Thứ ba, 15/05/2018 16:41 GMT+7

Nghiên cứu, đề xuất và triển khai thử nghiệm mô hình điện toán đám mây cho mạng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam (VinaREN) dựa trên nền tảng mã nguồn mở

Điện toán đám mây (ĐTĐM) là mô hình điện toán cho phép truy cập qua mạng để lựa chọn và sử dụng tài nguyên tính toán (ví dụ: mạng, máy chủ, lưu trữ, ứng dụng và dịch vụ) theo nhu cầu một cách thuận tiện và nhanh chóng; đồng thời cho phép kết thúc sử dụng dịch vụ, giải phóng tài nguyên dễ dàng, giảm thiểu các giao tiếp với nhà cung cấp. Hiểu một cách nôm na, ĐTĐM hay còn gọi là Điện toán máy chủ ảo, là mô hình điện toán sử dụng các công nghệ máy tính và phát triển dựa vào mạng Internet.

Thuật ngữ "đám mây" ở đây là lối nói ẩn dụ chỉ mạng Internet (dựa vào cách được bố trí của nó trong sơ đồ mạng máy tính) và như một liên tưởng về độ phức tạp của các cơ sở hạ tầng chứa trong nó. Các máy tính trong các đám mây được cấu hình để làm việc cùng nhau và các ứng dụng khác nhau sử dụng sức mạnh điện toán tập hợp như thể chúng đang chạy trên một hệ thống duy nhất. Với mô hình ĐTĐM, mọi khả năng liên quan đến công nghệ thông tin đều được cung cấp dưới dạng các dịch vụ, cho phép người sử dụng truy cập các dịch vụ công nghệ từ một nhà cung cấp nào đó trong đám mây mà không cần phải có các kiến thức, kinh nghiệm về công nghệ cũng như không cần quan tâm đến cơ sở hạ tầng phục vụ công nghệ đó. Nhờ đó ĐTĐM đem lại những khả năng tối ưu việc sử dụng tài nguyên tính toán. Các ứng dụng được chạy trong các trung tâm dữ liệu, nơi mà các tài nguyên tính toán được dùng chung, được cấp phát động theo yêu cầu một cách linh hoạt để đảm bảo được sự tối ưu trong sử dụng tài nguyên.

 

 

ĐTĐM là mô hình điện toán sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất về phần mềm, phần cứng máy tính, được phát triển trên hạ tầng mạng máy tính và Internet, để tạo ra một “đám mây” cung cấp từ cơ sở hạ tầng, nơi lưu trữ dữ liệu cho đến các dịch vụ sẵn sàng, nhanh chóng cho mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dùng đầu cuối theo yêu cầu. Khả năng đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu của người dùng ứng dụng CNTT là đặc thù quan trọng bậc nhất của mô hình dịch vụ đám  mây.

 

Với mô hình dịch vụ đám mây, người dùng có thể truy cập các ứng dụng CNTT từ một hay nhiều nhà cung cấp (doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức chính phủ) mà không cần phải quan tâm đến kỹ năng cài đặt, triển khai và ứng dụng phần mềm, đòi hỏi kiến thức đầy đủ và hiểu biết sâu về CNTT, cũng như các yêu cầu về cơ sở hạ tầng truyền thông, mạng máy tính và Internet để truy cập các dịch vụ. Các nguồn tài nguyên và dịch vụ liên quan tới CNTT, với đầy đủ các tính năng ưu việt thừa hưởng từ công nghệ phần cứng và phần mềm, thông qua các công nghệ ĐTĐM sẽ được cung cấp và quản trị một cách hiệu quả nhất, đảm bảo khả năng sẵn sàng mọi lúc mọi nơi, với độ ổn định và bảo mật cao nhất. Có thể nói, ĐTĐM và dịch vụ đám mây là giải pháp thỏa mãn mọi nhu cầu đặt ra của người sử dụng. Tuy mới được phát triển cách đây không lâu nhưng ngày càng có nhiều tổ chức, cơ quan và doanh nghiệp tìm hiểu, áp dụng công nghệ và dịch vụ ĐTĐM để khai thác và chia sẻ chung các tài nguyên. Điều này đang minh chứng cho sự hấp dẫn của ĐTĐM và dịch vụ đám mây đối với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong bối cảnh giới hạn của sự suy thoái kinh tế, áp lực cạnh tranh phải cung cấp được các dịch vụ tốt hơn với chi phí thấp hơn.

