Một trong những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến chất lượng cá tra giống là do chưa có sự hợp nhất giữa các nhà nuôi trồng và các hộ nuôi để thực hiện nghiên cứu, thử nghiệm và xây dựng một quy trình ương cá tra một cách hợp lý và hiệu quả. Đồng thời, cũng chưa có sự quan tâm đúng mức về các vấn đề trong việc cải tiến và xây dựng các giải pháp để kiểm soát môi trường, cải tiến dinh dưỡng và kiểm soát dịch bệnh, v.v.... Vì thế, việc ương cá tra gặp nhiều khó khăn vì bệnh thường xuyên xảy ra, các yếu tố thủy lý hóa môi trường nước ao nuôi luôn có biến động lớn và không ổn định, v.v... làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cá nuôi và có tỷ lệ sống thấp.
Đề tài "Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nâng cao tỷ lệ sống và chất lượng cá tra từ bột lên giống ở đồng bằng sông Cửu Long" với mục tiêu đưa ra được quy trình kỹ thuật ương cá tra giống chất lượng (không có bệnh nguy hiểm, tỷ lệ sống cao) là cần thiết do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II là cơ quan chủ trì cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Đinh Thị Thủy để thực hiện.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã mang lại những kết quả sau:
- Việc thực hiện các kỹ thuật ban đầu (cải tạo ao, lấy nước vào và xử lý nước) trước khi thả nuôi được đảm bảo thông qua kết quả đánh giá mật độ vi khuẩn tổng cộng trong nước ao; các giá trị dao động từ 19,8 - 20,3 x 103 CFU/ml, nằm trong ngưỡng phù hợp của nước nuôi thủy sản.
- Kết quả gây nuôi Moina đã tạo được mật độ Moina trong ao đạt cực đỉnh ở ngày thứ 03 (550 con/lít) rồi giảm dần đến ngày 12 và tỷ lệ thức ăn trong dạ dày cá dao động ở mức 40 - 70% trong 12 ngày đầu đã xác định cá nuôi được đáp ứng đủ về mặt chất lượng và số lượng của thức ăn Moina và các dạng thức ăn bổ sung khác trong giai đoạn nhạy cảm nhất của cá.
- Các điều kiện thủy lý hóa môi trường nước ao nuôi như nhiệt độ nước, pH, NH3-N, NO2-N, NO3-N, COD, độ kiềm nằm trong giới hạn thích hợp cho sự phát triển của cá và chúng được duy trì ở mức ổn định; việc cung cấp hệ thống thổi khí đã đáp ứng và giúp ổn định lượng oxy hòa tan trong nước ao nuôi, đặc biệt vào thời điểm sáng sớm.
- Giai đoạn ương từ bột lên hương 21 ngày, thực hiện hút bùn đáy ao 1 lần vào giữa giai đoạn; giai đoạn hương lên giống, định kỳ hút bùn đáy ao 2 tuần 1 lần.
- Chế độ cho ăn 5 lần/ngày đối với giai đoạn bột lên hương và 3 lần/ngày khi ương từ hương lên giống.
- Giải pháp phòng bệnh hiệu quả được đề cập nhằm tăng cường hệ miễn dịch cho cá bằng việc sử dụng chế phẩm vi sinh được lên men từ poly-beta-hydroxybutyrate và và sản phẩm được tạo thành từ sinh khối vi sinh vật hữu ích Bacillus subtilis, Lactobacillus acidophillus, bột ngũ cốc và đường glucose; đồng thời kiểm soát nền đáy, môi trường nước ao nuôi và tăng cường hệ vi sinh có lợi trong môi trường nước ao thông qua việc sử dụng sản phẩm được tạo thành từ sinh khối vi sinh vật hữu ích Bacillus subtilis, Nitrosomonas sp., Nitrobacter sp., Thiobacillusparus với giá thể mang là nền hữu cơ vi sinh.
- Sự phối hợp tốt trong quá trình thực hiện các giải pháp kỹ thuật cùng với các giải pháp phòng bệnh đã giúp hạn chế bệnh xảy ra ở cường độ cao. Tần xuất nhiễm ký sinh trùng Trichodina sp. dao động từ 11,9 - 16,7%. Bệnh xuất huyết do nhiễm khuẩn Aeromonas hydrophila dao động từ 9,5 - 23,8% ở giai đoạn bột lên hương và bệnh gan thận mủ do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri xảy ra trong giai đoạn từ hương lên giống với tần xuất từ 15,0 - 30,7%.
- Khi kiểm soát tốt các giải pháp kỹ thuật trong ương nuôi, kết quả ghi nhận không khác nhau về tần xuất nhiễm bệnh giữa các mật độ thả khác nhau, giữa các nguồn giống khác nhau; tuy nhiên, tần xuất nhiễm bệnh thấp hơn trong điều kiện có thổi khí so với không thổi khí.
- Tăng gấp đôi liều phòng bệnh của chế phẩm vi sinh được lên men từ poly-beta-hydroxybutyrate; xử lý môi trường nước ao nuôi bằng Polyvidone Iodine và sau đó phục hồi hệ vi sinh thông qua việc cung cấp các vi sinh vật hữu hiệu như Bacillus subtilis, Lactobacillus acidophillus, Aspergillus oryzae, Saccharomyces cerevisae và các enzyme Amylaza, Xellulaza, Proteaza là giải pháp trị bệnh hữu hiệu nhất khi cá nhiễm bệnh.
- Khi nuôi với mật độ thả cá tra bột từ 500 - 750 con/m2 có tỷ lệ sống cao hơn (25,62 - 36,04%) khi thả ở mật độ 900 con/m2 (14,68%); mật độ thả cá tra hương từ 150 - 200 con/m2 có tỷ lệ sống cao hơn (89,68 - 95,16%) khi thả ở mật độ 250 con/m2 (83,31 - 87,08%).
- Khi thả nuôi với nguồn cá tra bột và hương có chọn giống, có tỷ lệ sống cao hơn (bột lên hương: 43,38%, hương lên giống: 87,08 - 95,16%) khi thả nuôi với nguồn cá thả không chọn giống (bột lên hương: 30,93%, hương lên giống: 83,31 - 91,07%).
- Chiều dài cá khi thả là 4,5 - 5,0 mm (cỡ 1000 - 1050 con/ml) và đạt từ 38 - 42 mm sau 21 ngày nuôi (cỡ 750 - 900 con/kg); và tiếp tục phát triển có chiều dài từ 140 - 150 mm, trọng lượng đạt 25 - 28 g/con sau 90 ngày nuôi.
- Trong 2 tháng đầu, cá tăng trưởng nhanh về chiều dài hơn khối lượng và ở giai đoạn sau đó, cá tăng trưởng nhanh về khối lượng hơn chiều dài.
- Nghiên cứu đã xây dựng hoàn thiện quy trình ương cá tra từ bột lên giống chất lượng cao và quy trình này trải qua 02 giai đoạn, giai đoạn từ bột lên hương 21 ngày và giai đoạn từ hương lên giống 70 ngày. Quy trình này đã được áp dụng ở quy mô sản xuất và có tỷ lệ sống trung bình đạt 51,1 % với FCR là 0,18 (giai đoạn từ bột lên hương) và 97,5% với FCR là 1,0 (giai đoạn từ hương lên giống).
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13740/2017) tại Cục Thông tin KH&CN QG.