Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN; đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước, trường đại học và doanh nghiệp, sở KH&CN địa phương.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội thảo
Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 của Chính phủ, trong đó đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch góp phần thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 844 về “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động để tinh thần khởi nghiệp có sức lan tỏa rộng rãi. Hiện tại, Sở KH&CN Thái Nguyên, các ngành chức năng của tỉnh đang nghiên cứu xây dựng chính sách và triển khai các nội dung hỗ trợ khởi nghiệp hỗ trợ ươm tạo và thành lập các doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Bên cạnh đó, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh (nơi đào tạo sinh viên khởi nghiệp) thời gian qua đã xúc tiến một số hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên như: tổ chức “Diễn đàn thắp lửa và kết nối khởi nghiệp”, tổ chức Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên,…
“Sở KH&CN Thái Nguyên, các ngành chức năng của tỉnh đang nghiên cứu xây dựng chính sách và triển khai các nội dung hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ ươm tạo và thành lập các doanh nghiệp KH&CN” – ông Hùng nói và nhấn mạnh, cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của Bộ KH&CN, hy vọng phong trào khởi nghiệp đổi mới tại các cơ sở đào tạo sẽ có nhiều khởi sắc.
“Với khả năng sáng tạo, sự tự tin và nỗ lực vươn lên của mình, thời gian tới sẽ có nhiều ý tưởng, dự án và doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST triển khai tại tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh và đề nghị các sở, ngành chức năng, các địa phương, các cơ sở đào tạo, các tổ chức đoàn thể, tổ chức đại diện doanh nghiệp bằng những chương trình, kế hoạch và việc làm cụ thể, thiết thực sẽ hỗ trợ tích cực cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh, bền vững.
Tại hội thảo, nhiều tham luận của các đại biểu chia sẻ thông tin về thực trạng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam, những kinh nghiệm và thực tiễn, những bài học để khởi nghiệp thành công như: Giới thiệu hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và kế hoạch triển khai Đề án 844; Xây dựng và phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thái Nguyên trong mối liên kết với Hệ sinh thái vùng Trung du Miền núi phía Bắc; Vai trò và định hướng của Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên trong xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Kinh nghiệm quốc tế về thực tiễn và giải pháp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam; Các vấn đề về xây dựng cộng đồng hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong một số lĩnh vực; Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bộ KH&CN đồng hành, chia sẻ với các startup
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam đã có sự phát triển, lớn mạnh nhanh chóng. Tại các trường đại học, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, sinh viên đang dần dần trang bị cho mình tinh thần khởi nghiệp.
“Đây thực sự là điểm quan trọng đối với các bạn sau khi tốt nghiệp, nhất là với sinh viên khối trường đại học kỹ thuật, thương mại… để các em có thể bước ra đời, lập nghiệp bằng kiến thức của mình” - Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói. Theo ông, hiện nhiều sinh viên có ý tưởng tốt nhưng chưa biết cách lập nghiệp bằng năng lực của mình. Đã có nhiều tấm gương khởi nghiệp thành công nhưng không ít trường hợp gặp khó khăn và thất bại.
Chính vì thế, Thứ trưởng nhấn mạnh thông điệp, cần xây dựng văn hóa chấp nhận thất bại. Hiện Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ KH&CN là cơ quan đầu mối đang có chương trình hỗ trợ trực tiếp cho khởi nghiệp ĐMST. Thứ trưởng cũng thông tin các tổ chức, cá nhân đang làm khởi nghiệp ĐMST có thể đến Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN để tìm hiểu, tham khảo các chương trình hỗ trợ.
“Hy vọng sự giúp đỡ ban đầu này sẽ giúp các bạn khởi nghiệp bước qua được những khó khăn ban đầu để đi đến thành công” – ông Tùng nói.
Khởi nghiệp ĐMST quả thực rất khó khăn, đã có nhiều tấm gương khởi nghiệp, có người thất bại, có người thành công, quan trọng hơn hết người khởi nghiệp cần có văn hóa chấp nhận thất bại. Các bạn hãy dấn thân, hãy làm, hãy say mê khởi nghiệp từ những hỗ trợ ban đầu của Nhà nước. Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
Khởi nghiệp ĐMST thường gắn với rủi ro, nhưng khi đã thành công thì có giá trị rất lớn, có sức cạnh tranh cao, có tính đột phá, đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế, giúp nền kinh tế của chúng ta tăng tốc và phát triển, đi tắt đón đầu, thu hẹp khoảng cách với khu vực và thế giới. Để hạn chế rủi ro, những ý tưởng, dự án ĐMST nảy mầm và phát triển, chúng ta cần thúc đẩy tạo lập và hỗ trợ phát triển một môi trường ươm tạo tốt – một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST lành mạnh sẽ giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST có điều kiện phát triển thành công.
Đặc biệt, tại Hội thảo, Ban tổ chức đã trao 01 giải nhất, 01 giải nhì, 01 giải ba, và 03 giải khuyến khích cho các ý tưởng sáng tạo tham gia cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Những đội thi xuất sắc này sẽ được lựa chọn đại diện cho tỉnh Thái Nguyên tham dự Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia Techfest 2017.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng phát biểu tại Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN báo cáo tham luận tại Hội thảo
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng trao giải cho ý tưởng xuất sắc nhất
Các đại biểu tham quan triển lãm