Thứ năm, 15/03/2018 19:29 GMT+7

Hợp tác KH&CN Việt Nam - Australia: Đổi mới sáng tạo là một trụ cột mới trong quan hệ đối tác chiến lược

Nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam đã phối hợp với một số tổ chức KH&CN hàng đầu của Australia tổ chức của một số sự kiện nhằm thúc đẩy hợp tác về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và triển khai Kế hoạch hành động về hợp tác KH&CN giữa hai nước.

Có thể nói, hàng loạt sự kiện kết nối, hợp tác KH&CN Việt Nam - Australia diễn ra nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân là sự tiếp nối thành công trong hợp tác KH&CN Việt Nam - Australia đã đạt được thời gian qua. Có thể kể đến gần đây nhất, đầu tháng 11/2017, tại sự kiện trình diễn về Đổi mới sáng tạo trong thời gian diễn ra APEC 2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Australia, bà Julie Bishop, đã tuyên bố Đổi mới sáng tạo là một trụ cột mới trong quan hệ đối tác chiến lược và sẽ góp phần tăng cường quan hệ song phương giữa Australia và Việt Nam. Trong chuyến thăm chính thức Australia của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam vào cuối tháng 11/2017, Bộ KH&CN và Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học Australia đã ký thông qua Kế hoạch hành động về hợp tác KH&CN Việt Nam – Australia. Kế hoạch hành động là tài liệu chiến lược cho các ưu tiên nghiên cứu và sẽ định hướng hợp tác cho các tổ chức KH&CN của hai nước.

Trước đó năm 2013, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp định Hợp tác KH&CN và có hiệu lực vào tháng 7/2014. Để triển khai Hiệp định, hai nước đã thành lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác KH&CN, tổ chức khóa họp lần thứ nhất (tháng 3/2016) tại Australia và khóa họp lần thứ hai dự kiến sẽ tổ chức tại Việt Nam trong năm 2018.

Văn bản hợp tác mang tính nền tảng quan trọng không thể không nhắc đến đó là Bản ghi nhớ hợp tác KH&CN giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Australia ký năm 1992.

Trình diễn Đổi mới sáng tạo

Từ những thành công của hợp tác KH&CN Việt Nam - Australia và để triển khai triển khai Kế hoạch hành động về hợp tác KH&CN giữa hai nước, từ ngày 14-18/3/2018, Bộ KH&CN Việt Nam đã chủ trì và phối hợp với Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia – CSIRO; Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia – ACIAR; Đại học Công nghệ Sydney - UTS; Tập đoàn Việt - Úc; Công ty công nghệ DTT – DTT Technology Group, Công ty Emotiv, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; Công ty cổ phần giải pháp thời tiết và nông nghiệp AgriMedia tổ chức Sự kiện trình diễn Đổi mới sáng tạo với chủ đề: “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp, cơ hội mới cho Australia và Việt Nam”.
 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Chu Ngọc Anh phát biểu tại Sự kiện trình diễn Đổi mới sáng tạo. 
 

Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Chu Ngọc Anh khẳng định đây là sự kiện này nhằm nêu bật các cơ hội mới phát triển kinh tế cho Australia - Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). “Tôi tin chắc rằng các hoạt động hợp tác tới đây về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa hai nước sẽ tiếp tục gặt hái được những kết quả tốt đẹp, đóng góp vào sự phát triển quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước nói chung và quan hệ hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa hai nước nói riêng”- Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Theo đó, mục tiêu của sự kiện trình diễn nhằm cho thấy năng lực nghiên cứu và thương mại của Australia và Việt Nam trong ngành công nghiệp mới nổi của CMCN 4.0; Nhấn mạnh cơ hội đầu tư và thương mại song phương và lĩnh vực tiềm năng cho Australia và Việt Nam; Cho thấy giá trị của Australia là một nhà cung cấp kiến thức, kỹ năng và điểm đến về giáo dục để trang bị cho lực lượng lao động trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; Tăng cường quan hệ giữa Australia và Việt Nam thông qua Đối tác Đổi mới và các khoản đầu tư của Aus4Innovation đồng thời tích cực gắn kết với cộng đồng người Việt (Việt kiều).

“Thông qua sự kiện, hai bên cũng muốn gửi đến thông điệp: Australia và Việt Nam với những điểm mạnh bổ sung cho nhau có thể được khai thác tối đa để tận dụng các cơ hội của CMCN 4.0 và định hình tương lai của các ngành công nghiệp mới. Các cơ hội lớn sẽ xuất hiện với sự đầu tư thận trọng trong việc xây dựng lực lượng lao động, mối quan hệ với các cơ quan nghiên cứu, môi trường kinh doanh năng động, hợp tác công nghiệp và hỗ trợ của Chính phủ”- Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Sự kiện trình diễn Đổi mới sáng tạo.
 