 

Mạng Nghiên cứu và Đào tạo Việt Nam (VinaREN) là hệ thống mạng riêng lớn và gần như tiên tiến nhất hiện nay trên phạm vi quốc gia thuộc lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo. Tuy nhiên, với trang thiết bị đầu tư cách đây hàng chục năm, cộng với sự thay đổi hàng ngày hàng giờ của công nghệ và thiết bị CNTT hiện nay, vấn đề đảm bảo cơ sở hạ tầng cho VinaREN nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển dịch lên đám mây nói riêng và phục vụ thông tin cho hội nhập quốc tế về KH&CN nói chung, cũng là vấn đề cần được xem xét. VinaREN kết nối cộng đồng các nhà nghiên cứu, giảng dạy ở Việt Nam với hơn 50 triệu người dùng thuộc hơn 8.000 tổ chức nghiên cứu phát triển trên toàn thế giới. Nghiên cứu áp dụng công nghệ ĐTĐM cho VinaREN là để VinaREN thực sự mang lại lợi ích to lớn và thiết thực cho công đồng nghiên cứu và đào tạo ở Việt Nam trên cơ sở ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến để mở rộng kết nối và triển khai các dịch vụ, ứng dụng khai thác trên mạng. Những nội dung cần nghiên cứu về ĐTĐM là rất lớn, nhưng đối với VinaREN, trước mắt cần xem xét lựa chọn và đề xuất mô hình đám mây cùng các công nghệ nền tảng và công nghệ ảo hóa phù hợp với VinaREN; tiến hành cài đặt, vận hành thử nghiệm đám mây VinaREN. Từ đó đúc rút kinh nghiệm để chuyển dịch VinaREN lên đám mây trên cơ sở bảo đảm an toàn an ninh tuyệt đối dữ liệu và các ứng dụng của VinaREN.

 

Từ những yêu cầu thực tiễn này, nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn Hồng Vân, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ đứng đầu đã tiến hành triển khai nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu, đề xuất và triển khai thử nghiệm mô hình điện toán đám mây cho mạng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam (VINAREN) dựa trên nền tảng mã nguồn mở” nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng mạng VinaREN trên cơ sở áp dụng điện toán đám mây (ĐTĐM) nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác, hội nhập quốc tế về nghiên cứu và đào tạo.

 

Sau một thời gian triển khai nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã thu được một số kết quả như sau:

- Đã cung cấp bức tranh toàn cảnh về hiện trạng ứng dụng và phát triển ĐTDM trên thế giới và ở Việt Nam, giúp các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà triển khai thực tiễn có được góc nhìn thực tế về trình độ làm chủ công nghệ ĐTĐM của thế giới và những hạn chế của Việt Nam trong việc ứng dụng và phát triển công nghệ mới mẻ này;

- Đã cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn về ĐTĐM, là nguồn tài liệu tham khảo giúp các tổ chức, cá nhân quan tâm đến ĐTĐM thuận lợi hơn trong việc tiếp cận, tìm hiểu và nhìn nhận những vấn đề cơ bản về ĐTĐM, như: kiến trúc nền tảng; mô hình triển khai và mô hình dịch vụ; công nghệ ảo hóa; các vấn đề về an toàn an ninh, quản lý, tích hợp, lưu trữ phục hồi, áp dụng tiêu chuẩn đám mây, v.v...

Có thể nói, những nội dung và kết quả nghiên cứu về triển khai đám mây riêng VinaREN đã góp phần hoàn thiện phương pháp luận về triển khai ĐTĐM nói chung. Ngoài ra, toàn bộ kết quả nghiên cứu của đề tài có thể được sử dụng làm tài liệu giảng dạy hoặc tài liệu tham khảo đối với các cơ sở đào tạo về CNTT nói chung và ĐTĐM nói riêng.

