Thứ sáu, 07/09/2018 22:37 GMT+7

Đoàn chuyên gia Việt Nam tham dự Hội nghị khoa học quốc tế về tạo giống đột biến và công nghệ sinh học tại trụ sở IAEA, Viên, CH. Áo

Từ ngày 27-31/8/2018, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã phối hợp với Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) tổ chức Hội nghị khoa học quốc tế về tạo giống đột biến và công nghệ sinh học, tại trụ sở Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Viên, CH. Áo.

Mục đích của Hội nghị là đánh giá những thành tựu, tiến bộ mới, xu hướng và thách thức trong lĩnh vực tạo giống đột biến và thúc đẩy trao đổi thông tin rộng rãi trong cộng đồng khoa học, cũng như giữa cộng đồng khoa học và khu vực tư nhân.

Đoàn chuyên gia của Viện Di truyền Nông nghiệp, Việt Nam đã tham gia Hội nghị này. GS.TS. Lê Huy Hàm, Nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp đã báo cáo tại Hội nghị về tác động của đột biến tạo giống đối với an ninh lương thực ở Việt Nam. Báo cáo đã nhấn mạnh tính hiệu quả, kinh tế của phương pháp đột biến tạo giống và sự cần thiết kết hợp với các kỹ thuật sinh học phân tử hiện đại mang lại những lợi ích to lớn trong việc tăng sản lượng và chất lượng nông nghiệp cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.  

 

 

Hình ảnh tại Hội nghị khoa học quốc tế về tạo giống đột biến và công nghệ sinh học tại IAEA, Viên, Áo, 27-31/8/2018

 

Theo báo cáo của IAEA/FAO năm 2014 (IAEA/FAO, 2014), Việt Nam đã tạo ra được 78 giống cây trồng đột biến và đứng thứ 8 trên thế giới về thành tựu chọn giống đột biến. Ở Việt Nam, hơn 90% các giống đột biến được tạo ra nhờ việc sử dụng tia X và tia Gamma (Bộ KH&CN, 2016). Đã có rất nhiều các thành tựu chọn tạo giống lúa bằng phương pháp đột biến để tạo ra các giống lúa có năng suất, chất lượng như các giống lúa như DT10, DT11, A20, DT16, ĐV2, ĐB250, MT4, ĐCM1, DT39, DT37, BQ, NPT3, TQ14, Tám thơm đột biến, Khang Dân đột biến, P6 ĐB, ĐB5, Tài Nguyên ĐB, VN98-2, … tập trung chủ yếu tại các Viện như Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Cây lương thực và Thực phẩm, Viện KHKT Nông nghiệp Miền Nam, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long Học Viện Nông nghiệp Việt Nam và Viện Nghiên cứu hợp tác Khoa học kĩ thuật Châu Á Thái Bình Dương (IAP).

Nhờ tạo giống đột biến, hơn ba thập kỷ qua, Viện Di truyền Nông nghiệp, Việt Nam đã giới thiệu 46 giống lúa mới phù hợp với các vùng sản xuất khác nhau của đất nước. Với sự hỗ trợ của IAEA và FAO, nhiều nông dân trồng lúa của Việt Nam đã được ​​chứng kiến sản lượng lúa tăng trưởng, thời gian sinh trưởng ngắn hơn, cũng như khả năng tăng sức đề kháng với điều kiện thời tiết thất thường. Hơn 3 triệu nông dân Việt Nam đã được hưởng lợi từ việc áp dụng giống lúa đột biến DT10, có năng suất cao hơn 40% so với giống truyền thống.

Tạo giống đột biến là 1 trong 6 lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử quan trọng trong nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 775/QĐ-TTg ngày 02 tháng 06 năm 2010 ban hành Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp đến năm 2020. Thực hiện Nghị quyết của Phiên họp thứ tư Hội đồng phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia và nhiệm vụ do Lãnh đạo Bộ KH&CN giao, Cục Năng lượng nguyên tử chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia lần thứ 3 vào tháng 11/2018 tại Hà Nội về ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tạo giống đột biến là một trong những chủ đề được quan tâm tại Hội nghị./.

 

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử

Lượt xem: 3067

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)