Thứ sáu, 20/07/2018 09:40 GMT+7

Thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc về an toàn hạt nhân

Từ ngày 11-13/7/2018, Đoàn cán bộ Việt Nam do PGS.TS. Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) làm Trưởng đoàn đã thăm và làm việc chính thức với Cục Quản lý an toàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc (NNSA) về pháp quy an toàn hạt nhân, quan trắc phóng xạ môi trường và ứng phó sự cố. Đây là hoạt động hợp tác song phương chính thức đầu tiên kể từ khi hai Bên ký Bản Ghi nhớ hợp tác (MOU) về quản lý pháp quy an toàn hạt nhân dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình vào ngày 12/11/2017 tại Hà Nội.

Tiếp Đoàn cán bộ của Việt Nam, TS. Liu Hua, Thứ trưởng Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, Cục trưởng NNSA vui mừng chào đón Đoàn đến thăm và làm việc với NNSA. Thứ trưởng Liu Hua cho biết kể từ cuộc gặp song phương của ông với TS. Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (KH&CN) bên lề Hội nghị quốc tế ASEM lần thứ 5 về An toàn hạt nhân tại Bắc Kinh vào cuối tháng 3/2018, chuyến thăm và làm việc của Đoàn Việt Nam lần này là cơ hội tốt để hai Bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau và trao đổi, thảo luận các hoạt động hợp tác cụ thể trong lĩnh vực an toàn hạt nhân.
 

Thứ trưởng Liu Hua tiếp Đoàn cán bộ Việt Nam.
 

Ông cũng cho biết thêm, Trung Quốc vừa cơ cấu lại cơ quan quản lý an toàn hạt nhân, thuộc Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, chịu trách nhiệm về an toàn hạt nhân và bảo vệ môi trường. Thứ trưởng Liu Hua khẳng định sẵn sàng hợp tác cởi mở với Việt Nam trong lĩnh vực an toàn hạt nhân theo MOU đã ký kết, cụ thể: sẵn sàng chia sẻ kịp thời thông tin về các sự cố hạt nhân xảy ra trên lãnh thổ Trung Quốc; tiếp đón các đoàn cấp cao cũng như các đoàn cán bộ kỹ thuật sang thăm nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) của Trung Quốc; cung cấp cơ hội đào tạo về đánh giá an toàn hạt nhân đối với các nhà máy ĐHN sử dụng công nghệ HPR-1000 của Trung Quốc; trao đổi các đoàn thanh tra viên và tổ chức đào tạo tại chỗ cho cán bộ thanh tra pháp quy của Việt Nam; mời các cán bộ Việt Nam sang chứng kiến hoạt động khởi động nhà máy ĐHN của Trung Quốc; chia sẻ dữ liệu và công nghệ phân tích mẫu môi trường. Ông cũng cho biết hiện Trung Quốc đã xây dựng trên 1400 trạm quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường trên cả nước và dự kiến sẽ xây dựng một số trạm quan trắc ngay sát biên giới Việt Nam. Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng các trạm quan trắc cảnh báo độc lập gần biên giới hai nước để có thể so sánh, chia sẻ kết quả quan trắc giữa hai Bên.

PGS. TS. Nguyễn Tuấn Khải cảm ơn Thứ trưởng Liu Hua đã bố trí thời gian tiếp đón và làm việc với Đoàn cũng như đưa ra các định hướng hợp tác cụ thể giữa hai Bên. Ông tin tưởng rằng cuộc họp lần này là khởi đầu tốt đẹp cho hoạt động hợp tác lâu dài giữa hai Bên trong lĩnh vực an toàn hạt nhân. Đoàn Việt Nam rất vui mừng được NNSA chia sẻ về bài học thành công trong việc phát triển ĐHN và tiến trình vươn lên trở thành nhà xuất khẩu ĐHN của Trung Quốc. Ông hy vọng bài học thành công của Trung Quốc là động lực cho Việt Nam trong việc nghiên cứu đưa ĐHN vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và góp phần bảo vệ môi trường. Ông tin tưởng với tốc độ phát triển như hiện nay, Trung Quốc sẽ sớm trở thành cường quốc xuất khẩu ĐHN, làm chủ công nghệ ĐHN tiên tiến trên thế giới và hy vọng quan hệ hợp tác của hai nước trong lĩnh vực an toàn hạt nhân sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ.