Bày tỏ sự vui mừng khi tham gia sự kiện trình diễn Đổi mới sáng tạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Trong thời điểm thế giới đang diễn ra những biến đổi công nghệ nhanh chóng cùng những diễn biến khó lường từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cả 2 nước chúng ta đều cần tập trung phát triển nền kinh tế được dẫn dắt bởi đổi mới sáng tạo để thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ và phát minh mới, nâng cao chất lượng sống của người dân, phù hợp với xu hướng của cuộc Cánh mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Nhân dịp này Công ty Emotiv, Công ty công nghệ DTT và khu công nghệ cao Hòa Lạc đã ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác nhằm: Hợp tác xây dựng lộ trình và chương trình để thu hút đầu tư công- tư (PPP) hỗ trợ cho việc thành lập Sáng kiến quốc gia về khoa học công nghệ thần kinh và nghiên cứu não bộ; Cùng nỗ lực hướng tới việc quảng bá các hoạt động tại Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức về sáng kiến này.

Trong đó: là một công ty hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu về công nghệ thần kinh và sóng não, EMOTIV cam kết: Nỗ lực trong việc xác định các điều lệ, mục tiêu, lộ trình và các sản phẩm chính để hỗ trợ cho việc xây dựng sáng kiến quốc gia về công nghệ thần kinh và nghiên cứu não bộ; Cung cấp các giải pháp và tăng cường năng lực chuyên môn nhằm thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu khoa học thần kinh, sóng não và não bộ cho  Liên minh các đối tác trong đó bao gồm cả việc thu hút các chuyên gia toàn cầu tham gia lĩnh vực này; Đóng vai trò quan trọng trong việc xác định đối tác địa phương có giá trị để đóng góp vào hệ sinh thái địa phương, thu hẹp khoảng cách phát triển và thu hút chuyên gia quốc tế đưa Việt Nam trở thành trung tâm của sự phát triển; Đầu tư cho sự phát triển của khoa học thần kinh và sóng não ở Việt Nam.

Là một khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cam kết: Tăng cường tiếp cận các cơ sở của Khu công nghệ cao để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái cho nghiên cứu công nghệ thần kinh và não bộ; Tạo điều kiện thuận lợi cho các Trung tâm mẫu nghiên cứu về công nghệ thần kinh khoa học não bộ bao gồm việc hỗ trợ sản xuất, phát triển kỹ năng; Làm đầu mối trao đổi với các Bộ ngành liên quan và Chính phủ để xây dựng Chương trình Quốc gia về công nghệ thần kinh và khoa học trí não.

Là một doanh nghiệp tiêu biểu có nhiều đóng góp quan trọng cho chương trình giao dục STEM ở Việt Nam, DTT cam kết: Thúc đẩy mạng lưới STEM hiện có, các đối tác giáo dục và khu vực tư nhân nhằm xác định đối tác địa phương có giá trị để đóng góp vào hệ sinh thái địa phương và phát triển lĩnh vực này; Tham gia phát triển các mô-đun giáo dục, các chương trình tin học nhằm quảng bá kiến thức, phát triển kỹ năng về khoa học thần kinh; Tham gia phát triển các ứng dụng cho thị trường địa phương để nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như giới thiệu các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thần kinh và nghiên cứu sóng não.

Sau sự kiện trình diễn đổi mới sáng tạo là tọa đàm (Seminar) giữa các đơn vị tham gia trình diễn. Ở tọa đàm, các đơn vị giới thiệu về hoạt động của đơn vị mình, về nhu cầu hợp tác trong tương lai. Qua đó, các bên kết nối với nhau để cùng nhau xây dựng các hoạt động chung.

Được biết, hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho Việt Nam đã được Chính phủ Australia quan tâm và triển khai thời gian qua. Điểm nhấn là Chương trình hỗ trợ phát triển trị giá 10 triệu Đô la Australia của Australia cho Việt Nam, Aus4Innovation với các hoạt động mục tiêu nhằm thúc đẩy tiềm năng đổi mới sáng tạo và tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam và Đại sứ Australia tại Việt Nam sẽ đồng chủ trì chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo thông qua việc đảm bảo triển khai chương trình phù hợp với nghị trình về đổi mới sáng tạo của chính phủ, thúc đẩy các cơ hội kinh doanh và giám sát các khoản viện trợ đầu tư của chương trình để hỗ trợ hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Chi tiết của hoạt động đầu tiên “thiết kế lộ trình cho tương lai số hóa” đang được Bộ KH&CN Việt Nam và Mạng lưới nghiên cứu số Data 61 của Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp liên bang Australia (CSIRO) xây dựng.

Ký hai Bản ghi nhớ hợp tác với hai Tổ chức hàng đầu của Australia

Nhân dịp này, ngày 15/3/2018, tại nhà Quốc hộ Australia, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Thứ trưởng Phạm Đại Dương đã ký hai biên bản ghi nhớ hợp tác với hai Tổ chức hàng đầu của Australia (Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia – CSIRO và Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia – ACIAR) dưới sự chứng kiến của hai Thủ tướng.
 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh ký Biên bản ghi nhớ với Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia – CSIRO.
 

Đây là hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và triển khai Kế hoạch hành động về hợp tác KH&CN giữa 2 nước (ký tháng 11/2017).  

