Thứ sáu, 07/12/2018 16:05 GMT+7

Việt Nam - Trung Quốc sẽ mở rộng hợp tác song phương về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Sự tiến bộ của khoa học và công nghệ (KH&CN) sẽ góp phần không nhỏ cho sự phát triển bền vững của hai nền kinh tế Việt Nam và Trung Quốc. Thời gian tới, hai bên sẽ mở rộng hợp tác song phương về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đó là một trong những thông tin được đưa ra tại Khóa họp Ủy ban Hỗn hợp hợp tác KH&CN Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 10 diễn ra chiều 06/12/2018 tại Hà Nội do Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ KH&CN Trung Quốc tổ chức.
 


Toàn cảnh Khóa họp.
 

Tham dự Khóa họp về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN. Về phía Trung Quốc có đồng chí Trương Kiến Quốc, Thứ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Bành Thế Đoàn - Tham tán, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam; đồng chí Trần Hữu Bằng, Bí thư thứ Nhất, Đại diện KH&CN Trung Quốc tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cùng đoàn đại biểu đến từ Bộ KH&CN Trung Quốc,  các tỉnh Vân Nam, Hải Nam và thành phố Côn Minh.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Bùi Thế Duy khẳng định, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo đã trở thành một hoạt động quan trọng có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.
 


Thứ trưởng Bùi Thế Duy tại Khóa họp.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy đánh giá cao những nỗ lực của Trung Quốc trong sự nghiệp phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo thời gian vừa qua. Nhiều kết quả KH&CN của Trung Quốc đã đạt trình độ tiên tiến được cả thế giới biết đến. Đáng chú ý, năm 2018, Trung Quốc đã đứng vào top 20 nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới.

“Để đạt được những kết quả đó, tôi nhận thấy việc dẫn dắt, hoạch định chính sách và quy hoạch phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo của Quý Bộ đã đóng vai trò hết sức quan trọng”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trung Quốc Trương Kiến Quốc cho biết, nhân dân hai nước Việt - Trung vốn có mối tình hữu nghị truyền thống lâu đời. Hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao 66 năm, trong quá trình đó, hợp tác KH&CN đã đóng góp tích cực nhằm tăng cường mối quan hệ giữa hai nước và mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên. Thời gian qua, hoạt động hợp tác trong lĩnh vực KH&CN giữa hai nước phát triển tốt đẹp, ngày càng đa dạng và đi vào chiều sâu. Trên cơ sở Hiệp định hợp tác KH&CN giữa Việt Nam - Trung Quốc ký năm 1992, Ủy ban Hỗn hợp hợp tác về KH&CN giữa Việt Nam - Trung Quốc đã được thành lập và cho đến nay,hai bên đã tổ chức được 9 Khóa họp. Qua đó, hai bên đã ủng hộ một số dự án hợp tác xuất sắc, phát huy tác dụng quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác thực chất về KH&CN và các ngành sản xuất của hai nước trong các lĩnh vực như nông lâm nghiệp, giao thông, thông tin KH&CN, y tế…

 


Thứ trưởng Trương Kiến Quốc tại Khóa họp.

Tại Khóa họp lần thứ 10, hai bên đã cùng đánh giá tình hình triển khai nội dung của Khóa họp lần thứ 9 cũng như tình hình hợp tác về KH&CN giữa hai bên từ năm 2016-2018. Kể từ Khóa họp lần thứ 9, hai bên đã triển khai các nội dung hợp tác như: cấp kinh phí để triển khai dự án hợp tác nghiên cứu chung thuộc lĩnh vực thông tin và nông nghiệp; tiến hành kêu gọi các dự án hợp tác nghiên cứu chung thuộc lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo và y dược cho giai đoạn 2019-2021; ký kết Biên bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác chuyển giao công nghệ giữa Trung tâm Hỗ trợ chuyển giao công nghệ Việt Nam và Trung tâm Chuyển giao công nghệ Trung Quốc - ASEAN,…

Hợp tác KH&CN giữa Việt Nam - Trung Quốc trong giai đoạn 2016-2018 đã có nhiều tiến triển hơn so với giai đoạn những năm 2012-2016. Đặc biệt, Việt Nam đánh giá cao sáng kiến Chương trình Đối tác hợp tác KH&CN Trung Quốc - ASEAN (Chương trình STEP) được khởi động từ năm 2013. Đây là Chương trình mang tính đột phá trong lĩnh vực KH&CN, được xây dựng để triển khai hợp tác giữa Trung Quốc và các nước ASEAN với 04 nội dung lớn: (1) Phòng Thí nghiệm liên hợp ASEAN - Trung Quốc; (2) Trung tâm Dịch vụ dữ liệu viễn thám ASEAN - Trung Quốc; (3) Trung tâm Chuyển giao công nghệ ASEAN - Trung Quốc; (4) Nhà khoa học trẻ tiêu biểu đến làm việc tại Trung Quốc.