Để nhanh chóng triển khai đám mây VinaREN vào thực tế, góp phần thúc đẩy việc ứng dụng và phát triển công nghệ ĐTĐM ở Việt Nam, nhóm thực hiện đề tài có một số kiến nghị chung như sau: Thứ nhất, nhà nước cần có chính sách về ĐTĐM để kịp thời quản lý công nghệ mới, tiên tiến và phát triển rất nhanh chóng này. Chính sách nói trên, ngoài nội dung phục vụ hoạt động QLNN về ĐTĐM, cần khuyến khích ứng dụng và phát triển công nghệ này tại Việt Nam; Thứ hai, sớm mở ngành đào tạo về ĐTĐM tại các cơ sở đào tạo nghề, đào tạo đại học và sau đại học để kịp thời cung cấp đội ngũ nhân lực có trình độ và tay nghề cao đáp ứng nhu cầu về ứng dụng và phát triển ĐTĐM;

Đối với đám mây VinaREN, nhóm nghiên cứu kiến nghị:

Thứ nhất, sớm đề xuất dự án triển khai thí điểm đám mây riêng VinaREN để kiểm định thực tiễn kết quả đề tài và rút kinh nghiệm cho việc triển khai rộng rãi ứng dụng ĐTĐM cho các mạng thông tin khác trong nước khi cần;

Thứ hai, bảo đảm các yêu cầu thiết yếu cho triển khai đám mây riêng VinaREN. Trước mắt là nâng cấp phần cứng đám mây theo yêu cầu của nghiên cứu lý thuyết. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về ĐTĐM cho đội ngũ nhân lực quản trị đám mây VinaREN;

Thứ ba, chú trọng an toàn an ninh trong quá trình chuyển dịch lên đám mây của VinaREN. Mặc dù độ an toàn an ninh đám mây riêng là cao so với đám mây lai và đám mây công cộng, nhưng do đây là lần đầu tiên Cục Thông tin KH&CN quốc gia thử nghiệm công nghệ mới này nên những tính toán cân nhắc về an toàn an ninh là hết sức cần thiết. Cần tiến hành sao lưu toàn bộ dữ liệu và ứng dụng dự định đưa lên đám mây VinaREN, không phụ thuộc vào mức độ quan trọng của chúng. Bên cạnh đó, cần bảo đảm hoạt động vận hành và khai thác bình thường trong quá trình chuyển dịch lên đám mây VinaREN;

Thứ tư, sau khi hoàn thành việc thử nghiệm, cần xây dựng Quy chế đám mây VinaREN. Trong đó, ngoài việc hướng dẫn vận hành và khai thác, cần quy định cụ thể quyền hạn và trách nhiệm của các tác nhân tham gia đám mây, trước mắt là nhà cung cấp đám mây và người sử dụng đám mây VinaREN;

Thứ năm, song song với quá trình vận hành đám mây riêng VinaREN, cần nghiên cứu các yếu tố cần thiết để sớm triển khai đám mây lai VinaREN trong thời gian tới, tiếp theo là đám mây cộng đồng VinaREN trong tương lai xa hơn. Nhóm nghiên cứu đề xuất thời điểm chuyển dịch đám mây riêng VinaREN lên đám mây lai là 3 năm sau khi dự án được phê duyệt triển khai. Lý do nhóm nghiên cứu chọn thời điểm trên như sau: trong điều kiện đội ngũ nhân lực CNTT của Cục còn thiếu và yếu, hơn nữa công nghệ ĐTĐM lại quá mới mẻ, thời gian 3 năm là thời gian cần thiết để chuyển dịch, vận hành, rút kinh nghiệm và bổ sung những nội dung cần thiết đối với đám mây riêng VinaREN. Đồng thời cũng là thời gian cần phải chuẩn bị các điều kiện về tài lực, vật lực và nhân lực đối với VinaREN cũng như các thành viên tham gia mạng VinaREN để chuyển dịch sang đám mây lai.

 

Việc ứng dụng và phát triển ĐTĐM ở nước ta hiện còn rất nhiều trở ngại, do đó đòi hỏi sự chung sức chung tay của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu phát triển, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến ĐTĐM, cũng như toàn bộ cộng đồng CNTT trong và ngoài nước. Nhóm thực hiện đề tài hy vọng trong tương lai không xa, công nghệ tiên tiến và mới mẻ này sẽ trở nên quen thuộc ở Việt Nam như các công nghệ Internet, ứng dụng facebook hiện nay.

 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 12112-2016) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia./.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 3820

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)