Thứ sáu, 18/05/2018 15:11 GMT+7

Hội thảo về Hiệp định thương mại tự do, phương thức quản trị công nghệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Sáng ngày 18/5/2018, tại Hà Nội, Hội Nữ trí thức Việt Nam phối hợp với Cục Thông tin KH&CN quốc gia và Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tổ chức Hội thảo về “Hiệp định Thương mại tự do, phương thức quản trị công nghệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” trong khuôn khổ Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành thông tin.

Đây cũng là sự kiện thiết thực chào mừng ngày KH&CN Việt Nam 18/5 và giúp các doanh nghiệp và nhà khoa học tiếp cận các thông tin cần thiết về Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA, CPTPP), đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kết nối với các nhà khoa học để đáp ứng nhu cầu ứng dụng và đổi mới công nghệ và các giải pháp thích hợp nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu của các khu vực.

 

 

Tham dự hội thảo có: ông Vũ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia; bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp; bà Nguyễn Thị Hồi, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Trưởng ban Hợp tác quốc tế; bà Lê Thị Hiền, Trưởng phòng đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Về Diễn giả của Hội thảo có: bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó vụ trưởng Vụ chính sách đa biên, Bộ Công thương; ông Nguyễn Văn Bảy, Trưởng phòng Pháp chế và chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ; ông Trần Xuân Đích, Phó cục trưởng, Cục phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN; Và các đại biểu thuộc các doanh nghiệp, các nhà khoa học - chủ công nghệ, các đơn vị tham gia IT Techmart 2018.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Quỳnh Nga – Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Đa biên, Bộ Công thương đã giới thiệu về Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và những cơ hội, thách thức đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam. Về mặt kinh tế: Tiếp tục thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và EU, Việt Nam với các nước CPTPP, mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là đối với các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh. Ổn định và mở rộng nguồn nhập khẩu, đặc biệt là các máy móc, thiết bị là đầu vào cho sản xuất trong nước và các sản phẩm tiêu dùng cao mà trong nước chưa sản xuất được như dược phẩm, hóa chất, hóa mỹ phẩm… Giúp đa dạng hóa quan hệ kinh tế, thương mại, đặc biệt giúp đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực. Các cam kết về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút vốn đầu tư chất lượng cao. Nhiều tập đoàn đã đón đầu CPTPP và EVFTA thông qua nhiều dự án đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam có cơ hội trở thành điểm trung chuyển, kết nối hoạt động thương mại của các đối tác lớn tại ASEAN.

Các đại biểu cũng thảo luận về những vấn đề cần lưu ý trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khi Hiệp định Thương mại tự do CPTPP có hiệu lực; thông tin về quản trị công nghệ như thế nào cho hiệu quả và mối liên kết giữa chiến lược công nghệ và chiến lược kinh doanh; các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của Bộ KH&CN; phương thức tìm kiếm thông tin công nghệ và kết quả nghiên cứu KH&CN.

Việt Nam ngày càng tham gia mạnh mẽ và rộng rãi vào các hiệp định thương mại tự do (FTA); đặc biệt vừa qua, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng đã được ký kết. Bên cạnh những lợi ích to lớn, những thách thức mà các Hiệp định này mang lại cũng không hề ít, đặc biệt là trong vấn đề bảo hộ Quyền sở hữu trí tuệ./.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 4128

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)