Thứ ba, 01/08/2017 17:16 GMT+7

Tiềm năng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Việt Nam có tiềm năng khởi nghiệp dồi dào từ một thế hệ trẻ sáng tạo có quyết tâm khởi nghiệp cao, với văn hóa khởi nghiệp và tư duy chấp nhận thất bại ngày càng được cải thiện. Với lộ trình và kế hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành nhằm xây dựng nên hệ sinh thái phù hợp với thực trạng trong nước được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết được những bất cập mà hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Việt Nam còn đang thiếu.

Hoạt động khởi nghiệp ngày càng sôi động

Tại Việt Nam, các hoạt động khởi nghiệp ĐMST tuy mới hình thành nhưng ngày càng sôi động. Ngoài sự thành công của một số doanh nghiệp điển hình thuộc thế hệ thứ nhất (hình thành từ khoảng những năm đầu 2000) như Vinagames, VC Corporation (hay Vatgia), và các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (DNKN) thuộc thế hệ thứ hai (hình thành từ khoảng những năm 2010)…thì thế hệ thứ ba là thế hệ doanh nghiệp nổi bật trong 2-3 năm gần đây trong các lĩnh vực như công nghệ giáo dục,nông nghiệp, công nghệ tài chính, thương mại điện tử,giải trí, truyền thông. Đặc biệt, trong năm “Quốc gia khởi nghiệp” 2016, hoạt động của các DNKN Việt Nam diễn ra rất sôi động. Chỉ tính riêng 5 thương vụ kêu gọi vốn thành công nhất đã có tổng giá trị lên đến hơn 40 triệu USD. Trên thực tế, khái niệm “khởi nghiệp sáng tạo” vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Tuy chưa có số liệu chính thức về số lượng DNKN nhưng theo thống kê sơ bộ của Geektime- ấn phẩm truyền thông về công nghệ lớn nhất thế giới - hiện có khoảng 1.800 DNKN trong hệ sinh thái khởi nghiệp của thế giới. Ngoài ra, hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong hệ sinh thái đó đã và đang đạt được những kết quả khả quan nhờ có nhiều sự hỗ trợ khác nhau, từ tài chính đến thị trường và nâng cao năng lực trong giai đoạn khởi nghiệp. Tất cả những hỗ trợ đó hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp của một vùng, một quốc gia.

Việt Nam được đánh giá là nơi rất có tiềm năng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, thể hiện ở các yếu tố gồm:

Về hoạt động hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam của các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư thiên thần

Hiện tại, có khoảng 30 quỹ đầu tư mạo hiểm cho DNKN đang hoạt động tại Việt Nam, tăng khoảng 10 quỹ so với năm 2015. Một số quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tích cực tại Việt Nam có thể kể đến như: IDG Ventures, CyberAgent Ventures, Captii Ventures, Gobi Partners, 500 startups…Thêm vào đó, trong 2 năm 2016-2017,chứng kiến sự tham gia của nhiều tập đoàn, công ty lớn của Việt Nam trong việc thành lập các quỹ đầu tư cho DNKN: FPT Ventures, Viettel Venture, Quỹ sáng tạo CMC, hay Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam hoạt động với 4 nhà đầu tư chính là FPT, Dragon Capital Group, Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) và Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV). Về số lượng nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam, tuy chưa nhiều nhưng bắt đầu có xu hướng tăng. Hầu hết đây là doanh nhân khởi nghiệp đã thành công ở thế hệ đầu thực hiện đầu tư cho các DNKN ở thế hệ sau.

Ở Việt Nam cũng đã bắt đầu hình thành một số mạng lưới đầu tư thiên thầnnhư VIC Impact, Hatch! Angel Network, iAngel (Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Việt Nam), Angel4us. Trong nỗ lực xây dựng cộng đồng nhà đầu tư thiên thần hoạt động tích cực cả về bề rộng và chiều sâu, nuôi dưỡng và truyền cảm hứng cho các bạn trẻ khởi nghiệp, tháng 4/2017, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết thoả thuận ghi nhớ giữa các đối tác xây dựng Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Việt Nam. Sự kiện đã đem đến cho cộng đồng khởi nghiệp nhiều sự lựa chọn trong thu hút dòng vốn hoặc các nhu cầu phi tài chính như đào tạo kỹ năng, định hướng phát triển hoặc cơ hội gặp gỡ các nhà đầu tư thiên thần trong và ngoài nước.

