Thứ ba, 31/07/2018 17:04 GMT+7

Bàn giải pháp phát triển, sản xuất sâm tại Việt Nam

Kể từ năm 1973, sau khi được phát hiện đầu tiên tại vùng núi Ngọc Linh, sâm Việt Nam đã được ghi nhận là một trong những loài sâm quý của thế giới, có tiềm năng và giá trị kinh tế lớn, đặc biệt, hàm lượng saponin rất cao, có thể đến 20%, cao hơn nhiều so với nhân sâm và các loài khác. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để bảo vệ sự đa dạng của các loài sâm cần có các biện pháp để bảo tồn nguồn gen, triển khai các nghiên cứu khoa học, phát triển kỹ thuật trồng trọt, đặc biệt cần có sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ.

Toàn cảnh Hội thảo.
 

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc tế “Trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển sản phẩm hàng hóa từ sâm” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức ngày 30/7, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Văn Tùng. Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia về sâm đến từ Hàn Quốc, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ, lãnh đạo các địa phương trồng sâm, các nhà khoa học và doanh nghiệp,…

Tiềm năng và giá trị kinh tế lớn

Với điều kiện địa hình đa dạng và thảm thực vật phong phú, Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia đa dạng sinh học vào loại phong phú của thế giới với nhiều loài dược liệu quý. Kể từ năm 1973, sau khi được phát hiện đầu tiên tại vùng núi Ngọc Linh, thuộc Gia Lai – Kontum (cũ), sâm Việt Nam đã được ghi nhận là một trong những loài sâm quý của thế giới, góp phần vào việc cải thiện, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội trong kháng chiến và người dân Việt Nam sau hòa bình.
 

GS.TS Nguyễn Minh Đức, Đại học Tôn Đức Thắng trình bày tham luận tại Hội thảo.
 

Theo GS.TS. Nguyễn Minh Đức, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, sâm Việt Nam, còn gọi là Sâm Ngọc Linh, tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv., họ Nhân sâm (Araliaceae), là một loài Panax mới của thế giới. Đây là một vị thuốc giấu của người dân tộc Sê-đăng sống trên dãy Trường Sơn, được dùng để tăng sức lực và chữa nhiều bệnh tật. “Mặc dù vừa gia nhập thị trường nhân sâm thế giới nhưng sâm Việt Nam đã được đánh giá là có tiềm năng và giá trị lớn. Sâm Việt Nam có thành phần hóa học giống nhân sâm, nhưng lại có hàm lượng saponin rất cao, với sâm trồng 6 tuổi khoảng 20%, cao hơn nhiều so với nhân sâm và các loại khác”, GS. Nguyễn Minh Đức cho biết.

Hiện nay, đã có 27 công bố quốc tế về sâm Việt Nam trên các tạp chí quốc tế. Các nghiên cứu đã chứng minh thành phần hóa học của sâm Việt Nam rất đặc sắc. Ngoài việc có hàm lượng saponin rất cao, sâm Việt Nam còn chứa một tỷ lệ cao các saponin có cấu trúc occotillol không có trong nhân sâm, trong đó saponin chủ yếu là majonosid-R2 có hàm lượng rất cao, có thể chiếm gần ½ hàm lượng saponin toàn phần.  

Theo các nghiên cứu, về mặt dược lý, sâm Việt Nam có nhiều tác dụng tương tự nhân sâm như tăng lực, kích thích thần kinh trung ương, bảo vệ gan, hoạt tính androgen, kích thích miễn dịch, cải thiện trí nhớ, hạ đường huyết,… Majonosid-R2 cũng đã được chứng minh có tác động chống stress, chống trầm cảm, bảo vệ gan, chống oxi hóa và chống khối u. Các nghiên cứu về sâm Việt Nam chế biến cho thấy khi hấp ở nhiệt độ 105oC – 120oC, thành phần saponin của sâm Việt Nam biến đổi, tương tự như khi chế biến hồng sâm và tạo ra những hợp chất saponin mới với số lượng tăng theo thời gian hấp. Quá trình chế biến với nhiệt làm tăng cường tính oxi hóa, tính ức chế tế bào ung thư phổi A549.

