Thứ năm, 19/04/2018 21:13 GMT+7

Nghiên cứu đặc điểm lâm học, chọn giống, kỹ thuật trồng và công dụng của cây Cóc hành (azadirachta exselsa (jack) jacob) ở vùng khô hạn Nam Trung bộ

Cóc hành (Azadirachta exselsa (Jack) Jacob) được biết đến là một loài cây đặc biệt trong kiểu rừng lá rộng rụng lá của tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Đây là một loại cây đa mục đích, có giá trị kinh tế cao. Gỗ Cóc hành sử dụng làm nhà và đồ mộc. Lá, hạt và vỏ thân Cóc hành dùng để chiết xuất một số chất phục vụ sản xuất các sản phẩm công nghiệp, y học, đặc biệt sản xuất thuốc bảo vệ thực vật. Theo Thông tư số 35/TT-BNN&PTNT ngày 23/6/2010 thì Cóc hành và Neem Azadirachta indica) là 2 loài cây trồng lấy gỗ được đưa vào danh mục bổ sung một số loài cây trồng rừng tại 63 huyện nghèo thuộc 21 tỉnh theo nghị quyết 30a/2008/NQ-CP.

 

Đã có những nghiên cứu về loài cây này, tuy nhiên mang tính chất đơn lẻ, chưa hệ thống đầy đủ về đặc điểm lâm học, chọn giống, nhân giống, biện pháp kỹ thuật trồng thâm canh cũng như công dụng của nó. Vì vậy, đề tài “Nghiên cứu đặc điểm lâm học, chọn giống, kỹ thuật trồng và công dụng của cây Cóc hành (Azadirachta exselsa (Jack) Jacob) ở vùng khô hạn Nam Trung bộ” được Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng làm cơ quan chủ quản cùng phối hợp với chủ nhiệm đề tài TS. Hà Thị Mừng nghiên cứu.

Qua thời gian nghiên cứu, đề tài đã chọn được 73 cây mẹ Cóc hành từ 7 xuất xứ (7 huyện) tại các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, bao gồm: Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải, Thuận Nam - Ninh Thuận; Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình - Bình Thuận. Xuất xứ có triển vọng cho trồng rừng Cóc hành ở Ninh Thuận là Bác Ái và Ninh Sơn; ở Bình Thuận là Hàm Thuận Bắc, Ninh Sơn và Bác Ái.

Các biện pháp kỹ thuật trồng thâm canh Cóc hành: Các biện pháp kỹ thuật trồng rừng thích hợp cho Cóc hành là: trồng phân tán hoặc trồng tập trung hỗn giao theo hàng với Neem theo tỷ lệ 2:2, cày toàn diện bằng phương pháp cơ giới, mật độ trồng 833 hoặc 1100 cây, chăm sóc 3 năm, bón lót 200g vi sinh + thúc 75gNPK năm 1; thúc 150gNPK năm 2; thúc 225gNPK năm 3 nếu trồng ở Ninh Thuận hoặc Bón lót 200g vi sinh + thúc 100gNPK năm 1; thúc 200gNPK năm 2; thúc 300gNPK năm 3 nếu trồng ở Bình Thuận. Cây con Cóc hành 1-3 tháng tuổi trong vườn ươm cần che bóng 50%, từ 3 đến 6 tháng tuổi cần che 25%, sau đó có thể dỡ dàn che hoàn toàn. Lượng phân bón thích hợp cho cây con Cóc hành đến giai đoạn 12 tháng tuổi là 2,10g Urê + 3,84 g Supe lân + 0,50 g KCl; tương ứng với 0,96gN+ 0,7gP2O5 + 0,30g K2O nguyên chất. Đề tài đã xây dựng được bản hướng dẫn kỹ thuật trồng bao gồm từ khâu xác định điều kiện gây trồng đến giống, tạo cây con và chăm sóc rừng trồng.

Một số tính chất cơ lý, hóa học của gỗ và hàm lượng lipit tổng, thành phần axit béo trong vỏ, lá và hạt của Cóc hành: Gỗ Cóc hành có lõi và dác phân biệt rõ ràng, gỗ dác nhiều, có màu vàng nhạt, gỗ lõi màu nâu hồng. Gỗ có mùi thơm hơi nồng. Gỗ Cóc hành thu thập từ rừng tự nhiên có khối lượng riêng và khả năng chịu lực tốt hơn gỗ thu thập từ rừng trồng. Gỗ xếp nhóm I đối với gỗ từ rừng tự nhiên và nhóm II đối với gỗ từ rừng trồng. Gỗ thích hợp để làm đồ mộc, làm cửa và cấu trúc bên trong hay làm đồ mộc. Gỗ Cóc hành có hàm lượng xenluloza ở mức trung bình (41,22% đối với gỗ rừng tự nhiên và 41,38% đối với gỗ rừng trồng), hàm lượng lignin ở mức tương đốicao (27,72% đối với gỗ rừng tự nhiên và 25,05% đối với gỗ rừng trồng), hàm lượng các chất vô cơ (độ tro) ở mức trung bình (0,23% đối với gỗ rừng tự nhiên và 0,57% đối với gỗ rừng trồng). Gỗ Cóc hành không phù hợp cho công nghiệp sản xuất giấy.

Hàm lượng hoạt chất azadirachtin được phát hiện ở mẫu Hạt Cóc hành, cao nhất là 1,0795g/kg mẫu. Tỷ lệ % lipid so với khối lượng mẫu phân tích trong lá Cóc hành chiếm 1,06-1,59%, trong hạt là 1,31-1,71% và trong vỏ là 0,27-0,30%. Có 13 loại axit nhận dạng được trong lipit tổng số ở các bộ phận của Cóc hành, chủ yếu là Axit oleic, Axit palmitic, Axit linoleic.

Dịch chiết của lá Cóc hành có biểu hiện hoạt tính gây độc với 2 dòng tế bào ung thư gan (Hep G2) và ung thư biểu mô vú (MCF 7), dịch chiết của lá và vỏ có biểu hiện hoạt tính chống oxy hoá trên hệ DPPH.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 12527/2016) tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 6592

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)