Theo Báo cáo của Topica Founder Institute, 2016 có thể được coi là năm đáng chú ý của DNKN Việt Nam khi có tới 7 giao dịch vượt mốc 10 triệu USD, bên cạnh việc tổng giá trị các khoản đầu tư tăng đáng kể so với năm 2015. Việt Nam đã có những bước đột phá khi các giao dịch khởi nghiệp trong năm 2016 đạt tổng trị giá 205 triệu USD, tăng gần 46% so với 2015. Có thể điểm qua một vài hợp đồng lớn như: E-pay nhượng lại 62,5% cổ phần về tay UTC Investment, với tổng giá trị 34 triệu USD; VNG bắt đầu động thái quay lại với thị trường thương mại điện tử nội địa, mua lại 38% cổ phần Tiki, nâng tổng giá trị công ty lên 45 triệu USD; Central Group tiếp quản Zalora, củng cố mảng trực tuyến, đi cùng với các thương vụ mua lại Nguyễn Kim và Big C; Properguru tiếp quản một số cổ phần lớn từ Batdongsan.com.

Về hoạt động hỗ trợ phát triển năng lực cho khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam của các cá nhân, tổ chức (cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh)

Theo thống kê sơ bộ và tổng hợp từ nhiều nguồn của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), hiện có khoảng 24 cơ sở ươm tạo (BI) và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA), tăng thêm 4BI và 2 BA so với năm 2015. Các cơ sở ươm tạo hầu hết là các đơn vị hỗ trợ hoàn thiện ý tưởng, công nghệ và gắn kết với các viện nghiên cứu, trường đại học (ĐH), tiêu biểu có: Vườn ươm doanh nghiệp Công nghệ cao Hoà Lạc; Vườn ươm doanh nghiệp Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh; Vườn ươm doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh; Vườn ươm Đà Nẵng (DNES); Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC); Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin ĐMST Hà Nội, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ (ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); Vườn ươm doanh nghiệp BK – Holdings (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội); Hatch!; Innovatube Space…

Bên cạnh đó còn có huấn luyện viên, cố vấn khởi nghiệp là đối tượng rất quan trọng thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp bước đầu. Ở Việt Nam cũng đã hình thành được một số mạng lưới cố vấn hỗ trợ DNKN như: Mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs Mentoring Network), Tổ chức SECO (Thụy Sĩ), Chương trình Đối tác ĐMST Việt Nam - Phần Lan (IPP). Ngoài ra, vào tháng 11/2016, chương trình "Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam" (Vietnam Mentors Initiative - VMI) đã chính thức được thành lập để kết nối các nhà cố vấn (mentor) với các bạn trẻ khởi nghiệp. VMI có sự tham gia hợp tác của nhiều tổ chức trong lĩnh vực khởi nghiệp khắp Việt Nam như Hatch! Ventures (Hà Nội), Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng, KisStartup, SME Mentoring, Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp khu Công nghệ cao Sài Gòn, SIHUB... Được Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (Startup Vietnam Foundation – SVF) khởi xưởng, VMI đặt tầm nhìn trở thành liên minh các nhà cố vấn khởi nghiệp, có khả năng kết nối rộng khắp và hiệu quả nhất Việt Nam.

Về hoạt động hỗ trợ cơ sở vật chất cho khởi nghiệp ĐMST

Theo thống kê, hiện nay trên cả nước có khoảng 30 khu làm việc chung. Như vậy so với năm 2016, số lượng các khu làm việc chung đã tăng thêm 10 khu và còn đang tiếp tục mở rộng, đáp ứng cả nhu cầu về cơ sở vật chất - kỹ thuật và nhu cầu đào tạo, kết nối của các startup, tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh (Fablab Sai Gon, Dreamplex, Saigon Coworking, Citihub, Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh- ITP…) và Hà Nội (Toong; UP; BKHUP, Fablab Hà Nội…). Ngoài ra còn có không gian sáng tạo là mô hình phổ biến trên thế giới nhưng mới ở Việt Nam, cho phép cá nhân, DNKN có thể sử dụng trang thiết bị như máy in 3D, máy CNC để làm sản phẩm mẫu (Fablab Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội, Hackanoi và Innovation Lab SHTP-IC).

