cao vị thế của người làm kế hoạch; củng cố cơ sở vững chắc cho việc phân bổ ngân sách; chấm dứt cơ chế “xin – cho”, đảm bảo công khai, minh bạch; giảm áp lực chi tiêu theo chỉ đạo chủ quan của các nhà chính trị; tạo được sự đồng thuận giữa các ngành; nâng cao năng lực cán bộ khi lập luận cho các đề xuất; giảm bớt khối lượng công việc trong tương lai. Tuy nhiên, kèm theo đó là những thách thức như cần thay đổi mạnh mẽ tư duy lập kế hoạch; cần sự phối hợp tốt giữa các bên khi thu thập và chia sẻ thông tin, xây dựng các định hướng chiến lược cho ngành theo kết quả,…; khối lượng công việc tăng lớn trong thời gian đầu;…
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã đặt nhiều câu hỏi, đưa ra nhiều vấn đề để cùng bàn luận, trao đổi liên quan đến lập KHTC 5 năm và KHTC - NSNN 3 năm./.