Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hiệp hội đô thị khoa học thế giới (WTA).
Sự kiện được UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với thành phố Daejeon (Hàn Quốc), Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) và Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hoá Liên hiệp quốc (UNESCO) đồng đăng cai tổ chức, với chủ đề xuyên suốt “Thành phố thông minh - Động lực đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững”. Tham dự hội nghị có ông Her Tae - Jeong, Chủ tịch WTA kiêm Chủ tịch Hội đồng TP.Daejeon; ông Michael Croft, Trưởng Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương.
Các đại biểu tham dự khai mạc Hội nghị WTA.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chúc mừng WTA nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập và ghi nhận những sự đóng góp của Hiệp hội cho sự phát triển đô thị khoa học. Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, 20 năm tới Hiệp hội sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng không chỉ phát triển đô thị trên thế giới mà còn tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, giữa nhân dân, dân tộc các nước.
Dù có nhiều cách gọi khác nhau nhưng phải nhìn nhận thực tế rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) diễn ra trong bối cảnh KH&CN phát triển vô cùng mạnh mẽ, đặc biệt là các ngành KH&CN dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, sẽ đưa loài người vào giai đoạn phát triển mới với rất nhiều thời cơ và thách thức.
Một nền kinh tế thông minh, một đô thị thông minh không chỉ gắn với công nghệ mà phải có phương tiện và làm thế nào để sử dụng hữu hiệu nhất các lợi thế của KH&CN đem lại, để sao cho mọi nguồn lực trong xã hội được sử dụng hiệu quả nhất, vì sự phát triển của thế hệ mai sau.
Mục tiêu cuối cùng là làm sao để con người nằm ở trung tâm của sự phát triển. Tất cả mọi người từ những người dân lao động bình thường nhất đến các nhà khoa học, từ trẻ nhỏ đến người già đều tham gia hưởng lợi từ quá trình phát triển, không ai bị ở lại phía sau, tất cả các cá nhân đều tham gia vào quá trình phát triển. Và một trong những nguồn lực rất quan trọng của thời đại ngày nay là tri thức. Bởi không như nhiều loại tài nguyên thiên nhiên (than, dầu mỏ, khoáng sản…) càng khai thác càng ít đi, tri thức càng chia sẻ thì giá trị càng được nhân lên.
“Đơn cử như vai trò đặc biệt quan trọng của nguồn dữ liệu đối với sự phát triển các đô thị, nhất là ở Việt Nam. Nguồn dữ liệu từ Chính phủ, các doanh nghiệp, cộng đồng cần được hệ thống hóa lại và quan trọng nhất là phải công khai minh bạch. Đây chính là nguồn lực rất quý giá, là cơ sở cho các doanh nghiệp và các nhà khoa học có thể đưa ra nhiều ý tưởng để khai thác”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.
Với đặc trưng của CMCN 4.0 là sự kết nối tất cả các hoạt động, các cộng đồng, không chỉ giữa thiết bị với thiết bị, giữa người với thiết bị mà quan trọng hơn cả là giữa người với người ở cấp độ cá nhân, đến từng tổ chức, doanh nghiệp và quốc gia. WTA cũng đứng trước những thời cơ mới để mạng lưới khoa học, mạng lưới các đô thị khoa học, hoạt động đổi mới, sáng tạo từ các thành viên của WTA lan tỏa ra khắp nơi trên thế giới, đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển của các quốc gia, các nền kinh tế, vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng.
Trên tinh thần như vậy, Phó Thủ tướng hy vọng hội nghị và các sự kiện liên quan sẽ là cơ hội để các nhà quản lý, nhà khoa học cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm quý, những bài học về sự đổi mới và sáng tạo để cùng nhau tận dụng tốt những thành tựu của CMCN 4.0 mang lại.
Về phía Ban Tổ chức, Chủ tịch WTA Her Tae Jeong cho rằng, dù các nước đang quan tâm đến đô thị thông minh nhưng chỉ quan tâm không thì chưa đủ mà cần có sự hợp tác, trao đổi, chia sẻ, cần có một diễn đàn như hôm nay để cùng giải quyết một vấn đề chung.
Chia sẻ quan điểm về xây dựng thành phố thông minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm khẳng định, thông qua chủ đề “Thành phố thông minh - động lực đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững”, Bình Dương hy vọng các nhà lãnh đạo, các học giả và các nhà khoa học sẽ cùng nhau trao đổi, chia sẻ những vấn đề quan trọng mang tính thời đại, với những giải pháp ứng dụng các thành tựu KH&CN tiên tiến nhằm giải quyết hiệu quả những hạn chế, những hệ lụy phát sinh do quá trình phát triển công nghiệp như tình trạng ô nhiễm môi trường, các vấn đề an sinh xã hội, nguy cơ mất việc vì áp dụng tự động hóa, gia tăng khoảng cách về thu nhập xã hội.
Sau lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hiệp hội đô thị khoa học thế giới (WTA) là Diễn đàn Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2018. Ông Richard A.Levao, Hiệu trưởng Trường Đại học Bloomfield (Hoa Kỳ) đã có bài phát biểu về những thách thức cho thành phố thông minh; ông Deog-Seong Oh, Hiệu trưởng trường Đại học quốc gia Chungnam (Hàn Quốc) trình bày về chiến lược đổi mới cho sự phát triển thành phố thông minh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu.
Được thành lập từ năm 1998, Hiệp hội đô thị khoa học thế giới (WTA) là một tổ chức quốc tế đa phương, với mục đích kết nối các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để hỗ trợ phát triển vùng, khu vực ít phát triển hơn; hướng đến việc phát triển các đô thị khoa học bền vững và quản trị các thành phố khoa học trong bối cảnh toàn cầu.
Diễn đàn Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018 được tổ chức tại Bình Dương từ 10 – 12/10/2018 sẽ thảo luận về các chiến lược và chính sách về cách vận hành, hoạt động và nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố như một công cụ quan trọng để phát triển bền vững cũng như đưa ra các đề xuất hướng phát triển trong tương lai. Đặc biệt, Diễn đàn tập trung xác định các thách thức cốt lõi và các thể chế cần thiết cho các quốc gia trong giai đoạn phát triển để xây dựng một hệ sinh thái sáng tạo, xây dựng một thành phố thông minh. Các phiên họp của Diễn đàn xoay quanh nhiều chủ đề liên quan đến cơ hội và thách thức khi phát triển thành phố thông minh, cơ hội và thách thức đối với tương lai của môi trường và năng lượng bền vững, xây dựng nền tảng thành phố thông minh và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo...
|