Thứ năm, 14/06/2018 18:05 GMT+7

Diễn đàn Blockchain 2018: “Xu hướng và tầm nhìn phát triển”

“Đây được xem là diễn đàn chính thức dành cho các cơ quan quản lý, nhà làm chính sách với mục tiêu kết nối trực tiếp các đơn vị phát triển ứng dụng Công nghệ Blockchain”, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định như trên khi phát biểu khai mạc Diễn đàn Blockchain 2018.

Toàn cảnh Diễn đàn Blockchain 2018.
 

Nhằm cung cấp cái nhìn toàn cảnh nhất về tình hình phát triển công nghệ Blockchain trên thế giới cũng như tại Việt Nam, Diễn đàn Blockchain 2018 do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo báo VnExpress tổ chức vào sáng ngày 14/6/2018 tại Hà Nội. Đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước; các chuyên gia đến từ nhiều nước như Anh, Malta, Singapore, Malaysia, Nhật Bản,… đã tham dự sự kiện. Diễn đàn cũng là dịp để các doanh nghiệp ứng dụng Blockchain ở trong và ngoài nước, các cơ quan quản lý nhà nước cùng trao đổi và tìm ra những cơ hội mà công nghệ Blockchain mang lại cũng như những thách thức mà công nghệ Blockchain đặt ra.

Blockchain có tác động lớn đến nền kinh tế

Blockchain được hiểu là “công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin, dữ liệu bằng các khối liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian”. Với đặc tính phi tập trung, minh bạch và độ bảo mật cao, Blockchain được đánh giá là công nghệ mang tính cách mạng, dẫn dắt sự thay đổi trong tương lai, ứng dụng được trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực như tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, viễn thông, y tế...

Phát triển mạnh trên thế giới trong thời gian qua, công nghệ Blockchain được nhắc đến liên tục từ nửa cuối năm 2017. Nhiều quốc gia như Singapore, Malta, Dubai đã có những động thái “cởi mở” trong ứng dụng Blockchain cũng như xây dựng các hành lang pháp lý đón đầu công nghệ mới này. Trong khi đó, Chính phủ nhiều nước khác tiếp cận công nghệ Blockchain với thái độ thận trọng. Trong bức tranh phát triển của công nghệ Blockchain trên thế giới, Việt Nam vẫn đang tiếp tục theo dõi, khuyến khích phát huy những ưu điểm của công nghệ này đồng thời nghiên cứu, đưa ra các chính sách điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn để hạn chế các rủi ro tiềm ẩn.

Trong vòng 4 tiếng (từ 8h00 đến 12h00), diễn đàn gồm 3 phiên thảo luận chính. Phiên thứ nhất với chủ đề “Xu hướng phát triển công nghệ Blockchain toàn cầu”, trong đó bàn về bối cảnh và tình hình phát triển chung của Blockchain trên khắp thế giới, cũng như cách mà Blockchain đang thay đổi thế giới từng ngày. Tiếp nối chủ đề của phiên thứ nhất, phiên thứ hai đi sâu phân tích tình hình phát triển công nghệ Blockchain tại Việt Nam, những cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp ứng dụng Blockchain. Tại phiên thứ ba, các diễn giả đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghệ Blockchain, trong đó nhấn mạnh vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Khoa học và Công nghệ.
 

Ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc.
 

Điểm lại các cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra trong lịch sử, ông Nguyễn Văn Bình trong bài phát biểu khai mạc đã nhấn mạnh: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất thế giới, thay đổi phương thức sản xuất và lực lượng sản xuất. Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang diễn biến rất nhanh, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới. Trong số các công nghệ chủ chốt của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Công nghệ Blockchain (hay còn gọi là Công nghệ Chuỗi khối) là một trong những công nghệ đột phá, được dự đoán sẽ là công nghệ dẫn dắt cách mạng công nghiệp 4.0 trong một vài thập kỷ tới.

