Thứ sáu, 24/11/2017 14:55 GMT+7

Bộ KH&CN: Tập huấn công tác văn thư, lưu trữ năm 2017

Từ ngày 23-25/11, tại Hải Phòng, Bộ KH&CN tổ chức tập huấn công tác văn thư, lưu trữ cho Lãnh đạo Văn phòng và cán bộ trực tiếp làm công tác văn thư, lưu trữ của các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN.



 

Chương trình tập huấn được tổ chức nhằm mục đích nâng cao nhận thức của lãnh đạo Văn phòng, cán bộ trực tiếp làm công tác văn thư, lưu trữ về tầm quan trọng của công tác văn thư, lưu trữ trong giai đoạn mới đặc biệt là trong công tác lập hồ sơ hiện hành và việc lập hồ sơ trong môi trường mạng, mối quan hệ khăng khít giữa công tác bảo vệ bí mật Nhà nước và văn thư, lưu trữ. Qua đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc quản lý, bảo quản an toàn tài liệu kịp thời phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ tại cơ quan, đơn vị.

Tại buổi tập huấn, các học viên đã được nghe phổ biến và triển khai Chỉ thị số 35/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 07/9/2017 về tăng cường công tác lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan, lưu trữ lịch sử; Một số vấn đề cơ bản về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ bí mật trong tình hình mới; ….

Theo PGS.TS Vũ Thị Phụng – Nguyên Chủ nhiệm Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội: Công tác văn thư, lưu trữ có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo quản, lưu giữ các tài liệu, văn bản trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng và văn hóa xã hội của đất nước. Trong những năm qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về văn thư, lưu trữ cơ bản được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý. Công tác lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan của các Bộ, ngành và địa phương đã có những chuyển biến tích cực. Tài liệu tại các Lưu trữ lịch sử, lưu trữ các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương từng bước được phân loại, chỉnh lý, bảo vệ, bảo quản an toàn phục vụ khai thác, sử dụng có hiệu quả, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, công tác văn thư, lưu trữ và công tác bảo vệ bí mật nhà nước (BMNN) có một vị trí rất quan trọng trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Công tác này gắn liền với hoạt động của bộ máy quản lý và có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng quản lý của cơ quan, tổ chức. Tổ chức và thực hiện công tác văn thư, lưu trữ và bảo vệ BMNN theo đúng quy định của pháp luật có ý nghĩa quan trọng, đó là: đảm bảo đủ thông tin cho hoạt động quản lý của cơ quan; góp phần nâng cao hiệu suất và chất lượng quản lý của cơ quan; giữ gìn đầy đủ các bằng chứng pháp lý; tạo tiền đề cho việc làm tốt công tác lưu trữ.

Theo ThS Đặng Thị Hồng Nhung, Phó Trưởng phòng Quản lý nhà nước về bảo vệ BMNN, Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an, để nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ BMNN trong thời gian tới cần chú trọng nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và quần chúng nhân dân về ví trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ BMNN; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ BMNN; Tăng cường bảo vệ BMNN tại các cơ quan quan trọng của Đảng, nhà nước ở Trung ương và địa phương; Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ, năng lực của cán bộ làm việc tại bộ phận thiết yếu, nơi chứa nhiều BMNN và có quy chế quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ này;….

Ngoài ra, các cán bộ, công chức, viên chức tham gia lớp tập huấn đã tích cực trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận những tình huống trong thực tiễn công việc, nắm bắt và cập nhật kiến thức, văn bản mới nhằm nâng cao hiệu quả công tác tham mưu và thực hiện công tác văn thư, lưu trữ.

Các phần trao đổi thảo luận tại buổi tập huấn đã giúp cho các học viên nhận thức được tầm quan trọng của công tác văn thư, lưu trữ đối với hoạt động quản lý hành chính ở cơ quan, đơn vị, đồng thời trang bị thêm những kiến thức cơ bản cũng như những kỹ năng mới về công tác văn thư, lưu trữ nhằm nâng cao hiệu quả công tác, tránh được những sai sót không đáng có trong công tác văn thư, lưu trữ. Từ đó giúp cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác văn thư, lưu trữ giải quyết, xử lý nhanh chóng công việc của mình; tham mưu đầy đủ và có hiệu quả cho lãnh đạo cơ quan; đảm bảo việc kiểm tra giám sát đáp ứng được các yêu cầu của pháp luật hiện hành đồng thời bảo vệ bí mật những thông tin có liên quan đến cơ quan, tổ chức và bí mật quốc gia, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chung của ngành KH&CN.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3176

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)