Thứ sáu, 28/09/2018 11:00 GMT+7

Ngành Ngân hàng khẩn trương tìm giải pháp ứng phó với CMCN 4.0

Nghiên cứu tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đối với điều hành chính sách tiền tệ quốc gia; Nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát cho lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech), hướng tới đổi mới, sáng tạo, tạo thuận lợi cho sự phát triển của Fintech, ngân hàng có tại Việt Nam; Xây dựng Khung quản lý rủi ro an toàn thông tin trong hoạt động Ngân hàng là 3 nhiệm vụ mà Ngân hàng Nhà nước đề xuất đưa vào Nghị quyết của Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0.

Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Đoàn công tác đến làm việc tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 27/9/2018 về tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và trao đổi về các nội dung, nhiệm vụ dự kiến sẽ đề xuất đưa vào Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về 4.0. Đoàn Bộ KH&CN do ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, làm trưởng đoàn.
 

Toàn cảnh buổi làm việc

 

Triển khai các giải pháp ứng phó với CMCN 4.0

Báo cáo của ngành Ngân hàng về tình hình triển khai Chỉ thị số 16/CT- TTg, ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, xuất phát từ  thực tiễn hoạt động, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai 6 nội dung đó là: Tăng cường phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, an toàn, an ninh bảo mật ngành Ngân hàng, trong đó nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) theo hướng tập trung, hiện đại. Phát triển hệ thống thanh toán bù trừ điện tử cho các giao dịch thanh toán bán lẻ, giao dịch thẻ (ACH); Hoàn thành xây dựng Bộ tiêu chuẩn thẻ chíp nội địa cho thẻ tiếp xúc và không tiếp xúc (Bộ tiêu chuẩn VCCS), cập nhật những thành tựu công nghệ thanh toán thẻ mới và thực hiện kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam; Thúc đẩy việc kết nối liên thông và tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực thanh toán, áp dụng các thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất cho một số phương tiện và hệ thống thanh toán, nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thanh toán mới, hiện đại…Tăng cường quản lý, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn đối với các hệ thống thanh toán, tổ chức triển khai Chiến lược giám sát các hệ thống thanh toán tại Việt Nam đến năm 2020…

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đẩy mạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ hoạt động thanh toán, phát triển hạ tầng CNTT, an toàn, an ninh bảo mật nhằm ứng phó với những thách thức mà CMCN 4.0 đặt ra; Đẩy mạnh việc thực hiện các Nghị quyết số 19, Nghị định số 35/NQ-CP ngày 16/5/2018 và Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Chính phủ điện tử; Xây dựng Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng phù hợp với xu hướng CMCN 4.0;  Tích cực hỗ trợ thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển các công ty công nghệ tài chính (Fintech); Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, truyền thông chính sách nhằm nâng cao nhận thức của toàn ngành về CMCN 4.0.

Đối với các tổ chức tín dụng, một số ngân hàng đã thử nghiệm một số dịch vụ ngân hàng số và chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng hiện đại, số hóa như: sử dụng các giải pháp e-banking để cung cấp dịch chuyển tiền qua mạng xã hội (Facebook, Zalo…), rút tiền tại ATM không cần dùng thẻ của Techcombank và VIB, ứng dụng MyVIB, ứng dụng ngân hàng điện tử My Ebank của Sacombank; ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu của IBM để đồng bộ hóa dữ liệu khách hàng, hỗ trợ phân tích hành vi khách hàng nhanh chóng của VPBank. Ngoài ra, một số ngân hàng còn thử nghiệm mô hình kinh doanh số, đẩy mạnh khái niệm “chi nhánh ngân hàng điện tử” và phát triển kênh Live Chat (tư vấn trực tuyến) nhằm hỗ trợ khách hàng…

Nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu công nghệ hiện đại của CMCN 4.0

Đối với định hướng tiếp cận ứng dụng CMCN 4.0 của ngành Ngân hàng Việt Nam, ông Phạm Xuân Hòe cho biết đó là: Xây dựng chiến lược và phát triển CNTT, an toàn, an ninh bảo mật của ngành Ngân hàng, đây phải là chiến lược bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, nhiệm vụ xuyên suốt là nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu công nghệ hiện đạo của CMCN 4.0.