Trên cơ sở đó, hai bên cùng trao đổi và thống nhất được các nội dung, lĩnh vực hợp tác ưu tiên, cơ chế hỗ trợ kinh phí để tạo điều kiện cho các nhà khoa học của hai bên cùng hợp tác nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm góp phần triển khai Chương trình STEP một cách hiệu quả, mang lại lợi ích cho cộng đồng khoa học của hai nước.

Theo đó, hai bên cùng nhau trao đổi về chính sách đổi mới sáng tạo KH&CN của mỗi nước. Hai bên nhất trí rằng, những tiến bộ về KH&CN sẽ đóng góp phần không nhỏ cho sự phát triển bền vững nền kinh tế của hai nước. Hai Bên nhất trí mở rộng hợp tác song phương về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Hai bên bày tỏ hài lòng về tình hình thực hiện tổng thể các dự án hợp tác nghiên cứu chung của Khóa họp Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 9. Với nỗ lực tích cực của hai bên, Biên bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác chuyển giao công nghệ giữa Trung tâm Chuyển giao công nghệ Trung Quốc - ASEAN và Trung tâm Hỗ trợ chuyển giao công nghệ đã được ký kết.

Hai bên nhất trí ủng hộ triển khai thực hiện 03 dự án hợp tác nghiên cứu chung dài hạn và đồng ý sẽ cấp kinh phí cho các dự án, thời gian thực hiện trong vòng 03 năm.

Đặc biệt, hai bên đã xác định lĩnh vực ưu tiên hợp tác về KH&CN giữa Việt Nam - Trung Quốc trong giai đoạn năm 2019-2020 gồm: Chính sách và quản lý về KH&CN; Nông nghiệp; Công nghệ sinh học; Biến đổi khí hậu (phòng chống và giảm thiểu thiên tai); Giao thông thông minh; Vật liệu tiên tiến; Y dược.

Trên cơ sở các lĩnh vực KH&CN ưu tiên hợp tác đã thống nhất, hai bên thống nhất hàng năm sẽ tiến hành kêu gọi, xây dựng các dự án hợp tác nghiên cứu chung dài hạn mới. Sau khi hai bên trao đổi bằng văn bản sẽ công bố kế hoạch kêu gọi dự án hợp tác nghiên cứu chung dài hạn. Danh mục dự án hợp tác nghiên cứu chung dài hạn sẽ được hai bên trao đổi khẳng định bằng văn bản, trong trường hợp không vào đúng thời gian tổ chức Khóa họp Ủy ban Hỗn hợp, dự án hợp tác nghiên cứu chung dài hạn sẽ được thực hiện trước và ghi nhận bổ sung vào Nghị định thư của Khóa họp Ủy ban Hỗn hợp lần sau.

Hai bên nhất trí tích cực triển khai tốt nội dung hợp tác của Biên bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác về chuyển giao công nghệ giữa Trung tâm Chuyển giao công nghệ Trung Quốc - ASEAN và Trung tâm Hỗ trợ chuyển giao công nghệ. Trong năm 2019, hai bên sẽ xem xét đồng tổ chức Diễn đàn Hợp tác chuyển giao công nghệ Y Dược Trung Quốc  - Việt Nam tại Việt Nam nhằm kết nối nhu cầu công nghệ của hai bên; tiếp tục thúc đẩy hợp tác xây dựng phòng thí nghiệm liên kết của hai nước. Hai bên sẽ xác định lĩnh vực ưu tiên hợp tác và đồng ý sẽ hỗ trợ kinh phí để phòng thí nghiệm liên kết cùng triển khai dự án hợp tác nghiên cứu chung.

Về vấn đề giao lưu nhà khoa học trẻ giữa hai nước, hai bên đều khẳng định đây là cầu nối để mở ra các hướng hợp tác mới về KH&CN của hai nước trong thời gian tới. Hai bên sẽ tích cực hơn nữa trong việc hợp tác giao lưu nhà khoa học trẻ. Phía Việt Nam sẽ giới thiệu với phía Trung Quốc các nhà khoa học trẻ xuất sắc của Việt Nam đến Trung Quốc làm việc và nghiên cứu.

Hai bên nhất trí sẽ thúc đẩy hợp tác giữa các Khu Công nghệ cao của hai nước, đẩy mạnh hợp tác trao đổi kinh nghiệm về đầu tư và cơ chế chính sách trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Hai bên cũng nhất trí tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần Khóa họp Ủy ban Hỗn hợp  và Khóa họp lần thứ 11 sẽ được tổ chức tại Trung Quốc vào năm 2020.

Trên nền tảng quan hệ hợp tác KH&CN Việt Nam - Trung Quốc hiện nay, hai bên sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh của mình để cùng hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, góp phần thúc đẩy nền KH&CN của hai nước ngày càng phát triển, đạt được nhiều thành quả hơn nữa.
 


Thứ trưởng Bùi Thế Duy và Thứ trưởng Trương Kiến Quốc ký kết Nghị định thư Khóa họp lần thứ 10 Ủy ban Hỗn hợp hợp tác KH&CN Việt Nam - Trung Quốc.
 


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Vụ Hợp tác quốc tế

Lượt xem: 9210

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)