Thứ tư, 11/10/2017 08:07 GMT+7

Làm chủ công nghệ sản xuất gốm sứ mỹ nghệ cao cấp

Thông qua việc thực hiện thành công dự án thuộc Chương trì̀nh Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (Chương trì̀nh 592) do Bộ KH&CN quản lý, Công ty TNHH Quang Vinh (Đông Triều – Quảng Ninh) đã hoàn thiện, làm chủ quy trình công nghệ sản xuất gốm sứ mỹ nghệ cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc gia, ở quy mô công nghiệp; chuyển đổi thành doanh nghiệp KH&CN sản xuất gốm sứ mỹ nghệ cao cấp phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Toàn cảnh buổi họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu. 
 

Thông tin được đưa ra tại buổi họp nghiệm thu Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ và dây chuyền thiết bị sản xuất gốm sứ mỹ nghệ cao cấp ở quy mô công nghiệp”, mã số CT-592.DABKHCN.01.2015 thuộc Chương trình 592  sáng ngày 10/10/2017, tại Hà Nội.

Ứng dụng KH&CN – Nhu cầu cấp thiết

Nước ta có truyền thống làm gốm sứ cách đây hàng nghìn năm. Thế kỷ 15, 16, nhiều sản phẩm gốm Chu Đậu, Bát Tràng,… đã xuất khẩu tới nhiều nước. Sản phẩm gốm của Việt Nam hiện có trong nhiều bảo tàng trên thế giới. Trong những thị trường xuất khẩu sản phẩm gốm sứ của Việt Nam, Nhật Bản là thị trường có kim ngạch cao nhất, đạt 69,6 triệu USD (chiếm 16,1% tổng kim ngạch hàng năm), tiếp theo là Hoa Kỳ đạt 53,8 triệu USD, Đài Loan với 50,5 triệu USD… Ngày nay, nhiều vùng gốm nổi tiếng vẫn phát triển mạnh như gốm Chu Đậu, Bát Tràng, gốm Chăm, gốm Đồng Nai, Bình Dương,… Những năm gần đây, công nghệ sản xuất hiện đại đã được triển khai, nhân rộng và làm chủ, giúp sản lượng, số lượng và giá trị không ngừng tăng lên, hạn chế dần sản phẩm nhập ngoại.

Tuy nhiên, theo KS. Lê Ngọc Thạch – Chủ nhiệm Dự án, gốm sứ mỹ nghệ Việt Nam, mỗi năm xuất khẩu trên 400 triệu USD. Song, điểm yếu lớn nhất của sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ Việt Nam nói chung giá bán rất thấp. Với Công ty TNHH Quang Vinh cũng không ngoại lệ. Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng về cơ bản sản xuất gốm sứ ở Việt Nam thường có đầu tư nhỏ, máy móc, thiết bị còn lạc hậu, lượng tiêu hao nguyên nhiên liệu của đa số các cơ sở sản xuất thường lớn nên giá thành còn cao.

“Do đó, muốn nâng cao giá trị của sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ cần thiết phải ứng dụng KH&CN, hoàn thiện các quy trình công nghệ để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao với chi phí thấp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế đang là một đòi hỏi cấp thiết cho sự phát triển của ngành sản xuất gốm sứ nói chung và gốm sứ mỹ nghệ nói riêng”, ông Thạch nói.

Là đơn vị có truyền thống lâu đời làm nghề sản xuất gốm sứ Công ty TNHH Quang Vinh đã có gần 30 năm kinh nghiệm chuyên sản xuất gốm sứ mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu, nhiều sản phẩm của Công ty đã chiếm lĩnh được thị phần ở các quốc gia khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Chi Lê, Colombia, Đan Mạch... Mỗi năm, tổng doanh thu trên 25 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu đạt gần 900.000 USD. Nhằm từng bước mở rộng sản xuất, năm 2001, Công ty TNHH Quang Vinh đã thành lập Chi nhánh tại Quảng Ninh. Công ty TNHH Quang Vinh và Chi nhánh của công ty nói riêng luôn xác định KH&CN là quốc sách hàng đầu, là khâu then chốt tạo sự đột phá và phát triển bền vững. Hàng năm, doanh nghiệp này đã dành hàng trăm triệu đồng cho hoạt động nghiên cứu KH&CN, tập trung vào việc nghiên cứu đổi mới sản phẩm nghiên cứu các chất liệu phục vụ sản xuất. Năm 2012, đề tài nghiên cứu nguyên liệu sứ siêu mỏng đã giành giải Nhất tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh. Ngoài ra, Công ty đã nhận được giải thưởng cao cho các đề tài về “Đổ, rót bán tự động” và đề tài “Tận thu nhiệt thừa để sấy sản phẩm mộc”.