Các hoạt động khác nhằm kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước, quốc tế và thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp (sự kiện, chương trình về khởi nghiệp, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khởi nghiệp…) cũng đang diễn ra rất sôi nổi. Các sự kiện kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước trong năm 2016 có thể nhắc đến:Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp Startup Wheel 2016 do BSSC và Hội Doanh nhân trẻ Thành phố Hồ Chí Minh (YBA) phối hợp tổ chức; Chương trình Khởi nghiệp quốc gia do báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức dưới sự bảo trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI);Sự kiện Startup Festival 2016 “Khát vọng tiên phong” do Ban Thanh thiếu niên - Đài Truyền hình Việt Nam (VTV6), Trung tâm ĐMST ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC), Tổ hợp giáo dục Topica Founder Institude và Công ty cổ phần Chim xanh (Bluebird Jsc) đồng tổ chức; Hatch! Fair là sự kiện thường niên do Hatch! Ventures tổ chức. Đặc biệt sự kiện Ngày hội khởi nghiệp ĐMST (TECHFEST) Việt Nam 2016, do Bộ BH&CN chủ trì, phối hợp tổ chức cùng các tổ chức chính trị - xã hội và các đối tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam và khu vực. So với lần đầu tiên tổ chức vào năm 2015, tại TECHFEST 2016, cả chất lượng và quy mô đều đã tăng lên ấn tượng. TECHFEST 2016 đã thu hút khoảng 3.000 lượt người đến tham dự. Trong đó có khoảng 180 DNKN đã tham gia vào các hoạt động như triển lãm sản phẩm, dịch vụ, kết nối đầu tư, kết nối nhân lực và tìm kiếm các cơ hội hợp tác, giao lưu; 120 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước; 80 diễn giả đã tham gia vào chuỗi tọa đàm, hội thảo và cho thấy cái nhìn toàn cảnh về thực trạng cũng như triển vọng của hệ sinh thái khởi nghiệp; khoảng 250 lượt kết nối đầu tư giữa các nhà đầu tư và DNKN. Năm 2017, sự kiện TECHFEST có chủ đề: Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp (Ecosytem connect), mang đến điểm mới so với năm 2016 là sự tham gia của các Bộ, ngành có liên quan trong Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), cùng với sự tham gia của các đối tác tiêu biểu trong cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam và trong khu vực (như e27 Singapore, đơn vị tổ chức sự kiện Echelon, hay Trung tâm đổi mới và sáng tạo toàn cầu Malaysia (Malaysian Global Innovation & Creativity Centre – MaGIC), v.v.). Các đối tác tại TECHFEST 2017 sẽ xây dựng nội dung chương trình để thu hút các đối tượng tham dự (DNKN, nhà đầu tư, diễn giả, v.v.) chuyên biệt trong từng lĩnh vực công nghệ: Giáo dục – Đào tạo; Nông nghiệp; Y tế; Du lịch; Giao thông vận tải; Thương mại điện tử/ Công nghệ tài chính; Games/ Giải trí/ Truyền thông, v.v. Điều này không chỉ khiến cho nội dung chương trình được phát triển theo hướng chuyên sâu mà còn đem đến cho các nhà đầu tư, quỹ đầu tư đang tìm kiếm các DNKN tiêu biểu có những lựa chọn tập trung hơn.

