Thứ tư, 23/08/2017 16:05 GMT+7

Bộ Khoa học và Công nghệ tích cực vào cuộc bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam, sâm K5) là một loại sâm quý đặc hữu của Việt Nam, được phát hiện vào năm 1973 tại vùng rừng nguyên sinh Ngọc Linh, thuộc địa phận 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Sâm Ngọc Linh chứa tới 52 saponine, gấp hơn 2 lần sâm Hàn Quốc và có hàm lượng thu suất toàn phần gấp 3 lần sâm Triều Tiên và được các nhà khoa học đánh giá là loại sâm tốt nhất thế giới hiện nay.

Được sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trước những thông tin phản ánh về sự xuất hiện sâm Ngọc Linh giả trên thị trường, làm ảnh hưởng đến giá trị và thương hiệu của chỉ dẫn địa lý, sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh, cũng như lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp; để xác minh thông tin và đưa ra phương án xử lý sản phẩm sâm Ngọc Linh giả, Đoàn khảo sát, xác minh của Bộ KH&CN - do bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra, Bộ KH&CN làm Trưởng đoàn đã khảo sát thực tế thị trường, làm việc với UBND Thành phố Đà Nẵng, Tỉnh Quảng Nam và Tỉnh Kon Tum; khảo sát tại các Trung tâm sâm Ngọc Linh trên địa bàn hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum từ ngày 14-17/8.

Đoàn khảo sát, xác minh gồm đại diện các đơn vị: Thanh tra Bộ KH&CN, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN.

 

Sâm Ngọc Linh giả thách thức thị trường

Theo Quyết định số 2335/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049 cho các xã Măng Ri, Ngọc Lây thuộc huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) và xã Trà Linh thuộc huyện Nam Trà My (Quảng Nam; căn cứ vào các tài liệu nghiên cứu về Sâm Ngọc Linh trước đây tại 2 tỉnh cho thấy sâm Ngọc Linh phân bố trên vùng sinh thái hẹp, quanh đỉnh núi Ngọc Linh, dưới các tán rừng nguyên sinh thuộc địa phận 9 xã của huyện Đắl Glei và Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum và Trà My của tỉnh Quảng Nam. Vùng sinh trưởng và phát triển của sâm Ngọc Linh nằm hoàn toàn trên dãy núi Ngọc Linh, có độ cao từ 1800m đến 2500m, có độ phân cách mạnh, độ dốc lớn, có nhiều thung lũng hẹp và sâu.

Qua quá trình khảo sát, xác minh thực tế trên thị trường tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum, Đoàn khảo sát, xác minh ghi nhận có hiện tượng sâm Ngọc Linh giả được bày bán công khai trên thị trường.

 


Đoàn khảo sát, xác minh sâm Ngọc Linh giả làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam

 

Tại các buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam, Kon Tum cùng các đơn có liên quan tại địa phương, đại diện các đơn vị đều hoan nghênh sự vào cuộc cần thiết của Bộ KH&CN trong việc bảo vệ chỉ dẫn địa lý và thương hiệu sâm Ngọc Linh và khẳng định hiện tượng giả sâm Ngọc Linh đang ngày càng phổ biến và khó kiểm soát. Việc lưu thông phân phối sâm trên thị trường đang diễn ra phức tạp như xuất hiện sâm giả, các sản phẩm sâm nhưng không phải sâm Ngọc Linh.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT 2 tỉnh đã phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý về giống sâm lạ trên địa bàn. Qua xác minh, nhận định trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) trong thời gian qua có tình trạng mua bán giống sâm lạ, nhưng chưa có hộ gia đình nào trồng giống sâm lạ này.

Theo ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: sâm Ngọc Linh là sản phẩm quý, hiếm. Giá sâm hiện đang tăng lên gấp 4 - 5 lần (so với cách đây 2 năm), do vậy có hiện tượng giả sâm Ngọc Linh để bán với giá sâm Ngọc Linh thật khiến người dân hoang mang. Điều này đã ảnh hưởng đến hình ảnh chất lượng sâm núi Ngọc Linh, ảnh hưởng trực tiếp đến người trồng sâm cũng như người tiêu dùng.

Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) khẳng định có tình trạng kinh doanh sâm Ngọc Linh giả trên thị trường. Hiện nay huyện đang trồng hơn 300ha nhưng chủ yếu đang trong giai đoạn trồng và bảo tồn chứ chưa đưa vào kinh doanh, nhưng trên địa bàn huyện đang diễn ra tình trạng buôn bán Tam thất hoang, Tam thất Vũ Diệp giả sâm Ngọc Linh.

Những cây Tam thất hoang, Vũ Diệp này có hình thái giống y hệt sâm Ngọc Linh, được các hộ tư thương nhập từ các địa phương khác về bán. Nhận diện chủ yếu bằng hình thức trực quan và bằng kinh nghiệm lâu năm của người trồng sâm. Việc này rất khó quản lý, gây ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu sâm Ngọc Linh.

 

Đoàn khảo sát, xác minh sâm Ngọc Linh giả làm việc với UBND tỉnh Kon Tum

 

Bên cạnh những hình thức mua bán công khai sâm Ngọc Linh giả trên thị trường, hoạt động mua bán sâm Ngọc Linh còn được thực hiện dưới hình thức sử dụng các trang web, mạng xã hội để rao bán. Đại diện của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum cho biết: Trên địa bàn vẫn đang tồn tại hoạt động giới thiệu, mua bán sản phẩm sâm Ngọc Linh củ và các sản phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc xuất xứ và chưa được kiểm định chất lượng. Đặc biệt có hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Việc mua bán sâm giả, giả sâm Ngọc Linh trên thị trường chủ yếu là các cơ sở núp bóng qua các trang mạng xã hội, mua bán trực tiếp trao tay, giao hàng tận nơi. Hoạt động mua bán qua các mạng xã hội hiện nay gây rất nhiều khó khăn trong việc quản lý thị trường, các cơ quan thực thi và bảo vệ sản phẩm quốc gia.

 

Tăng cường việc quản lý sâm Ngọc Linh

Trong thời gian qua, 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã triển khai nhiều biện pháp, chế tài để tăng cường công tác quản lý chất lượng sâm Ngọc Linh, kiểm soát tình trạng sâm Ngọc Linh giả trôi nổi trên thị trường. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm sâm Ngọc Linh còn gặp nhiều khó khăn do thiếu căn cứ đối chiếu, xác định mà chủ yếu là tuyên truyền vận động là chính.

Tình hình đó đã dẫn đến sự quan ngại cho các cơ quan, doanh nghiệp và người dân đang trong quá trình ươm tạo, phát triển và bảo tồn nguồn dược liệu quý của đất nước. Ông Lê Đức Thảo, Phó tổng giám đốc Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum cho rằng: vùng phân bổ sâm Ngọc Linh rất là hạn hẹp, chỉ có ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) và 2 huyện của tỉnh Kon Tum. Trên địa bàn tỉnh Kon Tum chỉ có 2 doanh nghiệp là Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô là đang trồng sâm Ngọc Linh. Vì vậy các doanh nghiệp, hộ dân không đưa ra thị trường thì bất cứ ai kinh doanh sâm Ngọc Linh không có nguồn gốc từ các vùng trên đều là sâm giả. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có sản phẩm lấy tên “sâm Ngọc Linh” gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Nếu sau này công ty chúng tôi đưa sản phẩm ra thị trường người dân nghi ngờ và cho rằng rằng đó là sản phẩm giả.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô: “Sâm Ngọc Linh là sản phẩm đặc hữu, vì vậy cần quản lý dạng kinh doanh có điều kiện, khi cấp phép phải chứng minh được năng lực nguồn gốc giống và sản xuất trên địa bàn đã được cấp chỉ dẫn địa lý hay không. Cơ quan nhà nước cần cương quyết xử lý ngay khi kinh doanh sâm Ngọc Linh không có phép. Trên cơ sở Bộ KH&CN chủ trì đề xuất Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xử lý tình trạng sâm Ngọc Linh giả này. Đồng thời cần xây dựng thành lập Hiệp hội sâm Ngọc Linh để có những quy định, chế tài xử lý hội viên vi phạm”.

Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam cho biết: “Mặc dù các ngành, địa phương trong tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc phát triển sản lượng, bảo vệ chất lượng, thương hiệu sâm Ngọc Linh; nhưng tình trạng sử dụng thương hiệu Ngọc Linh trên các sản phẩm sâm củ và các sản phẩm sâm khác từ sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam và các tỉnh thành trong cả nước vẫn đang diễn ra tràn lan và ngày càng phổ biến. Nguy cơ báo động ảnh hưởng trực tiếp tới thương hiệu sâm núi Ngọc Linh”.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý nói chung; đặc biệt chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ là chỉ dẫn địa lý đầu tiên ở Việt Nam có liên quan đến 02 tỉnh (Quảng Nam, Kon Tum) nên công tác phát triển, quản lý còn nhiều lúng túng trong sự phối hợp giữa 02 tỉnh.

Theo ông Đoàn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Quảng Nam, việc phát hiện và xử lý vấn đề sâm giả đang gặp nhiều khó khăn. Bởi khi phát hiện vụ việc nghi là sâm giả thì rất khó phân biệt bằng mắt thường mà phải có cơ sở, xác nhận từ cơ quan kiểm định trong khi chi phí rất lớn và mất nhiều thời gian.

Cũng theo bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Kon Tum: “Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 08 doanh nghiệp đăng ký sản xuất, kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh. Các doanh nghiệp này đang trong thời gian đầu tư, hoạt động thử nghiệm nên chưa có sản phẩm được bán trên thị trường. Dù vậy, tình trạng mua, bán sản phẩm sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra công khai, khó kiểm soát”.

Trong thời gian qua, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường mở đợt cao điểm truy quét, chấn chỉnh hoạt động buôn bán sâm củ giả mạo sâm Ngọc Linh. Qua kiểm tra, phát hiện 03 cơ sở kinh doanh là Công ty Cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Công ty Danaco Quảng Nam, Cơ sở Dược liệu Nhật Quang có hành vi buôn bán sản phẩm sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc; xử phạt vi phạm hành chính hơn 96 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ xử lý về những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, kinh doanh hàng hóa chưa rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh… chứ chưa có căn cứ pháp lý, chế tài xử lý dẫn đến việc quản lý gặp nhiều khó khăn.

 

Cần sự vào cuộc của cơ quan liên ngành

Việc xuất hiện sâm Ngọc Linh giả trên thị trường dưới các hình thức vi phạm về sở hữu trí tuệ, vi phạm tiêu chuẩn chất lượng, chỉ dẫn địa lý… gây ảnh hưởng rất lớn đến sản phẩm quốc gia, thương hiệu sâm Ngọc Linh. Những thông tin này đã gây ảnh hưởng lớn đến người trồng, bán sâm thật, người mua thì hoang mang trước ma trận sâm. Do vậy việc này rất cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng.

Trước thông tin về sâm Ngọc Linh giả xuất hiện trên thị trường, Bộ KH&CN đã thành lập Đoàn công tác tới các địa phương để khảo sát, xác minh. Tại cuộc họp Giao ban Bộ KH&CN ngày 21/8, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã giao cho Thanh tra Bộ KH&CN làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết những vướng mắc hiện nay trong quản lý, kiểm soát và xử lý sâm Ngọc Linh giả.

 

 

Đồng thời đề nghị hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam tăng cường phối hợp, nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm sâm củ Ngọc Linh, sớm ban hành bộ công cụ, quy chế quản lý sử dụng và thành lập hội sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh cho đến ban hành tem nhãn sản phẩm sâm Ngọc Linh. Theo kiến nghị của Sở KH&CN Đà Nẵng, Chủ sở hữu của sâm Ngọc Linh là UBND tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum, để thuận lợi cho việc xử lý cần có văn bản chính thức đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cùng vào cuộc xử lý sâm Ngọc Linh giả trên địa bàn./.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Thanh tra Bộ KH&CN

Lượt xem: 3305

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)