Thứ ba, 29/05/2018 13:54 GMT+7

Giao lưu khối thi đua I tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

Vào tháng 10/2018, Khối thi đua một gồm 9 Bộ, ngành và đại diện khách mời là 2 Viện Hàn Lâm và Đài truyền hình Việt Nam sẽ tổ chức giao lưu công tác công đoàn tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Ngày 26/5/2018, Công đoàn Bộ KH&CN do ông Đặng Quang Huấn, Chủ tịch Công đoàn Bộ KH&CN, Trưởng Khối thi đua I- Công đoàn Viên chức Việt Nam làm Trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát địa điểm để tổ chức giao lưu công đoàn Khối thi đua I- Công đoàn Viên chức Việt Nam tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (huyện Cao phong- Hòa Bình).

Ông Đặng Quang Huấn mong muốn, thông qua buổi giao lưu sẽ giới thiệu tới các Công đoàn trong Khối I hiểu thêm hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN của Bộ, cùng những nỗ lực của Bộ KH&CN nhằm đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN vào cuộc sống.

Đặc biệt, tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Công đoàn của 11 Bộ, ngành sẽ không chỉ được tham quan cảnh quan đẹp mà điều quan trọng hơn là tận mắt nhìn thấy triển lãm lưu giữ kỷ vật của các nhà khoa học trong tổng số hơn 1.200 nhà khoa học hàng đầu Việt Nam - là nơi trân trọng lưu giữ trí tuệ Việt.
 


 

Thăm quan Triển lãm “thẳm sâu trong từng kỷ vật”.
 

Trong chuyến thăm, đoàn khảo sát cũng được các nhân viên tại đây giới thiệu về triển lãm "Thẳm sâu trong từng kỷ vật” được Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam phối hợp với Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (Heritist) tổ chức. Thông qua triển lãm có thêm cái nhìn rõ nét về sự hình thành của công viên. Công viên ra đời nhằm ra đời nhằm lưu trữ, bảo tồn, tôn vinh những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể thông qua tiểu sử, tư liệu và hiện vật cá nhân của các nhà khoa học Việt Nam.

Mỗi kỷ vật được giới thiệu tại triển lãm là một trang bản thảo, một mẩu giấy với vài dòng chữ, những cuốn sổ cũ, bức ảnh ố màu hay chiếc máy chữ hoen gỉ theo thời gian… nhưng đều ẩn chứa những câu chuyện cụ thể, phản ánh bối cảnh của từng giai đoạn lịch sử. Đó là những câu chuyện liên quan đến quá trình không ngừng nỗ lực học tập, vươn lên chiếm lĩnh tri thức, chuẩn bị hành trang cho bản thân để phục vụ đất nước. Hay câu chuyện về quá trình nghiên cứu khoa học, sự sáng tạo, nghị lực vươn lên để có những thành công trong sự nghiệp và cả những câu chuyện cuộc đời như tình bạn, tình yêu, tình thầy trò của nhà khoa học.

Đến nay, Trung tâm đã tiếp xúc, gặp gỡ rất nhiều nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực, chuyên ngành khoa học khác nhau; sưu tầm hàng vạn tư liệu bao gồm nhiều loại hình: các bản thảo nghiên cứu, sổ ghi chép, nhật ký, hồi ký, thư từ, văn bản hành chính, ảnh tư liệu... Tiến hành ghi hình hàng vạn phút phim tư liệu, ghi âm giọng nói, hình ảnh của các nhà khoa học để lưu trữ phục vụ cho công tác nghiên cứu sau này.

Hiện Trung tâm đang tiếp tục nghiên cứu, tiếp nhận nhiều bộ sưu tập tư liệu quý của các nhà khoa học như: GS Tôn Thất Tùng, GS Đặng Văn Chung, GS Chu Văn Tường, GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân (y học), GS Đoàn Trọng Truyến (kinh tế học), GS.TS Phạm Đức Dương (ngôn ngữ học), GS Văn Tạo (sử học), GS.TS Lê Quang Long (sinh học), GS.TSKH Nguyễn Đình Ngọc, GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn (toán học), GS.NGND Nguyễn Văn Chiển (địa chất)... để tri thức, trí tuệ của các nhà khoa học đến được với người dân, giới nghiên cứu khoa học một cách rộng rãi hơn, Công viên di sản các nhà khoa học đã thường xuyên triển lãm, trưng bày hiện vật của các nhà khoa học.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3503

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)