Thứ tư, 06/06/2018 16:14 GMT+7

Giáo sư Ngô Việt Trung: Nâng dần chất lượng tạp chí theo chuẩn quốc tế

Nâng cấp chất lượng tạp chí trong nước và xây dựng thành tạp chí quốc tế là xu hướng phát triển trong nhiều ngành, khoa học Việt Nam. Trong nhiều cuộc họp của Quỹ Nafosted, một số ý kiến đề xuất Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí mới xây dựng được tạp chí quốc tế. Với kinh nghiệm 15 năm làm tổng biên tập tạp chí Acta Mathematica Vietnamica– một trong những tạp chí quốc tế đầu tiên của khoa học Việt Nam, GS Ngô Việt Trung cho rằng yếu tố quan trọng nhất là phải đảm bảo chất lượng của các công trình được công bố

GS Ngô Việt Trung. Ảnh: Lê Văn.
 

Lấy tiêu chí khoa học làm đầu

Để trở thành tạp chí quốc tế thì một tạp chí khoa học của Việt Nam cần phải đáp ứng những tiêu chí gì?

Các cơ sở dữ liệu như Web of Science hay Scopus đều đề ra những tiêu chí khá cụ thể, tập trung vào 4 điểm: Thứ nhất phải xuất bản bằng tiếng Anh (hoặc bằng những tiếng quốc tế khác); Thứ hai, phải có ban biên tập uy tín; Thứ ba phải ra đều đặn đúng hạn; Thứ 4 là chỉ số trích dẫn cao. Thông thường họ chờ 1, 2 năm để xét cá ctạp chí có đạt được các tiêu chí trên hay không trước khi quyết định để đưa vào danh mục dữ liệu của mình.

Ba tiêu chuẩn đầu là những tiêu chuẩn mang tính kỹ thuật. Tiêu chuẩn cuối cùng là cái khó đạt nhất ở Việt Nam.

Vậy theo ông, cần phải làm những gì để đảm bảo được chất lượng tạp chí?

Theo kinh nghiệm hàng chục năm tham gia biên tập tạp chí Acta Mathematica Vietnamica, tôi thấy quan trọng nhất là phải chọn được tổng biên tập là một nhà khoa học có uy tín và kiên quyết. Theo cách nói của Viện Toán, người đó phải là người không biết sợ ai cả. Nếu bài gửi đến không được phản biện đồng ý nhận đăng, thì dù tác giả có là của chuyên gia đầu ngành, hay người quen thì tổng biên tập cũng phải từ chối. Có những người rất giỏi nhưng lại rất dễ dàng cho qua những chuyện như vậy. Vì vậy phải chọn người không biết sợ mới giữ được chất lượng tạp chí.

Bên cạnh đó thì tạp chí phải có hệ thống phản biện vừa có chuyên môn tốt,lại vừa nghiêm túc trong đánh giá, xem xét. Cũng như ông tổng biên tập, họ cũng phải là những người không biết sợ vì ở nước mình, người ta thường đoán hay dò hỏi được ai là người phản biện. Khi mới về nước ít lâu, tôi được phân công làm phản biện một bài báo của một cây đa cây đề trong làng toán Việt Nam. Đề tài nghiên cứu của bài báo rất cũ và phương pháp không có gì mới nên tôi đề nghị không nhận đăng. Có lẽ vì vậy mà GS Hoàng Tụy đánh giá tôi là người không biết sợ và cử tôi làm tổng biên tập thay ông năm 1991.

Phải chăng tổng biên tập và làm phản biện cho tạp chí chuyên ngành là công việc luôn phải chịu nhiều áp lực?

Áp lực chứ! Chúng ta phải hiểu là người Việt Nam coi cái danh quan trọng lắm. Nhiều người coi việc không được nhận đăng là mất hết uy tín. Tôi biết một số người còn thù mình vì bài của họ không được nhận đăng. Thực ra, mọi người phải coi đó là chuyện bình thường. Thỉnh thoảng ai cũng có lúc sai và ngay cả phản biện cũng có thể nhận xét không đúng. Tôi đã nhiều lần bị tác giả mắng rằng họ là chuyên gia đầu ngành ở Việt Nam, còn ai có thể biết về chất lượng bài báo của họ hơn họ được mà dám nhận xét không tốt. Cũng có bài báo không được nhận đăng nhưng lại đăng được ở nước ngoài và tác giả công khai phê phán mình. Nhưng mình cũng phải coi chuyện đó là tai nạn nghề nghiệp.

Nhưng với các tạp chí ở giai đoạn đầu xây dựng thì việc đảm bảo chất lượng là điều rất khó?

Tất nhiên các tạp chí trong thời kỳ đầu muốn làm được điều này cũng khó vì đầu vào thấp và không thể loại hết các bài gửi đến theo chuẩn cao nhất được. Tuy nhiên mình phải luôn luôn nghĩ đến việc đẩy chất lượng tạp chí lên dần dần. Nhìn chung chất lượng của tạp chí ngành nào phụ thuộc rất nhiều vào cộng đồng các nhà khoa học của ngành đó. Ngành nào nghiên cứu yếu thì tạp chí ngành đó không thể đạt chuẩn quốc tế được.

