Thứ năm, 10/08/2017 09:37 GMT+7

Ứng dụng công nghệ bức xạ trong nông nghiệp

Thời gian qua, nhờ các nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ trong việc chọn tạo giống cây trồng đã tạo ra nhiều dòng đột biến, có giá trị, đóng góp vào phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ này vào nông nghiệp còn gặp khó khăn, cần có định hướng chiến lược, sự đầu tư bài bản của Nhà nước.


Sản xuất giống mới tại Viện Di truyền nông nghiệp

 

Thành công trong việc chọn tạo giống cây trồng

Tại Việt Nam, việc nghiên cứu chọn giống cây trồng đột biến đã được cố GS Lương Định Của khởi xướng từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhưng phải đến năm 1980 hướng đi này mới phát triển có hệ thống. Hàng loạt công trình của các nhà khoa học đã tạo ra nhiều dòng đột biến có giá trị, được chọn lọc và phát triển thành giống cây quốc gia hoặc các dòng có triển vọng phục vụ công tác lai tạo. Một số dòng đột biến có triển vọng được sử dụng như nguồn vật liệu ban đầu cho các phép lai như giống lúa A20, DT22, giống ngô DT8…

Thống kê của Viện Di truyền nông nghiệp cho thấy, tính đến năm 2015, tại Việt Nam đã công nhận và đưa vào sản xuất 63 giống cây trồng đột biến bao gồm: 41 giống lúa, 11 giống đậu tương, bốn giống hoa, hai giống ngô, hai giống táo, hai giống lạc, một giống bạc hà. Các giống được tạo ra trước năm 1990 chủ yếu được xử lý bằng hóa chất, về sau được xử lý đột biến bằng chiếu xạ. Các kết quả nghiên cứu đã đóng góp cho sự phát triển của sản xuất nông nghiệp thời gian qua, nhất là đối với lúa, đậu tương, hoa và cây cảnh, mang lại hiệu quả kinh tế hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Đối với việc chọn tạo giống lúa, Viện Di truyền nông nghiệp đã tạo được nhiều giống đột biến, trong đó có một số giống lúa nổi bật như DT10, D11, DT13, DT22, DT33, A20, Khang dân… Bên cạnh đó, các viện nghiên cứu, trường đại học cũng đã tạo ra một số giống đột biến, nổi bật là Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền nam tạo ra tám giống lúa đột biến, trong đó có giống lúa VNDD-20 được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005...

Nghiên cứu trong 30 năm qua của các nhà khoa học đã đưa Việt Nam trở thành một trong tám nước đứng đầu thế giới về chọn tạo giống đột biến, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và phát triển bền vững. Viện Di truyền nông nghiệp là thành viên tích cực, tham gia đầy đủ các hoạt động về lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử trong nông nghiệp tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế như: FNCA, IAEA… và giữ vai trò quan trọng tại các hội nghị hạt nhân trong nước. Đây là một trong năm cơ quan nghiên cứu trên thế giới được FAO/IAEA trao giải “Thành tựu xuất sắc” trong chọn tạo giống cây trồng đột biến nhân dịp kỷ niệm 50 năm nghiên cứu hợp tác FAO/IAEA (tháng 10-2014).

Khắc phục hạn chế để tăng hiệu quả

Tính đến năm 2016, trên thế giới có hơn 3.200 giống cây trồng được tạo ra từ đột biến, trong đó gần 90% là từ đột biến phóng xạ. Nhưng tại Việt Nam, lĩnh vực nghiên cứu này chưa thật sự được quan tâm xứng đáng, các đơn vị quản lý khoa học chưa đánh giá hết tiềm năng ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp và trong chọn tạo giống. Do đó, vẫn chưa có sự đầu tư thích đáng khiến việc triển khai còn có những hạn chế, mang tính tự phát, chưa có sự định hướng, quan tâm đầu tư. Cả nước chưa có máy phục vụ việc chiếu xạ, gây đột biến cây trồng.

Các đơn vị phải đưa vật liệu đi xử lý nhờ tại các bệnh viện, trung tâm công nghiệp, cho nên thiếu tính chủ động, thiếu cơ sở khoa học chính xác. Việc chọn lọc vẫn còn thủ công, bằng mắt thường và kinh nghiệm như những năm 80 của thế kỷ trước, khiến hiệu quả còn thấp, mất nhiều thời gian. Trong khi đó, đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu còn thiếu, việc đào tạo cán bộ về ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ trong nông nghiệp còn ít. Kinh phí đầu tư còn hạn chế, cho nên việc chọn tạo, phát triển các giống đột biến chưa phát huy được tiềm năng.

Để giải quyết các hạn chế nói trên, cần thu thập, tạo và sử dụng hữu hiệu các thể/dòng đột biến nhằm tạo ra nguồn vật liệu phong phú phục vụ công tác chọn tạo giống, đáp ứng yêu cầu đa dạng của sản xuất kết hợp nghiên cứu chọn giống đột biến với kỹ thuật sinh học phân tử hiện đại, qua đó có thể cung cấp những phương pháp nghiên cứu chính xác, hiệu quả và kinh tế.

Cần nhanh chóng triển khai Quyết định số 775/QĐ-TTg (ngày 02-6-2010) của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp đến năm 2020. Thành lập các trung tâm nghiên cứu về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp; tổ chức đào tạo nguồn nhân lực thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn để xây dựng đội ngũ nhà khoa học cho ngành; xây dựng mạng lưới nghiên cứu chuyên ngành về lĩnh vực ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong toàn ngành nông nghiệp; cần đưa nhiệm vụ nghiên cứu chọn giống đột biến vào một số chương trình khoa học và công nghệ đang có, đã có để từng bước phát triển hệ thống nghiên cứu ứng dụng bức xạ trong chọn giống cây trồng, phục vụ sản xuất nông nghiệp.

GS, TS LÊ HUY HÀM
Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp

Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/33687502-ung-dung-cong-nghe-buc-xa-trong-nong-nghiep.html

 

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 5600

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)