So sánh và đánh giá sâm Việt Nam so với sâm Hàn Quốc, GS.TS. Park Jeong Hill, Trường Đại học Dược - Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc cho rằng, sâm Hàn Quốc là một trong những loại dược liệu nổi tiếng nhất trên thế giới, là mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất trong hơn 1.500 năm qua ở Hàn Quốc. “So với sâm Hàn Quốc, sâm Việt Nam có lịch sử rất ngắn và chưa được nghiên cứu nhiều. Tuy nhiên, sâm Việt Nam có tiềm năng cao để trở thành sản phẩm tương tự như sâm Hàn Quốc ở Việt Nam do có hàm lượng saponin cao và có xuất xứ đặc hữu ở Việt Nam”, GS. Park Jeong Hill nhận định.

Cần đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ từ Chính phủ

Theo PGS.TS. Phan Kế Long, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, các loài trong chi Panax L. ở Việt Nam thường được ghi nhận ở những vùng núi có độ cao trên 1000m so với mực nước biển như Lai Châu, Lào Cai, Quảng Nam, Kon Tum, Lâm Đồng. Vì vậy, Panax có thể cũng được tìm thấy ở những vùng núi cao khác có điều kiện sinh thái phù hợp với sự sinh trường và phát triển của chúng. Trên cơ sở phân tích vùng gen ITS-rDNA của 31 mẫu thuộc chi Panax thu được ở vùng núi Phu xai lai leng thuộc Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An cho thấy, các mẫu này thuộc 3 nhóm: P. wangianus, P. notoginsengP. stipuleanatus. “Với kết quả này, chúng tôi xác định có thể tìm được nhiều hơn nữa các quần thể Panax ở Việt Nam trên những vùng núi cao. Điều này cho thấy sự đa dạng của chi Panax ở Việt Nam khá cao và cần có nhiều hợp tác trong và ngoài nước trong bảo tồn và khai thác các giá trị của những loài cây thuốc quý này”, ông Long nhấn mạnh. 

Theo các chuyên gia, việc trồng sâm Việt Nam đang được tiến hành. Tuy nhiên, do việc trồng chưa phát triển nhưng nhu cầu cao, nguồn cung cấp hạn chế nên giá sâm Việt Nam hiện nay rất cao, khoảng 80 – 100 triệu đồng/kg sâm tươi.
 

GS.TS Park Jeong Hill – Trường Đại học Dược – Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc trình bày tham luận tại Hội thảo.
 

Chia sẻ về những kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp sâm tại Hàn Quốc, GS.TS. Park Jeong Hill cho biết, sản lượng sâm Hàn Quốc hàng năm là 23.000 tấn, đem lại doanh thu 2 tỷ USD. Tổng diện tích canh tác là 15.000ha, năng suất thu hoạch 6 tấn/ha. Hiện Hàn Quốc có 21.000 nông trại, 4 chợ sâm, 7 viện nghiên cứu và 12 hợp tác xã (gồm cả của Chính phủ và tư nhân). Lượng sâm xuất khẩu năm 2017 đạt 6.415 tấn/160 triệu USD. Thu nhập trung bình mỗi hộ trồng sâm khoảng 40.000 USD/năm (số liệu năm 2017).

GS. Park Jeong Hill cho rằng, hiện sâm Việt Nam rất đa dạng và có nhiều thành phần nhưng chưa được trồng trọt một cách quy mô, kế hoạch và kỹ thuật trồng trọt chưa phát triển tốt. Ông cho rằng, để phát triển nền công nghiệp sâm ở Việt Nam, có 3 định hướng rất quan trọng. Đầu tiên, cần bảo tồn nguồn gen. “Cần thu thập các mẫu sâm để bảo tồn từng mẫu riêng biệt. Việc này rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ”, ông nhấn mạnh.