Vậy Acta Mathematica Vietnamica vào thời kỳ đầu cũng gặp nhiều khó khăn, vất vả trong việc đảm bảo chất lượng?

Những năm đầu quả thật vất vả. Ngoài chất lượng chuyên môn thì tiếng Anh là cả một vấn đề. Thậm chí phần lớn thời gian của ban biên tập là chữa tiếng Anh các bài gửi nhận đăng cho chuẩn hơn. Hồ sơ của Acta còn lưu những bản thảo được chữa đỏ rực, gần như là phải viết lại tiếng Anh luôn. Bên cạnh đó, mỗi lần in là một lần lo chuyện thuê người đánh máy, lo chọn mua giấy bìa, lo chất lượng in ấn và đóng quyển. Phải kiểm tra gần như từng quyển một. Hầu như số nào cũng có vấn đề.

Tạp chí Acta Mathematica Vietnamica may mắn có các GS Lê Văn Thiêm và Hoàng Tụy từng là tổng biên tập. Họ đều rất nghiêm khắc về chuyên môn, đặc biệt là GS Hoàng Tụy. Công việc của những người đi sau là giữ được nếp làm việc đó.
 

Tạp chí Acta Mathematica Vietnamica online.


Khi chưa thực sự có uy tín như hiện nay thì làm như thế nào mà Acta Mathematica Vietnamica có được bài chất lượng tốt?

Để có được bài tốt, thì tạp chí phải vận động, những người nghiên cứu nghiêm túc viết bài, hay nhờ các nhà toán học đầu ngành vận động hộ. Nhờ quan hệ quốc tế tốt nên Acta Mathematica Vietnamica ngay từ đầu đã có bài của những người rất nổi tiếng, chẳng hạn như của ông Hironaka (Nhật Bản) được giải Field năm 1970 ngay từ năm 1977. Vì thế mà bên ngoài người ta cũng biết đến tạp chí và gửi bài đăng.
Trên đây ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống phản biện. Vậy kinh nghiệm của Acta Mathematica Vietnamica trong việc tìm phản biện giỏi là gì?

Mời phản biện luôn là công việc khó vì làm phản biện không được hưởng lương, không có gì lệnh gì bắt họ phải làm cho mình trong khi làm nhận xét rất mất công, phải đọc bài, có khi cả tháng mới hiểu hết được. Công việc vất vả, nên người ta thường từ chối.

Kinh nghiệm của Acta Mathematica Vietnamica là chỉ nên mời những người thực sự có trách nhiệm. Với phản biện nước ngoài thì cần phải quen biết, từ trước rồi. Khi biết là họ thực sự có thể giúp mình, mình phải viết thư thống thiết mời họ tham gia ban biên tập hay làm phản biện.

Tổng biên tập phải giữ vai trò “điều phối” mời phản biện. Sau một thời gian, nếu nhận thấy có những phản biện dễ tính, cho qua cả những bài chưa đạt yêu cầu thì dù họ có là chuyên gia đầu ngành mình thì mình cũng không mời nữa và tìm người thay thế.

Có nhất thiết phải có phản biện quốc tế để nâng cao chất lượng bài được duyệt đăng?
Tôi phản đối việc bắt buộc phải mời phản biện quốc tế vì thực tế là nhiều khi không thể nào lấy được phản biện quốc tế. Mà mình phải tin vào phản biện trong nước chứ, có thể lĩnh vực bài gửi không gần với hướng nghiên cứu của phản biện nhưng nếu là người có trình độ và trách nhiệm thì họ vẫn có thể đánh giá được bài tốt hay không tốt. Thực ra, nhiều lĩnh vực, có chuyên gia trong nước có trình độ và nghiêm túc. Tại sao mình không tham khảo ý kiến của họ và coi đó là đủ.
Cơ chế quản lý và đầu tư theo lộ trình cho các tạp chí muốn phấn đấu lên tạp chí quốc tế

Trở thành tạp chí quốc tế hiện là mục tiêu của nhiều tạp chí Việt Nam. Ông nhận xét thế nào về xu hướng này?

Về cơ bản, một nền khoa học nên có các tạp chí để phục vụ cho nền khoa học của mình. Các tạp chí của chúng ta phải phấn đấu theo các chuẩn mực quốc tế để khẳng định trình độ phát triển của nền khoa học Việt Nam. Khoa học chúng ta không thể một mình một sân chơi. Các công trình công bố trong nước phải có giá trị khoa học toàn cầu.

Có nên tập trung đầu tư cho các ngành để xây dựng tạp chí quốc tế hay không?
Tôi nghĩ không nên như thế, không thể đầu tư duy ý chí nếu ngành đó còn yếu. Mình phải phấn đấu, từng bước, nâng cao mọi mặt chất lượng tạp chí của mình. Các cơ quan chủ quản cần phải có một lộ trình đầu tư theo từng giai đoạn với các tiêu chí cụ thể. Tạp chí đạt chuẩn sẽ được hỗ trợ cao hơn. Điều này sẽ tạo ra cái đích để các tạp chí phấn đấu. Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đang thực hiện theo phương thức này, trong đó tập trung vào 3 tạp chí đã vào danh mục ISI, Scopus với mức hỗ trợ khá cao. Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh là tiền không thể giúp cho một tạp chí mang tầm quốc tế. Nó chỉ giúp giải quyết các vấn đề mang tính kỹ thuật hay mở rộng mối quan hệ quốc tế.