Theo đó, với CSIRO với tư cách là tổ chức nghiên cứu của Chính phủ Australia, bản ghi nhớ là cơ sở để thúc đẩy, trao đổi xây dựng các chương trình hợp tác cụ thể trên cơ sở bình đẳng, có đi có lại và cùng có lợi, cũng như thúc đẩy và hỗ trợ hợp tác giữa các viện nghiên cứu và phát triển, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học chuyên ngành từ Việt Nam và CSIRO trong các lĩnh vực 2 Bên cùng quan tâm như: Nông nghiệp và Thực phẩm, Y tế và An ninh sinh học, Môi trường, Đại dương, Năng lượng, Đất và Nước, Công nghệ thông tin, Thiên văn học và Vũ trụ, và Dữ liệu số.

Bản ghi nhỡ cũng nêu rõ, để đạt được mục đích này, các Bên sẽ: Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu chung trong các lĩnh vực (nhưng không giới hạn): Nông nghiệp và Thực phẩm, Y tế và An ninh sinh học, Môi trường, Đại dương, Năng lượng, Đất và Nước, Công nghệ thông tin, Thiên văn học và Vũ trụ, và Dữ liệu số; Khuyến khích trao đổi khoa học để hướng đến các hoạt động nghiên cứu chung và đối thoại học thuật; Tìm kiếm trao đổi thông tin, tài liệu và chuyển giao công nghệ có thể thực hiện theo các thỏa thuận có hiệu lực về mặt pháp lý riêng; Hỗ trợ các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và nhà quản lý xây dựng và cải thiện năng lực; Tìm kiến các cơ hội đồng tài trợ cho các dự án nghiên cứu chung trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm (mọi dự án nghiên cứu như vậy cần được thực hiện hiện theo các thỏa thuận có hiệu lực về mặt pháp lý riêng); Khuyến khích việc tạo ra các ấn phẩm khoa học chung; Xác định các lĩnh vực, hình thức hợp tác có thể có khác.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương ký Bản ghi nhớ hợp tác với Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia – ACIAR với sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull.
 

Với ACIAR, với tư cách là cơ quan của Chính phủ Australia và là cơ quan chuyên nghiên cứu về nông nghiệp quốc tế của Australia vì sự phát triển, mục đích của bản ghi nhớ là thiết lập hợp tác giữa MOST và ACIAR để cùng triển khai Chiến lược hợp tác nghiên cứu nông nghiệp của ACIAR ở Việt Nam 2017 – 2027.

Đặc biệt, các Bên sẽ tăng cường trao đổi nhằm xác định các chương trình hợp tác cụ thể trên cơ sở bình đẳng và có đi có lại, cũng như thúc đẩy và hỗ trợ hợp tác giữa các viện nghiên cứu và phát triển, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học có chuyên môn cao từ Việt Nam, Australia và quốc tế, và xây dựng và cải thiện năng lực của các nhà nghiên cứu Việt Nam (đặc biệt là các nhà khoa học nữ), các nhà quản lý và các viện nghiên cứu chính để hỗ trợ tăng trưởng bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Bản ghi nhớ cũng nêu rõ, để đạt được mục đích này, các Bên sẽ: Xác định các cơ hội nghiên cứu hợp tác trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giữa các viện nghiên cứu và phát triển, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học từ Việt Nam, Australia và quốc tế; Đồng tổ chức và đồng hỗ trợ các cuộc họp, các hội thảo khoa học và công nghệ và các cuộc đối thoại chuyên môn hỗ trợ các mục tiêu của Chiến lược hợp tác nghiên cứu nông nghiệp của ACIAR ở Việt Nam 2017 - 2027; Trao đổi thông tin về KH&CN, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Hỗ trợ các nghà nghiên cứu, các nhà khoa học và nhà quản lý xây dựng và nâng cao năng lực thông qua các khóa đào tạo ngắn và dài hạn; Hỗ trợ, đồng tài trợ cho các nghiên cứu chung trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Ngay tại lễ ký kết, Giáo sư Andrew Campbell, Tổng Giám đốc Điều hành của ACIAR khẳng định: “Việt Nam là một đối tác rất quan trọng của ACIAR. Tôi thực sự rất ấn tượng khi chứng kiến Việt Nam chuyển mình từ một nước nhận tài trợ sang vị thế của một đối tác chủ động, hợp tác trong lĩnh vực phát triển và triển khai các dự án nghiên cứu có mục tiêu rất cụ thể, thiết thực. Rất nhiều trong số các dự án đó có nguồn vốn tài trợ trực tiếp của Việt Nam, bên cạnh tài trợ từ phía Australia”.
 

 Tọa đàm sau Sự kiện trình diễn Đổi mới sáng tạo. 
 

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chúc mừng việc Bộ KH&CN Việt Nam và Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia – CSIRO đã ký kết Bản ghi nhớ về đẩy mạnh hợp tác trong Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. “Tôi tin tưởng rằng, văn kiện mới sẽ tạo cơ sở cho việc tăng cường hợp tác giữa hai nước và mở ra cơ hội hợp tác mới về đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa các nghiên cứu”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 5024

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)