5 năm ngày Ngày KH&CN Việt Nam ra đời
Công tác nghiên cứu khoa học đã và đang phục vụ tốt đời sống, sản xuất.
Theo TSKH Nghiêm Vũ Khải, đầu năm 2012, Bộ KH&CN được giao chủ trì soạn thảo Luật KH&CN sửa đổi để thay thế Luật KH&CN năm 2000. Lúc đó, hầu hết các ngành, nghề đều có ngày của mình, trong khi đó lại chưa có quy định về ngày của ngành KH&CN. Để đáp ứng nguyện vọng của đông đảo giới KH&CN cả nước, Lãnh đạo Bộ KH&CN đã quyết định đề xuất với Chính phủ và Quốc hội quy định trong Luật mới về Ngày KH&CN Việt Nam.
“Chúng tôi bắt đầu rà soát các sự kiện lớn có liên quan đến hoạt động KH&CN từ ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay. Trong thâm tâm, chúng tôi luôn mong mỏi tìm được sự kiện tiêu biểu về KH&CN, đồng thời gắn với tên tuổi của Bác Hồ thì thật thiêng liêng và trân trọng”, TSKH Nghiêm Vũ Khải chia sẻ.
Có 2 sự kiện được Ban Soạn thảo dự án Luật lựa chọn để đưa ra thảo luận đó là Ngày thành lập Ủy ban KH&CN Nhà nước – tiền thân của Bộ KH&CN ngày nay - 03/4/1959 và Ngày thành lập Hội phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật Việt Nam - 18/5/1963.
Cuối cùng, Ban Soạn thảo đã lựa chọn phương án 2 với sự đồng thuận gần như tuyệt đối. Tại Đại hội thành lập Hội Phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và có bài phát biểu lịch sử về sứ mệnh của khoa học và kỹ thuật, trách nhiệm với tổ quốc và nhân dân của các nhà khoa học, những nhiệm vụ cấp bách, lâu dài của ngành khoa học và kỹ thuật nước nhà. Đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất phục vụ quần chúng nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.
Ban soạn thảo đã trích dẫn câu nói của Bác trong Tờ trình Chính phủ, đồng thời Tờ trình Quốc hội về dự án Luật. Lời căn dặn ngắn gọn, súc tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh trải qua hơn 50 năm vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu rộng, tư tưởng lớn của Người đối với định hướng phát triển lâu dài của nền KH&CN nước nhà. KH&CN không chỉ là lý thuyết mà còn phải gắn nghiên cứu với ứng dụng, với hoàn cảnh thực tiễn ở Việt Nam, phải không ngừng cải tiến kỹ thuật, liên kết chặt chẽ với quá trình lao động, sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. “Chính vì vậy, đề xuất về ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam là ngày 18/5 hằng năm đã được Quốc hội chấp thuận và quy định tại Điều 7 Luật KH&CN năm 2013”, TSKH Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ, giới khoa học rất vui vì ngày 18/5 đã trở thành ngày tôn vinh các nhà khoa học, nhà khoa học đã có ngày kỷ niệm riêng của mình. Dịp này gắn liền với những hoạt động tổ chức ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5. Đây là dịp để chúng ta nhìn nhận lại sau 1 năm việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị nói chung và triển khai KH&CN nói riêng cũng như những đóng góp của cá nhân, tập thể.
