Thứ sáu, 28/12/2018 16:22 GMT+7

Khối các đơn vị Viện – Học viện tổng kết công tác năm 2018

Sáng ngày 27/12/2018, tại Hà Nội, Khối các đơn vị Viện – Học viện thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và kế hoạch công tác năm 2019.

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Trần Văn Tùng, Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); Đồng chí Đỗ Xuân Ngọc, Phó Chủ tịch Công đoàn Bộ; Đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ cùng Lãnh đạo và cán bộ chủ chốt thuộc các đơn vị trong Khối Viện – Học viện (Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ, Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo).

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Thủ trưởng các đơn vị báo cáo về những kết quả đã đạt được trong năm 2018 cũng như chỉ ra những tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục; từ đó đề ra phương hướng hoạt động năm 2019. Hội nghị đã được nghe ý kiến trao đổi, góp ý của Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, về các kết quả đã đạt được trong năm 2018, đồng thời cùng trao đổi, bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cách thức phối hợp giữa các đơn vị sự nghiệp cùng với các đơn vị quản lý của Bộ.



Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

 

Năm 2018, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (KHSHTT) đã thực hiện 01 dự án cấp Quốc gia, 02 nhiệm vụ cấp Bộ, 8 đề tài cấp cơ sở. Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu và công cụ khai thác thông tin sở hữu công nghiệp (SHCN) đang vào giai đoạn kết thúc, sản phẩm của Dự án đã được giới thiệu thông qua các hội thảo, tọa đàm để xin ý kiến góp ý, hoàn thiện. Dự kiến Cơ sở dữ liệu và công cụ khai thác thông tin SHCN sẽ được chính thức đưa vào vận hành từ 01/6/2019 thông qua các Trang tin điện tử: ipplatform.gov.vn, ipdata.gov.vn. Các đề tài nghiên cứu được thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng. Kết quả nghiên cứu được sử dụng để làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng Chiến lược Quốc gia về Sở hữu trí tuệ, nâng cao năng lực chuyên môn và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của Viện. (ii) Hoạt động tư vấn được tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, kịp thời, chính xác đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của doanh nghiệp về thực thi quyền sở hữu công nghiệp. (iii) Hoạt động giám định SHCN: Tính đến giữa Tháng 12/2018, Viện KHSHTT đã tiếp nhận, thụ lý và đưa ra kết luận giám định cho 799 Hồ sơ giám định (trong đó có 662 Hồ sơ Nhãn hiệu, 110 Hồ sơ Kiểu dáng công nghiệp và 27 Hồ sơ Sáng chế). Hồ sơ giám định được tiếp nhận, xử lý đúng quy trình, chất lượng tốt đúng tiến độ theo yêu cầu. Kết luận giám định tiếp tục được sử dụng như một nguồn chứng cứ quan trọng phục vụ hiệu quả cho việc giải quyết tranh chấp, xâm phạm quyền SHTT. (iv) Hoạt động đào tạo, hợp tác quốc tế: Viện đã chủ động phối hợp tổ chức 03 tọa đàm, Hội thảo quốc tế với các đối tác Nhật Bản (đơn vị và đối tác tự bố trí kinh phí) và tiếp nhiều tổ chức SHTT như SEAIPJ, JPAA… nhằm trao đổi kinh nghiệm chuyên môn cũng như đặt mối quan hệ hợp tác trong thời gian tới. Viện KHSHTT tiếp tục phối hợp Sở KH&CN Hồ Chí Minh tổ chức khóa đào tạo “Quản trị viên sở hữu trí tuệ” và tập trung đào tạo năng lực cho đội ngũ nhân lực của Viện để sẵn sàng triển khai với quy mô rộng hơn chương trình này.

Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ đã triển khai 03 Đề tài cấp Bộ bắt đầu từ năm 2018, 02 Đề án xây dựng văn bản triển khai Quyết định 556/QĐ-BKHCN và   Quyết định số 1942/QĐ-BKHCN, 04 đề tài cấp cơ sở và 02 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ được phê duyệt. Các kết quả nghiên cứu của Viện đã cung cấp luận cứ cho Viện và các đơn vị của Bộ sử dụng phục vụ công tác quản lý Nhà nước về KH&CN, thông qua các kết quả nghiên cứu Viện đã có 06 bài báo trên tạp chí trong nước và quốc tế. Công tác liên quan trực tiếp đến phục vụ quản lý nhà nước của Bộ được Viện tích cực triển khai: (i) Công tác quản lý, khai thác, phát triển cơ sở dữ liệu chuyên gia tiếp tục được triển khai tốt, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý và tiếp cận với thông lệ Quốc tế. Viện cung cấp hơn 8.500 lượt chuyên gia cho 15 đơn vị chức năng thuộc Bộ và 05 đơn vị ngoài Bộ để thành lập trên 670 Hội đồng tư vấn nhiệm vụ cấp Quốc gia... (ii) Viện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư “Quy định tiêu chí đánh giá hoạt động và chất lượng dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực KH&CN” nhằm triển khai Quyết định số 556/QĐ-BKHCN của Bộ trưởng Bộ KH&CN; (iii) Tích cực tham gia ban soạn thảo, tổ biên tập Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chuyển giao công nghệ, Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2014/TT-BKHCN và góp ý cho nhiều văn bản quan trọng khác của Bộ. Sau khi được Bộ trưởng ban hành Điều lệ, Viện đã ban hành các văn bản nội bộ để triển khai như: Quy chế làm việc, chức năng nhiệm vụ các đơn vị trực thuộc, phân công công việc... Ngoài ra, Viện đã tích cực phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong công tác đánh giá tổ chức nghiên cứu, đánh giá trình độ công nghệ sản xuất các nhóm ngành như: Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Tiền Giang, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thái Nguyên; nhiều kết quả nghiên cứu đã được Viện định giá để chuyển giao cho doanh nghiệp hoặc thành lập doanh nghiệp KH&CN. Viện đã chủ động phối hợp tổ chức một số tọa đàm, Hội thảo quốc tế và làm việc với các đối tác Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan - Trung Quốc (đơn vị và đối tác tự bố trí kinh phí) nhằm trao đổi kinh nghiệm về đánh giá khoa học, định giá công nghệ cũng như đặt mối quan hệ hợp tác trong thời gian tới. Chế độ báo cáo được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chất lượng, thời gian quy định. Viện Đánh giá đã xử lý 842 công văn đến và có 555 công văn phúc đáp các đơn vị (không kể phúc đáp qua email các yêu cầu cung cấp chuyên gia của các đơn vị trong và ngoài Bộ).

Viện Nghiên cứu phát triển Vùng: Phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2005 sau hơn 4 năm đi vào hoạt động đã thu được nhiều kết quả, trong năm 2018 phòng thí nghiệm đã mở rộng thêm được nhiều chi tiêu, đã tham gia các chương trình thử nghiệm thành thạo và so sánh liên phòng trong các đối tượng nước mặt, nước thải, nước sinh hoạt, đất, phân bón vô cơ và phân bón hữu cơ đạt kết quả tốt. Trạm Thử nghiệm và Ươm tạo công nghệ tại Thanh Hóa cũng đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 1 đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho vùng Bắc Trung Bộ, Viện đã trình Bộ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng giai đoạn 2 và xây dựng 08 mô hình. Viện đã thực hiện 02 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 07 nhiệm vụ cấp Bộ, 03 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, 08 nhiệm vụ cấp cơ sở; 10 nhiệm vụ địa phương và phối hợp với các địa phương thực hiện 05 nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao KHCN. Thông qua các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ Viện đã xây dựng và chuyển giao 25 quy trình kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất; 45 mô hình ứng dụng kỹ thuật tiến bộ mới, có tính bền vững cao, có khả năng mở rộng và có khả năng trình diễn cao.

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Viện SCCN) đã tích cực đẩy mạnh triển khai hoạt động tư vấn, hỗ trợ cá nhân, tổ chức sở hữu sáng chế hoàn thiện công nghệ và khai thác sáng chế, nổi bật là: (i) Có nhiều hoạt động hỗ trợ các nhà “sáng chế không chuyên” trong việc tư vấn hỗ trợ đăng ký sáng chế; hỗ trợ hoàn thiện thiết kế và quy trình công nghệ chế tạo các sản phẩm mẫu từ sáng chế; tư vấn thương mại hóa các sản phẩm này và đưa ra thị trường (04 sáng chế của tác giả Trần Đình Thuy, Phạm Phú Uynh, Nguyễn Văn Quang, Phạm Văn Hát); (ii) Viện SCCN đã tiến hành nghiên cứu thu thập thông tin sáng chế liên quan, tiến hành phân tích, xây dựng các bản báo cáo sáng chế/công nghệ và dịch 41 bản tương ứng với 1.175 trang tiếng Việt theo yêu cầu của doanh nghiệp; hỗ trợ sáng chế cho 20 tổ chức, doanh nghiệp với việc cung cấp tổng cộng 230 sáng chế và 3 báo cáo phân tích sáng chế; (iii) Hỗ trợ các Viện nghiên cứu/ Trường đại học trong vấn đề thúc đẩy hoạt động đăng ký sáng chế. Viện SCCN tiếp tục phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện Chương trình “Sáng kiến – Giải pháp”... Viện cũng thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ, nhân lực được tăng cường và chú trọng hoạt động hợp tác quốc tế, trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm của các đối tác Nhật Bản, Đài Loan...

Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Học viện) mới được thành lập trong năm 2018 trên cơ sở kiện toàn của Viện Chiến lược và Chính sách KHCN và Trường Quản lý KH&CN. Năm 2018 được coi là một năm đầy thử thách và khó khăn đối với một đơn vị mới hình thành nhưng công tác tổ chức cán bộ của Học viện đã được thực hiện quyết liệt, linh hoạt và đảm bảo bộ máy tinh gọn, bố trí cán bộ phù hợp với yêu cầu vị trí công tác, nguyện vọng của cá nhân, đảm bảo quyền lợi cho viên chức, người lao động của Học viện. Về cơ bản, đến nay khung tổ chức bộ máy nhân sự của Học viện đã cơ bản được kiện toàn, tâm lý cán bộ được ổn định để yên tâm công tác. Nhiệm vụ đầu mối theo dõi tình hình cải thiện Chỉ số Đổi mới sáng tạo GII được Học viện nghiêm túc thực hiện và đã góp phần vào kết quả tích cực năm 2018 (Việt Nam xếp hạng 45 trong số 126 quốc gia/nền kinh tế, cải thiện 02 bậc so với thứ hạng năm 2017, cải thiện 14 bậc so với thứ hạng năm 2016). Bên cạnh đó Học viện rất chú trọng đến công tác nghiên cứu chiến lược về KH&CN nói chung và tập trung chú trọng định hướng nghiên cứu phục vụ quản lý nhà nước giúp Lãnh đạo Bộ có được những báo cáo nhanh theo yêu cầu đáp ứng hội nghị, phiên họp của Trung ương, Lãnh đạo Chính phủ. Công tác đào tạo được Học viện triển khai tốt trên cả ba mảng công việc: đào tạo sau đại học, bồi dưỡng theo chức danh và bồi dưỡng nghiệp vụ, triển khai Đề án 2395. Ngoài ra, Học viện còn chú trọng tăng cường phát huy và đẩy mạnh các mối quan hệ hợp tác với đối tác nước ngoài với World Bank, Hội đồng Anh tại Việt Nam… với định hướng hợp tác phát triển theo chiều sâu về chuyên môn nhằm nâng cao năng lực cán bộ và vị thế của Học viện với các đối tác nước ngoài.

Các đơn vị trong Khối cũng đã đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến đầu tư cho nghiên cứu, chính sách để giữ cán bộ có trình độ gắn bó với đơn vị, kinh phí cho hoạt động hợp tác quốc tế...

Sau khi nghe các đơn vị báo cáo và những ý kiến phát biểu của đại diện một số đơn vị, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đánh giá cao những kết quả năm 2018 các đơn vị trong khối Viện – Học viện đã đạt được dù còn nhiều khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, những thành tích nổi bật riêng của mỗi đơn vị và đóng góp trực tiếp cho công tác quản lý nhà nước của Bộ, hỗ trợ doanh nghiệp. Thứ trưởng khẳng định Bộ luôn quan tâm, ủng hộ để các đơn vị trực thuộc có điều kiện phát triển đồng thời chỉ đạo các đơn vị trong Khối cần tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ liên quan đến chức năng nhiệm vụ cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu; Đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ và đoàn kết trong triển khai hoạt động; Các đơn vị chức năng của Bộ cần quan tâm, hỗ trợ các đơn vị có đủ nguồn lực để thực hiện tự chủ theo Nghị định số 54/2016/NĐ-CP một cách sáng tạo, linh hoạt.  



Toàn cảnh Hội nghị tổng kết Khối Viện – Học viện
        
 

Thay mặt các đơn vị trong Khối, đồng chí Trần Hậu Ngọc- Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ tiếp thu chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Văn Tùng và cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Bộ trưởng, các đồng chí Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị chức năng của Bộ trong thời gian vừa qua, mong tiếp tục nhận được sự chỉ đạo và hỗ trợ trong thời gian tới của Lãnh đạo Bộ và các đơn vị trong Bộ để thực hiện tốt hơn nữa những nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ giao cho các đơn vị trong Khối. Năm 2019 tập thể Lãnh đạo và cán bộ, công chức viên chức và người lao động trong Khối sẽ tiếp tục đoàn kết, phấn đấu, nỗ lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mỗi đơn vị.

Nguồn: Viện Đánh giá Khoa học và Định giá công nghệ

Lượt xem: 3372

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)