Tại cuộc họp song phương, NNSA đã giới thiệu cho Đoàn về hệ thống pháp quy đảm bảo an toàn hạt nhân của Trung Quốc, năng lực kỹ thuật đánh giá, thẩm định an toàn, kinh nghiệm thực tế về ứng phó sự cố, quan trắc phóng xạ môi trường cũng như thanh tra an toàn các nhà máy ĐHN. Đoàn Việt Nam cũng đã giới thiệu về hệ thống quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn bức xạ và hạt nhân, năng lực kỹ thuật của Việt Nam và đề xuất một số hoạt động hợp tác cụ thể sẽ triển khai trong thời gian tới, tập trung vào 4 nội dung: (1) Hợp tác nghiên cứu về an toàn hạt nhân và công nghệ ĐHN trong đó nhấn mạnh đến công nghệ của nhà máy ĐHN thế hệ 3 đầu tiên của Trung Quốc là HPR-1000, chia sẻ kinh nghiệm của Trung Quốc trong vận hành an toàn các nhà máy ĐHN; (2) xây dựng cơ chế trao đổi thông tin về số liệu quan trắc phóng xạ từ cả thiết bị đo trực tuyến và phân tích mẫu môi trường, hợp tác nghiên cứu về mô hình tính toán phát tán phóng xạ từ các sự cố bức xạ và hạt nhân; (3) chia sẻ kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc xây dựng năng lực ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, tổ chức diễn tập ứng phó sự cố và hỗ trợ Việt Nam đào tạo và xây dựng năng lực kỹ thuật trong lĩnh vực này; (4) Xem xét cung cấp các học bổng đào tạo dài hạn và ngắn hạn cho cán bộ trẻ của Việt Nam ở cả hai lĩnh vực nghiên cứu và quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân.
 

Đoàn Việt Nam thăm quan trạm quan trắc cảnh báo phóng xạ tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.


Cũng nhân dịp này, Đoàn Việt Nam đã thăm và làm việc với Trung tâm Ứng phó sự cố và An toàn hạt nhân (NSC) của NNSA và thăm trạm quan trắc cảnh báo phóng xạ của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Đặc biệt, Đoàn đã được bố trí thăm quan và làm việc tại Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc mời 01 Đoàn cán bộ Việt Nam thăm quan nhà máy ĐHN đang được xây dựng và vận hành ngay sát biên giới Việt Nam – cách cửa khẩu Móng Cái khoảng 50 km.
 

Đoàn Việt Nam thăm quan Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành.
 

Hiện Trung Quốc có tất cả 56 tổ máy ĐHN, trong đó 43 tổ máy đang hoạt động và 13 tổ máy đang xây dựng (tính đến ngày 9/7/2018). Dự kiến đến năm 2020, số tổ máy của Trung Quốc sẽ là 90 – đứng thứ 2 thế giới về số lượng nhà máy ĐHN, đứng đầu thế giới về số lượng nhà máy ĐHN đang xây dựng. Trung Quốc đã tập trung hoàn thiện khung pháp luật và pháp quy chặt chẽ đảm bảo an toàn hạt nhân cho các nhà máy ĐHN sau sự cố Fukushima 2011. Chính phủ Trung Quốc quyết định phát triển xuất khẩu ĐHN sử dụng công nghệ có tiêu chuẩn an toàn cao nhất. Phần lớn các tổ máy ĐHN của Trung Quốc sử dụng công nghệ thế hệ 3. NNSA cho biết với việc sử dụng công nghệ và tiêu chuẩn an toàn caotheo hướng dẫn quốc tế, đến nay Trung Quốc chưa có sự cố nào vượt quá mức II theo phân cấp sự cố của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)./.

Nguồn: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân

Lượt xem: 2898

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)