Thứ năm, 25/10/2018 16:45 GMT+7

Đảng bộ Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân tổ chức sinh hoạt ngoại khóa tại An toàn khu Định Hóa và Khu di tích lịch sử Tân Trào

Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung hoạt động công tác đảng, tăng cường công tác giáo dục truyền thống lịch sử và giao lưu tìm hiểu, thắt chặt tình đoàn kết giữa các đảng viên, ngày 12 tháng 10 năm 2018, Đảng bộ Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Viện KH&KTHN) tổ chức sinh hoạt ngoại khóa tại An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên) và khu di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang).

Tham dự buổi sinh hoạt ngoại khóa, có các đồng chí đại diện Đảng ủy Bộ Khoa học và Công nghệ, Đảng ủy Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và toàn thể đảng viên Viện KH&KTHN.

 

Đảng bộ Viện KH&KTHN tổ chức sinh hoạt ngoại khóa tại An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên)

 

ATK Định Hóa, Thái Nguyên là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã sống và làm việc từ tháng 5/1947 - 1954, lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp. Nơi đây là một trong những trung tâm của ATK trên căn cứ địa Việt Bắc, chiếm địa bàn rộng nhất, tới 21 xã, trong đó có xã Phú Đình, Điềm Mạc với nhiều địa điểm là nơi đóng các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), huyện Định Hóa cùng các huyện: Đại Từ, Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên), Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang), Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) được Trung ương Đảng chọn làm An toàn khu Trung ương - Thủ đô kháng chiến của cả nước.

 

Đoàn dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở di tích ATK Định Hóa, Thái Nguyên

 

Đồng chí Nguyễn Hữu Quyết - Bí thư Đảng ủy Viện KHKTHN ghi cảm tưởng tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Đoàn thăm bảo tàng ATK Định Hóa

 

Sau khi thăm quan một số địa điểm tại khu di tích ATK, đoàn nghỉ ngơi và tiếp tục đến thăm cụm di tích Nà Nưa. Đây là di tích quan trọng trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào thời kỳ tiền khởi nghĩa 1945, bao gồm các di tích như lán Nà Nưa, lán Cảnh vệ, lán Điện Đài, lán Đồng Minh,...Lán Nà Nưa là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945, để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Một nữ thuyết minh trong trang phục truyền thống của dân tộc Tày, có giọng nói truyền cảm, dẫn chúng tôi thăm di tích lán Nà Nưa, cho chúng tôi biết: “Khi ở lán Nà Nưa, điều kiện làm việc của Bác hết sức gian khổ và khó khăn, những bữa ăn đạm bạc, chỉ có măng rừng chấm muối vừng, cơm chan nước chè xanh. Trước hoàn cảnh sống và làm việc như vậy, cộng với sự khắc nghiệt của núi rừng, sức khoẻ của Bác giảm sút rõ rệt”. Cả đoàn còn tận mắt thấy các đồ vật được Bác dùng khi ở đây, hiện trưng bày ở Bảo tàng Tân Trào, như: máy đánh chữ, mâm gỗ, âu đựng cơm, quả bầu khô đựng chè, hòn cuội dùng để chặn giấy, ấm pha trà... Tinh thần, nghị lực vượt khó khăn, gian khổ, một lòng, một dạ vì nước, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi cán bộ đảng viên của Đoàn.

 

Đoàn thăm Lán Nà Nưa

 

Điểm cuối của buổi sinh hoạt ngoại khóa là đình Hồng Thái, đây là địa điểm dừng chân đầu tiên của Bác Hồ khi Người từ Pắc Bó về Tân Trào (ngày 21/5/1945). Đình cũng được chọn làm nơi đón tiếp các đại biểu về dự Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng (13 đến 15/8/1945) và Quốc dân Đại hội (16 đến 17/8/1945). Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), đình Hồng Thái trở thành trụ sở của Ban bảo vệ ATK, được coi như phòng thường trực của các cơ quan Trung ương đóng quanh vùng. Đình còn là trụ sở làm việc của bộ phận Tiếp tế ATK.

Đây là một trong những đợt sinh hoạt chính trị ngoại khóa về thăm cội nguồn “Thủ đô kháng chiến” ATK Định Hóa có ý nghĩa đặc biệt đối với đảng viên của Đảng bộ Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân. Toàn thể cán bộ đảng viên đã có, một buổi sinh hoạt vừa mang ý nghĩa giáo dục về truyền thống lịch sử dân tộc vừa mang ý nghĩa tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc gìn giữ giá trị di sản văn hóa của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong mỗi cá nhân. Chuyến đi đã để lại trong lòng mỗi thành viên trong đoàn những kỷ niệm tốt đẹp cùng với sự biết ơn vô hạn đối với công ơn to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và niềm tự hào về truyền thống đấu tranh chống quân xâm lược của quân và dân ta, nêu cao tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó cũng thắt chặt hơn nữa sự đoàn kết, thống nhất để ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân./.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 2957

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)