Thứ sáu, 08/06/2018 16:15 GMT+7

Hội nghị quốc tế về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân

Tiếp theo các hội nghị về phát triển nguồn nhân lực năm 2010 và 2014, hội nghị quốc tế lần thứ ba về phát triển nguồn nhân lực cho chương trình điện hạt nhân với chủ đề Đáp ứng các thách thức để đảm bảo nguồn nhân lực hạt nhân trong tương lai đã được tổ chức từ ngày 28 - 31/5/2018 tại Gyeongju, Hàn Quốc. Hội nghị do IAEA, KHNP và KEPCO đồng tổ chức.

Đội ngũ các nhân viên có tay nghề cao là nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngành năng lượng hạt nhân - cả ở các nước đã và đang vận hành các cơ sở hạt nhân, cũng như những nước mới bắt đầu với chương trình phát triển điện hạt nhân. Các cơ quan vận hành nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng nghiên cứu, các cơ sở quản lý chất thải phóng xạ và chu trình nhiên liệu đang tìm kiếm các khả năng kéo dài thời gian hoạt động của các cơ sở khi nhiều nhà máy sắp tới thời điểm ngừng hoạt động trong khi một số quốc gia đang bắt đầu chương trình điện hạt nhân. Do đó, nhu cầu phát triển nguồn nhân lực luôn luôn là vấn đề then chốt trong ngành công nghiệp hạt nhân.

Tiếp theo các hội nghị về phát triển nguồn nhân lực năm 2010 và 2014, hội nghị quốc tế lần thứ ba về phát triển nguồn nhân lực cho chương trình điện hạt nhân với chủ đề Đáp ứng các thách thức để đảm bảo nguồn nhân lực hạt nhân trong tương lai đã được tổ chức từ ngày 28 - 31/5/2018 tại Gyeongju, Hàn Quốc. Hội nghị do IAEA, KHNP và KEPCO đồng tổ chức.

 

 

Hội nghị đã xem xét tình hình toàn cầu trong phát triển nguồn nhân lực kể từ hội nghị năm 2014 về chủ đề này; cung cấp diễn đàn trao đổi thông tin về các chính sách và thực tế tại các quốc gia và các vấn đề hợp tác quốc tế; thảo luận tầm quan trọng của việc xây dựng năng lực trong đảm bảo an toàn và an ninh hạt nhân, đưa ra các giải pháp thiết thực có thể sử dụng ở cấp tổ chức, quốc gia và quốc tế để phát triển và duy trì nguồn nhân lực cần thiết hỗ trợ chương trình điện hạt nhân ở các quốc gia thành viên một cách an toàn và bền vững.

Hội nghị có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng năng lực, phát triển nguồn nhân lực, lập kế hoạch nhân lực, giáo dục và đào tạo, quản lý tri thức cho chương trình điện hạt nhân với khoảng 600 đại biểu đến từ 58 quốc gia và 6 tổ chức quốc tế nhằm xem xét tình hình toàn cầu trong phát triển nguồn nhân lực và thảo luận về tương lai của thị trường lao động trong ngành công nghiệp hạt nhân.

Các phiên họp tại hội nghị bao gồm bốn chủ đề chính:
• Thu hút, tuyển dụng và duy trì lực lượng lao động hạt nhân chất lượng cao;
• Phát triển các cá nhân và nhóm trong các tổ chức;
• Giáo dục, đào tạo và nâng cao trình độ của lực lượng lao động hạt nhân; và
• Văn hóa tổ chức và tác động của nó đối với lực lượng lao động.

Các chủ đề này được thảo luận tại các tiểu ban Vận hành (Operator Perspective), tiểu ban Pháp quy (Regulator Perspective) và báo cáo dưới dạng tương tác (Interative presentation). Báo cáo tương tác của VINATOM trình bày hiện trạng và một số hoạt động liên quan đến duy trì nguồn nhân lực của Viện dựa trên một số kết quả của các đề tài cấp Bộ và cấp cơ sở năm 2017 được thực hiện tại Trung tâm Đào tạo hạt nhân.

Bên cạnh hội nghị còn diễn ra các sự kiện bên lề như Triển lãm về HRD với sự tham gia của các công ty như KHNP, KEPCO, KAERI, KINGS (Hàn Quốc), Rosatom (LB Nga), INSTN (Pháp), EPRI (Hoa Kỳ). Giới thiệu công nghệ APR1400 của Hàn Quốc và phát triển nguồn nhân lực của Pháp. Đặc biệt, nét độc đáo của hội nghị lần này là cuộc thi sinh viên quốc tế nhằm thúc đẩy sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với khoa học và công nghệ hạt nhân. IAEA đã tổ chức một cuộc thi quốc tế cho học sinh trung học và nhận được 188 bài dự thi từ 31 quốc gia. Năm đội vào chung kết đến từ Hungary, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã trình bày dự án của họ tại hội nghị với phần thắng thuộc về Malaysia.

IAEA đã tích cực hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc phát triển nguồn nhân lực và lập kế hoạch nhân lực cho chương trình phát triển điện hạt nhân. Những hỗ trợ này nhằm vào các quốc gia hiện đang vận hành nhà máy điện hạt nhân và cho những nước mới bắt đầu chương trình điện hạt nhân. Nó hỗ trợ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia và khu vực cả về chương trình giáo dục và dạy nghề cần thiết để phát triển đầy đủ các năng lực liên quan đến năng lượng hạt nhân. Nhiều báo cáo đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Anh, Pháp cũng như UAE, Belarus hay Bangladesh được trình bày trong các phiên họp chung đã thể hiện những kinh nghiệm, yêu cầu và đòi hỏi về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân trong hiện tại và tương lai./.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 3284

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)