Thứ tư, 28/11/2018 14:50 GMT+7

Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng hoạt động năm 2019 của Ủy ban quốc gia Con người và Sinh quyển Việt Nam

Ngày 28/11/2018 tại Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng hoạt động thực hiện kế hoạch hành động Lima tại các khu sinh quyển thế giới của Việt Nam.

Đây là một trong những sự kiện quan trọng của MAB thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, được tổ chức luân phiên hàng năm tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam. Hội nghị thu hút hơn 100 đại biểu đến từ các sở ban ngành tỉnh Đồng Nai, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp. Hội nghị lần này với chủ đề "Triển khai nhãn sinh quyển tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam".

 


 

Tại Hội nghị, các đại biểu sẽ có cơ hội được nhận thức rõ hơn về tính thống nhất liên quan mật thiết với nhau của môi trường chúng ta đang sống; kết nối với Mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam và khu vực; chia sẻ sự phong phú của môi trường sống không chỉ ở môi trường tự nhiên nguyên sơ mà còn về văn hóa, lịch sử và truyền thống - đây là một kho báu để bảo tồn trong tương lai cho các thế hệ.

Tham dự Hội nghị có Bà Nguyễn Hòa Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; Ông Dương Quốc Thanh, Phó Tổng thư ký UBQG UNESCO của Việt Nam;  Đại diện Tiểu ban Khoa học Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ; Lãnh đạo các sở ban ngành tỉnh Đồng Nai; GS. Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Chương trình MAB Việt Nam; đại diện 09 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam; các chuyên gia quốc tế, các doanh nghiệp quan tâm tới lĩnh vực sinh quyển cùng đông đảo các nhà khoa học.

Đánh giá các hoạt động năm 2018:

- Trong năm 2018, nổi bật nhất của MAB Việt Nam là sự kế thừa và tiếp tục thực hiện Kế hoạch Hành động LIMA 2016 - 2025 mà Việt Nam đã cam kết thực hiện và triển khai; thể hiện vai trò Chủ tịch Hội đồng Điều phối MAB (ICC MAB) và được UNESCO đánh giá cao hoạt động của Chương trình MAB Việt Nam, cũng như hoạt động của các Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam.            

- Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc gia UNESCO và MAB Việt Nam tiếp tục hỗ trợ cho các khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam. Đến nay, toàn bộ 09 Khu dự trữ sinh quyển đều có nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia nghiên cứu về các vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với các vấn đề về phát triển kinh tế xã hội như du lịch sinh thái, bảo tồn văn hóa, sinh kế bền vững cho người dân,... góp phần vào phát triển bền vững cho địa phương. Các nhà khoa học trong lĩnh vực tự nhiên đã phối hợp liên ngành với các nhà khoa học trong lĩnh vực xã hội, văn hóa, dân tộc, du lịch,... để tìm ra những mô hình phát triển bền vững. Trong năm 2018, dự kiến có 03 nhiệm vụ sẽ được nghiệm thu cấp quốc gia.

- MAB Việt Nam đã mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế, thăm và làm việc với khu dự trữ sinh quyển tại Cộng hòa Liên bang Đức nhằm trao đổi kinh nghiệm hợp tác công tư thu hút các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ xã hội và đầu tư cho phát triển bền vững.

- Các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ Ban quản lý/ Ban điều phối khu sinh quyển thế giới, các bên liên quan và người dân thực hiện các hoạt động/ nhiệm vụ bảo tồn và phát triển.

- Nghiên cứu khoa học được triển khai mạnh tại các khu sinh quyển thế giới. Mười đề tài cấp nhà nước và nhiều đề tài cấp địa phương và các dự án quốc tế đã và đang được thực hiện tại các khu sinh quyển thế giới. Nội dung nghiên cứu đa dạng sinh học như nghiên cứu loài sinh vật, đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa - lịch sử, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển sinh kế, nghiên cứu phát triển du lịch, nghiên cứu xây dựng mô hình bảo tàng thiên nhiên, đánh giá diễn thế phục hồi hệ sinh thái, hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội...

- Truyền thông giáo dục môi trường và quảng bá khu dự trữ sinh quyển là những hoạt động phổ biến trong báo cáo của các khu sinh quyển thế giới. Khu sinh quyển thế giới Tây Nghệ An tổ chức truyền thông cấp huyện; khu sinh quyển thế giới Đồng Nai  phối hợp với các trường phổ thông và trường đại học ở Đồng Nai và TP. HCM, truyền thông rộng tới học sinh và sinh viên; mô hình nuôi dê và mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng ở Khu sinh quyển thế giới Cần Giờ; sinh kế thay thế bền vững (CORIN) nấm, ong, ngao ở Khu sinh quyển thế giới Châu thổ sông Hồng; Đề án phát triển bền vững ở Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An.v.v. Du lịch sinh thái phát triển mạnh ở các khu sinh quyển thế giới.

Kế hoạch Hành động Lima được coi là phương hướng chung, định hướng hoạt động cho toàn bộ mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam. Hầu hết các hoạt động trong năm 2018 của các khu sinh quyển thế giới của Việt Nam đều mới bắt đầu triển khai hoặc đang được tiến hành đúng hướng, các khu sinh quyển thế giới đang tiếp tục duy trì các hoạt động này trong khuôn khổ thực hiện Kế hoạch Hành động Lima. Một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng nhất cho tất cả các khu sinh quyển thế giới là sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện giúp đỡ từ các UBND tỉnh, thành phố trực tiếp quản lý, đây là điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất đảm bảo cho sự thành công của các khu sinh quyển thế giới.

Phương hướng hoạt động năm 2019 thực hiện Kế hoạch hành động Lima và những năm tiếp theo:

- Năm 2019, MAB Việt Nam và các Khu dự trữ sinh quyển tiếp tục thực hiện kế hoạch của Việt Nam nhằm triển khai 04 mục tiêu chiến lược và 05 lĩnh vực hành động của Chiến lược MAB đến 2025 và kế hoạch hành động Lima.

- Với vị thế là thành viên ICC, MAB Việt Nam sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác quốc tế với các Ủy ban MAB của các quốc gia và hoạt động hợp tác giữa các Khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam và Khu dự trữ sinh quyển trên thế giới trong mạng lưới MAB.

- Đẩy mạnh hợp tác công tư trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh hoạt và phát triển bền vững.

- Tham gia họp và trao đổi tại Ban Chấp hành về những định hướng chiến lược của MAB, đề xuất các dự án ưu tiên cho các nước đang phát triển trong thực hiện Kế hoạch hành động LIMA, trong đó có Việt Nam.

- Quảng bá những bài học thành công của các khu dự trữ sinh quyển Việt Nam trong quá trình thực hiện Kế hoạch hành động LIMA.

- Triển khai việc thực hiện Kế hoạch hành động LIMA tại các khu dự trữ sinh quyển Việt Nam trong hợp tác quốc tế.

- Bước đầu đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hành động LIMA tại một số khu dự trữ sinh quyển.

- Xây dựng kế hoạch dài hạn về khoa học công nghệ theo chủ trương UNESCO/MAB “Science-Policy-Society”, hướng dẫn cho các khu sinh quyển thế giới đề xuất.

Bộ KH&CN với vai trò là Trưởng tiểu ban Khoa học Tự nhiên sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Chương trình Con người và Sinh quyển cũng như các Khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam thực hiện các chiến lược và chương trình hành động của MAB, hướng tới thực hiện và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. 
  

 

Nguồn: Vụ Khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên

Lượt xem: 4283

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)