Thứ hai, cần có các nghiên cứu khoa học về sâm. GS. Park Jeong Hill cho biết, về nghiên cứu khoa học, hiện sâm Hàn Quốc có 3.774 các công bố quốc tế liên quan, sâm Việt Nam chỉ có 27, Tam thất (sâm Trung Quốc) có 856, sâm Mỹ có 781. “Với sự quyết tâm phát triển của Việt Nam, sự hỗ trợ từ Chính phủ và sự vào cuộc của khoa học, sâm Việt Nam trong 5 – 10 năm tới sẽ có khả năng vươn ra ngoài thế giới. Tuy nhiên, cần có nhiều hơn nữa các công trình nghiên cứu khoa học, nghiên cứu hóa học, hoạt tính sinh học và kiểm nghiệm chất lượng,… Đó là các bằng chứng khoa học về chất lượng và lợi ích của sâm Việt Nam, vừa để thế giới công nhận, vừa thu hút nhu cầu sử dụng.

Thứ ba, cần phát triển phương pháp trồng trọt chuẩn. Ông cũng chia sẻ thêm, cũng nên có những hiệp hội về sâm. Tại Hàn Quốc, Hội Korean đang nhận được chi viện lớn từ Chính phủ, các doanh nghiệp. Hội đã thực hiện nhiều nghiên cứu chuyên sâu, phát hành các tạp chí nghiên cứu về sâm, tổ chức Hội nghiên cứu về sâm 2 lần/năm. “Sự hợp tác giữa nhà khoa học và người dân dưới sự hỗ trợ của Chính phủ là rất cần thiết cho phát triển sâm ở Việt Nam”, ông nhấn mạnh.

Thời gian qua, với sự hỗ trợ của một số viện nghiên cứu tại Nga, Ba Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc,…, các nhà khoa học Việt Nam đã công bố nhiều nghiên cứu khoa học, từng bước khẳng định giá trị của sâm Việt Nam trên trường quốc tế. Đánh giá được hiệu quả của việc phát triển sâm Việt Nam không chỉ mang lại giá trị về kinh tế từ việc thương mại hóa các sản phẩm từ nguồn dược liệu quý, độc đáo này của Việt Nam mà còn góp phần không nhỏ cải thiện đời sống của đồng bào ở vùng núi khó khăn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương đã và đang trồng sâm.

Báo cáo về việc hoàn tất hệ gen lục lạp và 45S DNA gen nhân của Sâm Việt Nam và các loài có quan hệ gần gũi với nó, TS. Nguyễn Văn Bình, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN cho biết, nhóm nghiên cứu đã thiết lập 14 chỉ thị InDel và 18 chỉ thị SNP có thể sử dụng để phân biệt 7 loài Sâm, giúp bảo vệ ngành công nghiệp sâm, tránh việc giả mạo sản phẩm”.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng mong muốn, với sự hợp tác song phương, đa phương, sâm Việt Nam sẽ ngày càng phát triển.
 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, Bộ KH&CN thời gian qua đã chủ trì phối hợp với các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam để hướng đến phát triển sản phẩm sâm ở vùng này trở thành sản phẩm quốc gia. Trên cơ sở đề nghị của Bộ KH&CN, ngày 05/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 787/QĐ-TTg phê duyệt việc phát triển sản phẩm quốc gia Sâm Việt Nam, tiếp đó Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký Quyết định 3750/QĐ-BKHCN ngày 28/12/2017 về việc phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia Sâm Việt Nam. Đến nay, Đề án đã nhận được sự quan tâm, tham gia của nhiều địa phương như Quảng Nam, Kon Tum và các tổ chức, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế, đặc biệt của các doanh nghiêp gắn kết chặt chẽ với người dân địa phương.

Thứ trưởng cũng bày tỏ hy vọng, với sự hợp tác song phương, đa phương giữa các đơn vị trong nước và quốc tế, đặc biệt sự kết nối thông qua Hội thảo này sẽ tìm ra mô hình sản xuất phù hợp với cây sâm ở các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam theo hướng phát triển hàng hóa, có thương hiệu, trở thành một sản phẩm của các tỉnh trồng sâm nói riêng và cũng là sản phẩm của quốc gia, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng như có khả năng tham gia thị trường thế giới. Thứ trưởng cũng lưu ý, tất cả tiêu chuẩn, các vấn đề từ khâu giống, quá trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, vệ sinh an toàn thực phẩm,… đều phải tuân thủ các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 7839

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)