Vậy việc phấn đấu lên tạp chí quốc tế phụ thuộc vào điều gì?

Quan trọng nhất vẫn là chất lượng chuyên môn của các công bố trong tạp chí. Ban biên tập phải có những chuyên gia hàng đầu thế giới tham gia để nâng cao hình ảnh của tạp chí và cũng để thu hút bài gửi đăng từ nước ngoài. Ngoài ra chúng ta phải vận động các chuyên gia trong nước và nước ngoài gửi đăng bài. Một kinh nghiệm hay của Acta Mathematica Vietnamica là vận động các đại biểu quốc tế đến Việt Nam tham dự hội nghị viết bài cho một số báo chuyên đề về chủ đề của hội nghị. Những số chuyên đề này thường có chỉ số trích dẫn cao hơn những số khác vì những bài báo của các đại biểu thường mang tính tổng quan và tính thời sự cao.
Nếu tạp chí đã có uy tín nhất định thì có thể tìm cách hợp tác với một nhà xuất bản quốc tế để họ cho mình vào danh mục tạp chí của họ. Các nhà xuất bản quốc tế bây giờ có nhu cầu mở rộng danh mục tạp chí của mình để bán được các gói ấn phẩm trên mạng. Ví dụ như hai tạp chí Acta Mathematica Vietnamica và Vietnam Journal of Mathematics đều hợp tác xuất bản với nhà xuất bản Springer là một trong những nhà xuất bản khoa học hàng đầu thế giới. Họ phụ trách toàn bộ việc đánh máy, in ấn và phát hành ở nước ngoài. Hai tạp chí chỉ phải lo phần chuyên môn và được hưởng một phần lợi nhuận bán tạp chí. Việc hợp tác này thực sự góp phần nâng cao chất lượng tạp chí vì số bài báo gửi đăng tăng vọt và tạp chí có thể chọn được các bài có chất lượng chuyên môn cao hơn so với trước.

Kinh nghiệm ngành toán cho thấy các tác giả trong nước thường có công bố chất lượng chuyên môn cao hơn phần lớn các tác giả nước ngoài và được trích dẫn nhiều hơn. Vì vậy, chúng ta cần có những chính sách khuyến khích các tác giả trong nước gửi đăng các công trình tốt ở các tạp chí quốc gia.

Hiện nay Quỹ Nafosted cũng mong muốn nâng cao chất lượng của các tạp chí trong nước bằng việc yêu cầu mỗi đề tài do Quỹ tài trợ phải có một công trình công bố trong các tạp chí trong nước.

Mục tiêu của Quỹ thì hay nhưng cách thực hiện rất dở vì nó không giới hạn vào các tạp chí đầu ngành. Có nhiều ngành cho phép các đề tài có thể công bố trong tất cả các tạp chí trong nước kể cả của các trường nhỏ ở các địa phương. Điều này có nghĩa là bài kiểu gì cũng đăng được, không cần chất lượng chuyên môn, biến quy định của Quỹ thành một tiêu chuẩn khôi hài, không giúp ích gì cho việc nâng cao chất lượng tạp chí trong nước. Đúng ra thì Quỹ cần quy định rõ mỗi ngành chỉ được nghiệm thu các công bố trong 2-3 tạp chí đầu ngành. Các tạp chí này sẽ nhận được nhiều bài và họ sẽ chọn những bài có chất lượng để đăng. Điều này sẽ bắt buộc các đề tài phải gửi đăng các công trình nghiêm túc và qua đó nâng cao chất lượng các tạp chí đầu ngành.

Có còn biện pháp nào để góp phần nâng cao chất lượng tạp chí nữa không?
Tương tự như vậy, việc tính điểm công trình khi xét GS/PGS cũng chỉ nên hạn chế trong rất ít tạp chí quốc gia. Mỗi ngành cũng chỉ nên có vài tạp chí đại diện thôi để công trình được tính điểm có giá trị thực sự và cũng là để bài tốt cho các tạp chí quốc gia. Nếu tiếp tục các quy định như bây thì sẽ không giúp ích gì cho việc nâng cao chất lượng các tạp chí trong nước, đồng thời góp phần hình thành những tạp chí rác không ai đọc cả. Nguy hiểm hơn là các quy định này sẽ tạo ra thói quen nghiên cứu không nghiêm túc cho toàn bộ nền khoa học Việt Nam. Có một điều là nếu mình dễ dãi, chạy theo hình thức thì mình cũng sẽ làm hại tương lai chính ngành mình luôn.
Xin cảm ơn ông!

 

Nguồn: Tạp chí Tia sáng (Ấn phẩm Báo Khoa học và Phát triển)

Lượt xem: 3824

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)