Nhằm nghiên cứu hoàn thiện kết quả các đề tài nói trên, bổ sung dây chuyền thiết bị để nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện quy trình sản xuất làm ra sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ cao cấp, Công ty TNHH Quang Vinh đã xây dựng và được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện Dự án án “Hoàn thiện quy trình công nghệ và dây chuyền thiết bị sản xuất gốm sứ mỹ nghệ cao cấp ở quy mô công nghiệp” trong thời gian từ tháng 5/2015 đến tháng 12/2016.

Thành lập Doanh nghiệp KH&CN về gốm sứ

Theo Chủ nhiệm Dự án Lê Ngọc Thạch, sau gần 2 năm triển khai thực hiện, Dự án đã đạt được những kết quả đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra. Cụ thể, đã hoàn thiện được các công nghệ để chế biến nguyên liệu sứ mỏng, hệ thống đổ rót áp lực bán tự động và tận thu nhiệt thừa trong lò nung gốm sứ tái sử dụng cho công đoạn sấy mộc nhằm tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu nguyên liệu sứ mỏng, các cán bộ của Công ty đã tiến hành cải tiến quy trình đổ rót bán tự động, tận dụng nguồn nhiệt thừa trong quá trình nung để sấy sản phẩm trước khi nung, phối liệu xương men sứ, giúp gia tăng giá trị sản phẩm lên tới 50%, lượng gas tiêu thụ tiết kiệm được gần 25% (do giảm trọng lượng sản phẩm và tận dụng nhiệt thừa để sấy bán thành phẩm).

Làm chủ được quy trình công nghệ sản xuất gốm sứ mỹ nghệ cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc gia, công suất trên 500.000 sản phẩm/năm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Các cán bộ của Công ty đã xây dựng, làm chủ các quy trình công nghệ như: chế biến nguyên liệu xương và men sứ; chế tạo khuôn thạch cao; tạo hình, sấy, sửa sản phẩm; nung sơ; tráng men; trang trí, dán đề can nặng lửa sản phẩm trên men hoặc vẽ thủ công; nung sản phẩm sứ.
 

Đại diện doanh nghiệp giới thiệu với các chuyên gia, nhà quản lý về sản phẩm của Dự án. 
 

Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ có kỹ thuật cao, có khả năng làm chủ được quy trình công nghệ. Đặc biệt, đã thành lập được doanh nghiệp KH&CN mang tên Chi nhánh Công ty TNHH Quang Vinh với danh mục hàng hóa hình thành từ kết quả KH&CN gồm sản phẩm gốm, sứ truyền thống và sản phẩm gốm, sứ mỹ nghệ.

Giám đốc Công ty Hà Thị Vinh cho biết, với sự hỗ trợ của Bộ KH&CN và các nhà khoa học, thông qua việc thực hiện Dự án, Công ty đã nâng cao được năng suất lao động, giảm thiểu tác động đến môi trường và cải thiện đáng kể điều kiện làm việc cho người lao động (đặc thù của Công ty là nhiều lao động nữ, chiếm 95% tổng số lao động hiện có).

Cùng với đó, nhờ áp dụng công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, đặc biệt là việc sử dụng lò nung thiết kế theo công nghệ hiện đại, có chế độ nung tự động nên đã giúp giảm được 25% lượng tiêu hao nhiên liệu so với các lò hiện có. Dự án đã tạo công ăn việc làm cho gần 100 lao động tại địa phương, với mức thu nhập trung bình vào khoảng 130-140 triệu đồng/người/năm, năng suất lao động cao gấp 3 lần so với sử dụng công nghệ cũ, làm gia tăng giá trị các sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu của địa phương.

Ngoài ra, với việc tham gia và hoàn thiện Dự án thuộc Chương trình 592 của Bộ KH&CN đã giúp Công ty có được bộ chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của các sản phẩm gốm sứ cao cấp. Đây cũng chính là các sản phẩm được kiểm định các thông số kỹ thuật trước khi đưa vào sử dụng, bà Vinh nhấn mạnh. Lãnh đạo Công ty cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng để thiết lập các yêu cầu kỹ thuật để có sự cạnh tranh công bằng trong việc phát triển thị trường gốm sứ cao cấp trong nước, đặc biệt hỗ trợ công ty mở rộng sản xuất sử dụng công nghệ của Dự án, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các chuyên gia, thành viên của Hội đồng đánh giá nghiệm thu, đại diện Ban Chủ nhiệm Chương trình 592 và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ KH&CN đã đánh giá cao việc mạnh dạn đầu tư cho KH&CN cũng như kết quả đạt được của Công ty. Đồng thời cho rằng, Dự án đã đáp ứng được tất cả các yêu cầu theo đặt hàng của Bộ KH&CN và nên tiếp tục phát triển, nhân rộng kết quả đã đạt được. Việc trở thành doanh nghiệp KH&CN sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho công ty ứng dụng những tiến bộ KH&CN vào sản xuất, kinh doanh, giúp người tiêu dùng được tiếp cận nhiều hơn với những sản phẩm có hàm lượng KH&CN cao. Đây cũng là hướng đi bền vững để nâng tầm doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập và phát triển. 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 7192

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)