Bên cạnh đó, một số sự kiện khởi nghiệp dành riêng cho sinh viên cũng đã được tổ chức tại các trường ĐH để thúc đẩy văn hoá khởi nghiệp cho giới trẻ như: Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sinh viên (Startup Student Ideas) của Hội Sinh viên Việt Nam; Khởi nghiệp cùng Kawai (ĐH Ngoại thương); I-Startup (ĐH Kinh tế quốc dân); Cuộc thi Khởi nghiệp nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã đóng vai trò quan trọng trong việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của các bạn trẻ.

Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với quốc tế

Hiện tại, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khởi nghiệp được thể hiện ở một số chương trình như: IPP (được đồng tài trợ bởi Chính phủ Việt Nam và Phần Lan); Bộ KH&CN hợp tác với Đại sứ quán Israel tổ chức Cuộc thi “Khởi nghiệp cùng Israel” từ năm 2014 đến nay để lựa chọn các startup tiêu biểu tham gia chuyến học hỏi kinh nghiệm thực tế ở Israel. Bộ KH&CN cũng hợp tác cùng Đại sứ quán Hoa Kỳ trong sự kiện “Kết nối ĐMST” (Innovation Roadshow) 2016 nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các tập đoàn, các doanh nghiệp, quỹ đầu tư Hoa Kỳ với các viện nghiên cứu, trường ĐH, các doanh nghiệp, đơn vị khởi nghiệp của Việt Nam. Ngoài ra, trong các chuyến tham quan, học hỏi tại các quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển như Israel, Phần Lan, Hoa Kỳ, Singapore, đoàn Việt Nam đã tích lũy được kinh nghiệm quý giá từ các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp tiên tiến, tìm kiếm các cơ hội hợp tác hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST với các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới, cơ hội kết nối với các đối tác kinh doanh và các nhà đầu tư tiềm năng.

Vẫn còn những khó khăn

Có thể thấy, trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đã có đầy đủ các thành phần cho sự phát triển, với các DNKN chất lượng tốt, quỹ đầu tư mạo hiểm có uy tín, các cá nhân, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp hoặc cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp với số lượng và chất lượng không ngừng tăng lên… Tuy nhiên, trên thực tế hệ sinh thái khởi nghiệp còn chưa thực sự phát huy được tiềm năng vì nhiều nguyên nhân, chủ yếu do các chủ thể hỗ trợ khởi nghiệp vẫn đang hoạt động rời rạc mà chưa có sự gắn kết, đã có cơ sở thực tiễn và nguồn đầu tư sẵn có để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST nhưng còn thiếu các cơ chế để huy động và phát triển các tiềm năng đó.

Theo khảo sát đối với các DNKN và các nhà đầu tư ở Việt Nam,hiện tại hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong nước đang gặp phải một số khó khăn như:Thiếu thông tin về các nguồn đầu tư, các chương trình và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là thông tin về các chính sách, hỗ trợ của Nhà nước dành cho khởi nghiệp, thông tin về các DNKN tại Việt Nam, thiếu vốn để triển khai các dự án kinh doanh và khó khăn trong việc chứng minh tiềm năng phát triển để thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm từ các quỹ và các nhà đầu tư thiên thần, vì trên thực tế, các DNKN tại Việt Nam thường phải “tự lực” trong vấn đề tài chính, nghĩa là họ chỉ vay mượn tiền của gia đình, bạn bè để thực hiện các dự án kinh doanh của mình và rủi ro của việc bỏ dự án giữa chừng do thiếu vốn là rất cao. Ngoài ra về năng lực của các DNKN, nhiều nhà đầu tư trong nước, quốc tế nhận xét rằng năng lực khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam chưa cao, nhiều nhà sáng lập DNKN không thể thuyết trình mạch lạc dự án kinh doanh của mình, hoặc quá đề cao ý tưởng mà chưa hiểu về việc phát triển một mô hình kinh doanh hiệu quả.Còn về môi trường pháp lý cho khởi nghiệp Việt Nam, với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014, những thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư đã ngày càng được đơn giản hóa, các hoạt động đầu tư cho KH&CN cũng đã được quy định ưu đãi cao về đất đai, thuế. Tuy nhiên, để phát triển được các DNKN và đầu tư mạo hiểm, các quy định pháp luật vẫn cần được tiếp tục điều chỉnh, bổ sung và cập nhật để phù hợp với nhu cầu phát triển của mô hình kinh doanh và đầu tư rất mới này. Do đó, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN đã làm việc với Ban soạn thảo Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng khung pháp lý cho hoạt động đầu tư mạo hiểm, đặc biệt là các chế định pháp luật về quản lý và khuyến khích phát triển các loại hình đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam. Trong phiên họp sáng 12-6, Quốc hội đã chính thức thông qua dự thảo Luật này, trong đó có các nội dung hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo (về cơ sở vật chất, đào tạo – huấn luyện, thu hút đầu tư, …) và đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo (như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn đối với thu nhập từ khoản đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp sáng tạo của nhà đầu tư; căn cứ điều kiện ngân sách địa phương, giao cho tổ chức tài chính nhà nước của địa phương thực hiện đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp sáng tạo theo các nguyên tắc được quy định trong Luật).

