Thứ hai, 20/08/2018 10:15 GMT+7

Hội thảo quốc gia giới thiệu và chia sẻ thông tin, kết quả thực hiện đề tài cấp quốc gia: "Nghiên cứu, xây dựng cơ chế kết hợp giữa bảo tồn cảnh quan - đa dạng sinh học và không gian văn hóa tại Khu Dự trữ Sinh quyển Langbiang"

Ngày 17/8/2018, Ban Quản lý Khu Dự trữ Sinh quyển (DTSQ) Langbiang, Viện Sinh thái học Miền Nam, Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội thảo quốc gia giới thiệu và chia sẻ thông tin, kết quả thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia, mã số ĐTĐL.XH.11/15: "Nghiên cứu, xây dựng cơ chế kết hợp giữa bảo tồn cảnh quan - đa dạng sinh học và không gian văn hóa tại Khu Dự trữ Sinh quyển Langbiang".

Ông Nguyễn Văn Hương, Phó Trưởng ban Quản lý Khu DTSQ Langbiang khai mạc Hội thảo.
 

Tham dự Hội thảo có các đại diện Ban Quản lý Khu DTSQ Langbiang, Viện Sinh thái học Miền Nam (cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ), thành viên Tiểu ban Khoa học Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ và Đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam, Đại diện các Khu DTSQ tại Việt Nam, các ban ngành địa phương, các doanh nghiệp quan tâm cùng đông đảo các nhà khoa học.

Tại Hội thảo, TS. Vũ Ngọc Long - Chủ nhiệm Đề tài trình bày khái quát các nội dung về mục tiêu và kết quả của Đề tài. Mục tiêu chung của Đề tài là đề xuất cơ chế kết hợp hài hòa giữa cảnh quan đa dạng sinh học và không gian văn hóa của Khu DTSQ Langbiang, phục vụ phát triển bền vững. Sau gần 03 năm triển khai, dự án đã đạt được một số kết quả như xây dựng Mô hình dán nhãn “Khu DTSQ Langbiang” cho sản phẩm của cộng đồng, xây dựng Mô hình trồng thử nghiệm Đẳng sâm trong nhà kính đang cho kết quả tốt. Ngoài ra, Đề tài đã đưa ra các báo cáo đánh giá về các vấn đề liên quan đến việc bảo tồn cảnh quan - đa dạng sinh học và không gian văn hóa các tộc người tại Khu DTSQ Langbiang. Đặc biệt, Đề tài đã công bố được 04 bài báo trong đó có 02 bài báo đăng trên tạp chí thuộc danh mục SCI/E, 01 bài đăng trên tạp chí quốc tế (hội thảo) và 01 bài đăng trên tạp chí trong nước; đào tạo 01 thạc sỹ và góp phần đào tạo 01 nghiên cứu sinh.
 

       

Hình 1: Khảo nghiệm nhân giống Đẳng sâm bằng gieo hạt

 

              

Hình 2: Khảo nghiệm nhân giống Đẳng sâm bằng giâm hom.
 

      

Hình 3: Khảo nghiệm nhân giống Đẳng sâm bằng chẻ củ.
 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về cơ chế bảo tồn đa dạng sinh học và không gian văn hóa tại Khu DTSQ Langbiang. Đại diện địa phương đánh giá cao các kết quả nghiên cứu đạt được, khẳng định việc ứng dụng các kết quả của Đề tài sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và năng lực quản lý các khu DTSQ thế giới ở Việt Nam.

Nguồn: Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên

Lượt xem: 3604

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)