Tập trung nguồn lực để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo môi trường sinh thái tốt cho các tổ chức tín dụng và các công ty Fintech phát triển cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ số để gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp. Trước mắt cần xây dựng một khuôn khổ pháp lý thử nghiệm đối với các dịch vụ ứng dụng công nghệ mới của CMCN 4.0.

Tăng cường sự minh bạch hóa trong các giao dịch và dịch vụ xuyên biên giới; Phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan để xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu cư dân, kết nối cơ sở dữ liệu đó với hệ thống ngân hàng nhằm chuẩn hóa cơ sở dữ liệu khách hàng giúp cho các ngân hàng tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc định danh khách hàng và xử lý các giao dịch, cũng như tăng cường tính minh bạch thông tin, tránh được các hành vi gian lận.

Tăng cường ứng dụng số hóa; Định hướng xây dựng mô hình chi nhánh hiện đại- giúp tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng- giúp họ tương đối tốt hơn. Việc xây dựng các chi nhánh này chủ yếu dựa vào nền tảng công nghệ tự động hóa, kết nối đa chiều và thông minh hóa của CMCN 4.0; Tăng cường ứng dụng chuỗi cung ứng thông minh và mô hình ngân hàng đại lý; Đẩy mạnh thiết kế và bán theo gói sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho những phân khúc khách hàng phù hợp thông qua dịch vụ ngân hàng điện tử cá nhân và phát triển các thiết bị tự phục vụ; Đặc biệt chú trọng đến an ninh mạng; Các công ty tài chính tích cực ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 để số hóa sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho chuỗi giá trị nông sản của Việt Nam, phát huy các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam nhằm tạo bước đột phá về ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ nano từ CMCN 4.0 mang lại; Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Ngân hàng.

Tại buổi làm việc, phía Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất 3 nhiệm vụ lớn đưa vào Nghị quyết của Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Đó là: Nghiên cứu tác động của cuộc CMCN 4.0 đối với điều hành chính sách tiền tệ quốc gia; Nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát cho lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech), hướng tới đổi mới, sáng tạo, tạo thuận lợi cho sự phát triển của Fintech, ngân hàng có tại Việt Nam; Xây dựng Khung quản lý rủi ro an toàn thông tin trong hoạt động Ngân hàng.

 


Quầy giao dịch công nghệ số lần đầu tiên của Vietcombank

 

Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về CMCN 4.0 cần phải được tiếp cận từ thực tiễn. Tư duy xây dựng chính sách phải bắt đầu từ câu hỏi: làm cho ai? phục vụ ai? Cần có thái độ bình tĩnh, suy xét thấu đáo trước một công nghệ mới, tránh hấp tấp, vội vàng bởi nó liên quan đến hệ thống quản trị nhân sự, chính sách điều hành…

Ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ CNC cho biết, những ý kiến đóng góp của Ngân hàng Nhà nước sẽ được tiếp thu để lựa chọn đưa vào Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về 4.0 trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

Nhằm tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; trước ngày 15 tháng 12 hàng năm báo cáo kết quả, đánh giá tình hình triển khai hoạt động, các đề xuất, kiến nghị của bộ, ngành, địa phương và cơ quan mình, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tiếp theo, tại Nghị quyết 138/NQ-CP ngày 31/12/2017, liên quan đến tình hình thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, Chính phủ giao Bộ KH&CN chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết về việc nâng cao năng lực tiếp cận cuộc CMCN4.0, trình Chính phủ ban hành trong năm 2018. Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ KH&CN đã tổ chức Đoàn công tác đến làm việc tại các Cơ quan về tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg và trao đổi về các nội dung, nhiệm vụ dự kiến sẽ đề xuất đưa vào Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về 4.0. Từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2018, dự kiến Bộ KH&CN sẽ làm việc với 13 Bộ, Ban, Ngành về nội dung này.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN; Vụ Công nghệ cao

Lượt xem: 3332

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)