Với dân số 90 triệu người, 45 triệu người dùng Internet, 30 triệu người dùng điện thoại thông minh và mức sử dụng Internet hiện gấp 10 lần so với một thập kỷ trước, nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam là một thị trường công nghệ tiềm năng sở hữu thế mạnh về nhân lực kỹ thuật sẵn có, với nguồn lực và tiềm năng tăng trưởng thị trường lớn. Các chuyên gia cũng cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ có một đội ngũ đông đảo các nhà quản lý, nhà sáng lập, những người phát triển sản phẩm và các kỹ sư tài năng. Đặc biệt cần phải kể đến một bộ phận không nhỏ trong đó đó là cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài (ví dụ những người từng làm việc tại Thung lũng Silicon) đã về nước để lập dự án khởi nghiệp của riêng mình. Lượng nhà đầu tư thiên thần đang tăng lên; văn hóa chấp nhận thất bại, nhận thức về khởi sự kinh doanh của giới trẻ khởi nghiệp ở Việt Nam cũng đang có những thay đổi tích cực. Theo Báo cáo khuyến nghị về hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam (GEM Việt Nam) 2015/16 do VCCI thực hiện, xét về khả năng kinh doanh, 56,8% số người trưởng thành được hỏi tự đánh giá cóđủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để bắt đầu kinh doanh, thấp hơn so với mức 58,2% của năm 2014 nhưng vẫn cao hơn so với mức 48,7% của năm 2013. Tỷ lệ người Việt Nam cảm thấy lo sợ thất bại trong khởi sự kinh doanh giảm còn 36,4% vào 2016,ít hơn so với năm 2014 là 50,1% và năm 2015 là 45,6%. Điều này cho thấy phần nào những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, lấy lại lòng tin cho người dân, từ đó thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Kết quả nghiên cứu GEM Việt Nam 2015/16 đã cho thấy, công việc kinh doanh và doanh nhân ngày nay đã được cả thế giới thừa nhận và tôn trọng. Ở Việt Nam, hơn một nửa người được hỏi có mong muốn lựa chọn nghề nghiệp là kinh doanh. Sự phát triển của các phương tiện truyền thông đã góp phần không nhỏ vào quảng bá các hình ảnh về những doanh nhân thành đạt ở Việt Nam, 78,8% người trưởng thành được hỏi khẳng định đã nghe các câu chuyện về doanh nhân qua các phương tiện thông tin truyền thông.

Tóm lại, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng đã chứng tỏ được tiềm năng phát triển rất lớn. Mỗi đối tượng trong hệ sinh thái đó (từ DNKN, mạng lưới các nhà đầu tư đến các trường ĐH, tổ chức ươm tạo...) đều đã có những bước phát triển vượt bậc, số lượng và chất lượng ngày một nâng cao qua từng năm. Với những lợi thế sẵn có và sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách cần thiết, đặc thù cho hoạt động khởi nghiệp sẽ là đòn bẩy cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam phát triển, từ đó thúc đẩy các DNKN phát triển cả về số lượng và chất lượng trong thời gian tới.

 

Nguồn: Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN

Lượt xem: 5753

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)