Năm nay có điều đặc biệt hơn đó là chúng ta vừa bế mạc Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII. Ý nghĩa của Ngày KH&CN lần thứ 5 có một tầm rất mới, đặt chúng ta có trách nhiệm để nhận thức đúng hơn về Ngày KH&CN, chứ không phải thể hiện như một phong trào. “Bác Hồ đã nói, khoa học phải từ sản xuất mà ra, quay trở lại phục vụ đời sống. Hiện nay công tác nghiên cứu khoa học đã xuất phát từ thực tiễn, nhất là lý luận đã không phải là một cái gì theo khuôn mẫu, đóng kín, thiếu tinh thần mở và đổi mới, sáng tạo mà chính thực tiễn đã đặt ra những nhiệm vụ làm sâu sắc hơn, hoàn thiện hơn để hành động”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức KH&CN
Để KH&CN thực hiện tốt sứ mệnh là quốc sách hàng đầu, động lực phát triển đất nước, một trong những yếu tố quan trọng đó là hoạt động truyền thông KH&CN. Những năm gần đây, hoạt động thông tin, truyền thông KH&CN đã được quan tâm, đầu tư phát triển. Hoạt động này cũng luôn được đề cập, khẳng định trong các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước như: Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020, Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;…
TSKH Nghiêm Vũ Khải cho biết, trong Luật KH&CN, ngoài việc quy định Ngày KH&CN Việt Nam, Điều 48 của Luật đã quy định về hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức KH&CN. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, một số cơ chế, chính sách khuyến khích các hoạt động nêu trên. Triển khai thực hiện Luật, công tác truyền thông và phổ biến kiến thức trong 5 năm qua đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.
Ngày KH&CN Việt Nam lần đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ công bố 18/5/2014. Từ đó trở đi, ngày này đã thực sự trở thành ngày hội để tôn vinh những người làm khoa học. Đây cũng chính là cơ hội để tuyên truyền phổ biến giáo dục về vai trò của KH&CN, đường lối, chính sách, pháp luật về phát triển KH&CN như là quốc sách hàng đầu.
Nội dung, phương pháp truyền thông được đổi mới, đa dạng hóa với những hình thức phù hợp đến mọi tầng lớp trong xã hội. Nhận thức về vai trò của KH&CN nâng cao hơn, hoạt động tôn vinh khoa học và trí thức KH&CN cũng được đẩy mạnh phục vụ nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Thông qua các hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức, sự quan tâm, ý thức tự trọng, tự tôn dân tộc và ủng hộ chính sách phát triển KH&CN của cả xã hội ngày càng tăng lên.
Một buổi giới thiệu thành tựu nghiên cứu, phát triển ngành hàng không vũ trụ với học sinh tại Trường Đại học Kỹ thuật Lê Qúy Đôn (Học viện Khoa học Kỹ thuật Quân sự).
Gần đây, đúng ngày KH&CN Việt Nam 2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 677/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” với mục tiêu xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa thông qua tổng hợp, hệ thống hóa, việt hóa, số hóa, lưu trữ và phổ biến tri thức trong mọi lĩnh vực. Ban chỉ đạo Đề án cũng đã được thành lập và đi vào hoạt động dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
“Các hoạt động truyền thông về KH&CN đặc biệt được tập trung triển khai nhân dịp Ngày KH&CN Việt Nam ở cả Trung ương cũng như trên khắp 63 tỉnh thành cả nước. Trong hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức KH&CN, vai trò của Hội, tổ chức KH&CN thuộc hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ngày càng được khẳng định”, TSKH Nghiêm Vũ Khải cho biết thêm.
Đánh giá về vai trò của truyền thông KH&CN, ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, trong quá trình đổi mới, điều chỉnh mô hình tăng trưởng của đất nước, KH&CN đóng vai trò rất quan trọng. Đất nước nào coi trọng đầu tư cho KH&CN thì đất nước đó sẽ tạo được những thành tựu phát triển, phồn vinh. Luật KH&CN đã quy định lấy ngày 18/5 là Ngày KH&CN Việt Nam là quyết định rất kịp thời và cần thiết. Tuy nhiên, nếu trong năm chỉ đến ngày 18/5 mới nhớ tới ngày KH&CN thì không đủ, mà tinh thần KH&CN phải được lan tỏa liên tục từng ngày, từng giờ trong đời sống xã hội. Để làm được điều đó thì cần phải thông qua truyền thông, thông qua báo chí. Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan truyền thông, báo chí trong thời gian tới sẽ dành sự quan tâm, thời lượng nhiều hơn nữa đến lĩnh vực này, góp phần tích cực vào việc phát triển KH&CN của đất nước.