Thứ sáu, 09/03/2018 17:48 GMT+7

Hợp tác KH&CN Việt Nam – Diễn đàn Kinh tế Thế giới không ngừng phát triển

Sáng 08/3/2018, tại Trụ sở Bộ KH&CN, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh đã tiếp ông Justin Wood, Giám đốc Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và ông Justin Wood, Giám đốc khu vực Châu Á- Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự.
 

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết: Bộ Ngoại giao đã ký Thỏa thuận hợp tác về “Phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai” với Diễn đàn kinh tế thế giới tập trung vào 07 lĩnh vực, trong đó Bộ KH&CN được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai các hoạt động trong lĩnh vực hợp tác “Tương lai của Kinh tế và Xã hội số”.

Theo đó, nội dung hợp tác thực hiện trong khuôn khổ lĩnh vực hợp tác này của WEF, gồm các hoạt động: Dự án “Chuyển đổi số” của WEF áp dụng phương pháp mới của WEF trong tính toán tác động của công nghệ mới đối với nền kinh tế nhằm giúp Chính phủ Việt Nam đưa ra các ưu tiên phát triển cũng như quản lý các công nghệ.

Bên cạnh đó, Chương trình “ASEAN số” nhằm thúc đẩy kết nối và hình thành các tiêu chuẩn chung trong ASEAN trong lĩnh vực kinh tế số để hình thành các tiêu chuẩn chung của khu vực quy mô lớn tập trung vào các vấn đề như chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thương mại điện tử, cải thiện truy cập internet, các chính sách mới về chất lượng băng thông rộng và giáo dục số.

Bên cạnh đó, WEF sẽ tạo điều kiện cho phía Việt Nam cử cán bộ thực tập trong một số lĩnh vực tại trụ sở của WEF ở Geneva để tiếp cận chuyên gia của WEF, nâng cao năng lực, phối hợp với WEF triển khai các cấu phần nghiên cứu.

WEF có một danh mục các công việc về Tương lai của Kinh tế và Xã hội số. Công việc này tập trung vào một số lĩnh vực quan trọng như Internet cho mọi người; giá cả, độ tin cậy và tốc độ của các kết nối; thúc đẩy giáo dục và hiểu biết số; dòng dữ liệu xuyên biên giới và an ninh mạng là những nội dung rất thiết thực đối với Việt Nam.

Tại buổi tiếp Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã trao đổi thêm với ông Justin Wood về chức năng, nhiệm vụ của Bộ KH&CN. Theo đó, Bộ KH&CN là cơ quan được Chính phủ giao quản lý nhà nước về các hoạt động nghiên cứu phát triển của các tổ chức KH&CN, của các bộ, ngành địa phương trên toàn quốc, về hoạt động đổi mới sáng tạo như hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các Startup; quản lý, quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo của các khu vực doanh nghiệp và công nghiệp. Ngoài chức năng đó, Chính phủ cũng giao thẩm quyền cho Bộ KH&CN những lĩnh vực khác như hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, quản lý nhà nước về Sở hữu trí tuệ.

Đặc biệt trong thời gian gần đây Việt Nam tăng cường hợp tác với tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới để tăng cường hợp tác khai thác, phát triển tài sản trí tuệ đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế. Ngày 04/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, theo đó, Thủ tướng đã phân công nhiệm vụ các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội cần triển khai thực hiện để tận dụng cơ hội và vượt qua những thách thức do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.

Với vai trò là cơ quan đầu mối, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương từng bước xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao năng lực tiếp cận Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định.

Bên cạnh đó, ngày 01/01/2018, Đề án “Hệ tri thức Việt số hoá” đã được chính thức khởi động và hứa hẹn sẽ tạo ra một hệ sinh thái toàn diện để tất cả mọi người, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam sáng tạo, phát triển các công nghệ tiên tiến trên nền tảng của dữ liệu lớn, internet vạn vật, trí thông minh nhân tạo... là những công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực từ khoa học, giáo dục, giao thông, tài chính, sản xuất, y tế… 

Một trong những hoạt động khác mà Bộ KH&CN cũng chủ động tham mưu cho Chính phủ đó là  sự ra đời của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016. Trong 2 năm gần đây số nhà đầu tư đến với Việt Nam, số lượng khu vực làm việc chung, nhà cố vấn, các nhóm bạn trẻ tham gia hoạt động khởi nghiệp gần như năm sau tăng gấp đôi năm trước.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh bày tỏ mong muốn, để triển khai các công việc trên cần thành lập các nhóm làm việc chung, làm việc với các bộ, ngành để có các kế hoạch triển khai cụ thể. Bên cạnh đó, trong tinh thần đề xuất WEF sẵn sàng hỗ trợ việc tổ chức cho cán bộ Việt Nam sang học tập tại nước ngoài. Đây là cơ hội quý để Bộ KH&CN triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN đi đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở có uy tín, năng lực và kinh nghiệm tại các cơ sở nước ngoài.

Tại buổi tiếp, ông Justin Wood cho biết: Diễn đàn kinh tế thế giới là một tổ chức đặt tại Geneva nhằm xây dựng quan hệ hợp tác công tư ở các quốc gia trên thế giới. WEF tập trung vào 4 vấn đề lớn: tương lai của an ninh, kinh tế, thương mại, và y tế.

Một trong những mối quan tâm của WEF là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bao gồm các vấn đề như công nghệ và trí tuệ nhân tạo, …những vấn đề đang thay đổi thế giới một cách nhanh chóng. Một trong những vấn đề hợp tác giữa Việt Nam và WEF là giúp tăng cường sự hiểu biết của Việt Nam về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và vai trò của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Justin Wood bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh là thành lập nhóm làm việc chung để từ đó có thể cùng làm việc trong các hợp tác cụ thể. Ông Justin Wood nhấn mạnh “Một trong những cách để chúng ta tiếp tục xác định nhóm lĩnh vực là thế mạnh và cũng là ưu tiên của Việt Nam, nó cũng phù hợp với định hướng của Việt Nam để có thể cùng hợp tác. Trong lĩnh vực an ninh mạng, WEF có trung tâm an ninh mạng mới thành lập ở Geneva, chúng tôi hi vọng nhiều Chính phủ có thể cùng tham gia để có thể đóng góp chuyên môn của mình trong lĩnh vực này. Liên quan đến khởi nghiệp, chúng tôi cũng đã xây dựng nền tảng khởi nghiệp cho khu vực ASEAN, từ đó kết nối các công ty khởi nghiệp trên toàn khu vực này”.

Giám đốc khu vực Châu Á- Thái Bình Dương của WEF cũng vui mừng được mời Bộ trưởng tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN mà WEF sắp tổ chức. Định hướng của Hội nghị này là tập trung vào khởi nghiệp và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. WEF sẽ mời 100 công ty khởi nghiệp xuất sắc nhất trên toàn khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam để cùng tham gia vào Hội nghị này. Ông Justin Wood bày tỏ hi vọng từ đây có thể phát triển ra rất nhiều ý tưởng để làm thế nào có thể nuôi dưỡng được hệ sinh thái khởi nghiệp trong khu vực.

“Cuộc Cách mạng 4.0 ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực và các bộ ngành, vì vậy chúng tôi hi vọng kết nối được với Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm xây dựng hạ tầng viễn thông cho Việt Nam. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với Bộ KH&CN nhằm tìm ra ý tưởng tốt nhất để cùng triển khai, thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển thành công và thịnh vượng giữa 2 bên”. Ông Justin Wood khẳng định.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3438

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)