Với tiềm năng lớn của công nghệ này, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang nhìn nhận một cách nghiêm túc, nghiên cứu ban hành các chủ trương, xây dựng các chính sách phù hợp cho sự phát triển đầy tiềm năng của công nghệ Blockchain. Ví dụ như chính phủ Thụy Điển, Honduras đã sử dụng công nghệ này để xử lý quyền sử dụng đất; Estonia sử dụng trong quản lý cơ sở dữ liệu của chính phủ; quốc đảo Isle of Man cũng đang thử nghiệm việc sử dụng blockchain trong việc đăng ký công ty; Dubai dự kiến áp dụng công nghệ này để vận hành bộ máy Chính phủ vào năm 2020…

Không nằm ngoài xu thế, Việt Nam cần theo dõi để đưa ra chính sách pháp luật nhằm hạn chế rủi ro tiềm ẩn. Sự kiện ngày hôm nay do Bộ Khoa học và Công nghệ và báo VnExpress tổ chức được đánh giá là “đúng thời điểm” với những thảo luận nghiêm túc, chia sẻ kinh nghiệm của chuyên gia quốc tế, ý kiến của doanh nghiệp. Diễn đàn được xem là sự kiện đầu tiên tại Việt Nam có sự tham gia của nhiều đối tác, đại diện các Chính phủ trong khu vực, các nhà sáng lập, tư vấn, và các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là diễn đàn cần thiết cho các nhà làm chính sách nhằm kết nối để thảo luận đưa ra những đề xuất kiến nghị liên quan đến Blockchain trong thời gian tới.
 

Các diễn giả tham gia thảo luận tại Diễn đàn.
 

Nối tiếp bài phát biểu, Trưởng ban Kinh tế Trung ương mong muốn các chuyên gia, nhà quản lý tham gia chương trình có thể cùng nhau chia sẻ về Blockchain, chỉ ra những ưu thế của công nghệ này đồng thời đưa ra những ý kiến để tận dụng tối đa những ưu thế của công nghệ này tại Việt Nam. Ông nhấn mạnh “Những ý kiến cởi mở trong diễn đàn này sẽ là cơ sở để Chính phủ, cơ quan nhà nước có thể đưa ra những chính sách kịp thời để phát triển công nghệ Blockchain” và hy vọng “diễn đàn Blockchain sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm để mọi người có thể tìm hiểu và phát triển công nghệ chuỗi khối”.

Bộ KH&CN sẽ triển khai nhiều hoạt động phát triển ứng dụng công nghệ Blockchain
 

Ông Chu Ngọc Anh - Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại Diễn đàn.
 

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Đây là một trong những diễn đàn đầu tiên tại Việt Nam về Blockchain và đã thu hút được sự quan tâm, tham gia nhiệt tình của nhiều thành phần, nhiều đối tác trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế của Việt Nam, trong đó bao gồm đại diện một số cơ quan quản lý của Việt Nam; đại diện Chính phủ một số quốc gia đã có các bước chuẩn bị và triển khai thành công công nghệ Blockchain trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; các nhà sáng lập các công ty tư vấn, ứng dụng công nghệ Blockchain quốc tế; các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có mong muốn tham gia vào lĩnh vực công nghệ Blockchain.

Đây cũng được xem là một trong những kênh chính thức dành cho các cơ quan quản lý, nhà làm chính sách với mục tiêu kết nối trực tiếp các đơn vị phát triển ứng dụng công nghệ Blockchain, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ với các cơ quan quản lý để cùng nhau thảo luận, đưa ra được những đề xuất, kiến nghị hoàn thiện khuôn khổ pháp lý dành cho công nghệ Blockchain, tiền điện tử, tài sản số trong thời gian tới.

Về phía Bộ KH&CN, trong thời gian sẽ triển khai các công việc có liên quan nhằm hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ Blockchain trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bao gồm:

Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổ chức nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển ứng dụng công nghệ Blockchain; nghiên cứu kinh nghiệm các nước, tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách, quy định pháp luật phù hợp để thúc đẩy, kiểm soát công nghệ Blockchain tại Việt Nam.

Hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ Blockchain thông qua các chương trình KH&CN cấp quốc gia, như Chương trình KH&CN về Chính phủ điện tử; Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia về CMCN lần thứ Tư mà hiện nay Bộ KH&CN đang hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thực hiện dự án có ứng dụng công nghệ Blockchain thông qua Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”./.
 

Theo Forbes, Việt Nam có thể trở thành trung tâm ứng dụng công nghệ Blockchain mới của khu vực và trên thế giới, là điểm đến của các nhà đầu tư công nghệ, đối tác phát triển Blockchain quốc tế dựa vào lượng giao dịch tiền thuật toán lớn, đội ngũ phát triển công nghệ Blockchain năng động. Vì vậy, một lộ trình thực hiện các giải pháp, kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để quản lý, khuyến khích công nghệ phát triển, ngăn ngừa các rủi ro là yêu cầu quan trọng. Tại Việt Nam hiện nay, một số ngành có tiềm năng cao ứng dụng công nghệ Blockchain là giao dịch tài chính- đầu tư, quản lý hồ sơ y tế, truy xuất nguồn gốc thực phẩm...

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 7440

TAGS : Blockchain
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)