Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết: hai năm 2017 - 2018 được xem là thời gian nỗ lực của các cơ quan xây dựng chính sách và của các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu KH&CN trong việc hoàn thiện thể chế về phát triển thị trường KH&CN. Với việc Quốc hội thông qua Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật CGCN năm 2018, chính sách về phát triển thị trường KH&CN đang từng bước được hoàn thiện với các cơ chế mới như hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân tự đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, bảo đảm phân chia lợi ích từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hỗ trợ giải mã công nghệ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong xác lập quyền sở hữu công nghiệp; hỗ trợ hoạt động liên kết giữa tổ chức KH&CN với tổ chức ứng dụng kết quả nghiên cứu, v.v.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội thảo
Cùng với việc hình thành được cơ chế, chính sách cho phát triển thị trường KH&CN, hệ thống các tổ chức trung gian đã được hình thành, đang phát triển nhanh và đa dạng, cả về hình thức và nội dung hoạt động. Một số hình thức hoạt động thường xuyên như các sàn giao dịch công nghệ, hoạt động không thường xuyên như chợ công nghệ, thiết bị, kết nối cung - cầu công nghệ, ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã tạo được hiệu ứng tích cực đối với thị trường KH&CN trong nước, kết nối được với thị trường quốc tế. Các tổ chức trung gian theo mô hình mới đã được hình thành như tổ chức thúc đẩy kinh doanh, quỹ đầu tư mạo hiểm, câu lạc bộ khởi nghiệp, không gian làm việc chung hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo, các tổ chức hỗ trợ gọi vốn đầu tư, kết nối đối tác, cung cấp nhân lực, các kênh truyền thông dành riêng cho khởi nghiệp, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết thêm.
Đặc biệt, trong bối cảnh trong nước và quốc tế những năm qua có nhiều thay đổi. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự hiện diện của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn, kết nối vạn vật,… đặt ra cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức đối với Việt Nam trong khai thác các thành tựu KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Các công nghệ mới theo làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0 lan tỏa khắp thế giới đã phát huy ảnh hưởng tại Việt Nam và bước đầu có đóng góp theo chiều hướng tích cực trong phát triển thị trường. Đây cũng là kết quả từ các nỗ lực của Nhà nước về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và phát triển doanh nghiệp, tổ chức KH&CN, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định.
Tại hội thảo, ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho biết: Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã xây dựng chương trình hành động, hoàn thiện hệ thống pháp lý, triển khai đồng bộ nhiều cơ chế, chính sách, chương trình để phát triển thị trường KH&CN, tập trung nhiều vào thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức trung gian, đẩy mạnh hiệu quả liên kết giữa khối viện, trường doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu, xúc tiến, chuyển giao công nghệ,…
Theo đó, hàng năm Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN đã tổ chức hội nghị phát triển thị trường với sự tham gia của các bộ, ngành, sở KH&CN, các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức KH&CN, doanh nghiệp tham dự hoạt động phát triển thị trường công nghệ, đồng thời tạo diễn đàn kết nối, trao đổi, đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, chia sẻ kinh nghiệm liên kết thương mại hóa kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm chuyển giao, công nghệ, thúc đẩy hợp tác công tư, qua đó thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN.
Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia trao đổi về thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ như: Cơ chế, chính sách (mới) về phát triển thị trường KH&CN; Mô hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ trong trường đại học; Liên kết viện, trường, doanh nghiệp thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; Giải pháp thúc đẩy gia tăng giá trị giao dịch công nghệ; Định hướng phát triển thị trường KH&CN trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã chia sẻ thêm về các giải pháp phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH&CN như kết nối cung cầu; Liên kết hệ thống các sàn giao dịch công nghệ; Định hướng phát triển sàn giao dịch công nghệ.
Với những thay đổi nhanh chóng về công nghệ, biến động của bối cảnh quốc tế, cơ chế chính sách trong nước, công cuộc phát triển thị trường KH&CN đặt ra bài toán phải có giải pháp trong bối cảnh hiện nay. Tại hội thảo, ông Phạm Đức Nghiệm đã đưa ra một số chủ trương cần tập trung triển khai để thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN công nghệ trong thời gian tới. Theo đó, cần đẩy mạnh hình thức Nhà nước hợp tác đầu tư cùng doanh nghiệp trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu do các viện, trường tạo ra; hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn; nâng cao năng lực tiếp thu, hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, của doanh nghiệp và người dân; Hình thành mạng lưới tư vấn viên chuyên nghiệp về thương mại hóa, đổi mới công nghệ, đánh giá, định giá, chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020, Đề án 844 về Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Ngoài ra, khuyến khích tổ chức tư vấn chuyển giao công nghệ, tập đoàn công nghệ có uy tín tham gia xây dựng, vận hành sàn giao dịch công nghệ tại các khu tập trung cơ sở sản xuất, dịch vụ trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước có nhu cầu, khả năng tiếp nhận hoặc chuyển giao công nghệ; Thiết lập các hình thức liên kết với thị trường quốc tế, phục vụ thương mại hóa công nghệ trong nước và hoạt động gọi vốn, thoái vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, từng bước nâng cao hiểu biết của xã hội về thị trường KH&CN và văn hóa khởi nghiệp dựa trên công nghệ.
Hội thảo là nơi chia sẻ cởi mở và thảo luận sâu sắc về những vấn đề thực tế đang vướng mắc để có được những tư vấn từ các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý để có những giải pháp cụ thể cho từng mô hình. Qua đó, sẽ có sự cam kết cộng tác và thực hiện của các bên tham gia phát triển thị trường KH&CN.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng thăm gian hàng trưng bày các nhiệm vụ tham gia chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020