Thứ tư, 16/01/2019 14:43 GMT+7

Công tác hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ

Sở hữu trí tuệ đang ngày càng đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và là tài sản giá có trị đặc biệt của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhận thức về sở hữu trí tuệ của cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn có những hạn chế nhất định, trong đó có nguyên nhân cơ bản là nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm tới vấn đề này, bên cạnh đó công tác đào tạo, tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ để góp phần tạo lập, bảo hộ tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp, trong những năm qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều chỉ đạo và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp về vấn đề này, có thể kể đến Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 (được ban hành kèm theo Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ), Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo và Quyết định số 1745/QĐ-BKHCN ngày 30/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 19-2018, các chính sách đều yêu cầu các cơ quan chức năng phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có “tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội đặc biệt là các doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ” để thực hiện tốt mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà Chính phủ đề ra.

Thực hiện nhiệm vụ là cơ quan giúp Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, trong năm qua Cục Sở hữu trí tuệ đã thực hiện nhiều biện pháp nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là các doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ. Nhiều biện pháp đã được thực hiện như đào tạo, tuyên truyền, hỗ trợ thực hiện các dự án phát triển tài sản trí tuệ và đạt được những kết quả khích lệ phù hợp với chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Công tác đào tạo, tuyên truyền phổ biến pháp luật về sở hữu trí tuệ đã được triển khai mạnh mẽ, tiếp tục tạo những bước chuyển biến trong nhận thức của doanh nghiệp.

Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức và phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ các địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức 60 lớp bồi dưỡng về sở hữu trí tuệ với sự tham gia của trên 4500 học viên chủ yếu đến từ các doanh nghiệp. Những nội dung bồi dưỡng tập trung chủ yếu vào những vấn đề mà doanh nghiệp cần lưu ý trong quá trình đăng ký bảo hộ, khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ của mình. Nhiều lớp tập huấn đã thu hút hàng trăm đại diện doanh nghiệp tham gia. Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh tổ chức hai lớp đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ (học trong 6 tháng) cho đối tượng chính là nguồn nhân lực cho các công ty, các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp. Cục Sở hữu trí tuệ cũng tổ chức và phối hợp tổ chức 22 hội nghị, tọa đàm và sự kiện tuyên truyền về Sở hữu trí tuệ dành cho doanh nghiệp, các nhà quản lý, sinh viên…với trên 3.300 người tham gia.

Trong đó đáng chú ý là các hoạt động nhân dịp chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới mà điểm nhấn là sự kiện cộng đồng với chủ đề “Tiếp sức cho những thay đổi - Phụ nữ với hoạt động đổi mới và sáng tạo” được tổ chức ngày 21/4/2018 tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đã thu hút hơn 1000 người từ các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu, trường đại học tham dự. Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với UBND TP Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP Hà Nội, Ban Thanh niên công nhân đô thị là những đơn vị thực hiện. Hoạt động này đã được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ghi nhận và đưa trên bản tin của WIPO.
 


Diễu hành hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới từ Quảng trường Đông Kinh nghĩa Thục ra Khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội, 21/4/2018)
 


Giới trẻ in bàn tay lên Quả cầu năng lượng, biểu trưng tiếp thêm nguồn sức mạnh cho sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo (Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Hà Nội, ngày 21/4/2018)
 

Bên cạnh đó, nhiều hội thảo, tọa đàm chuyên môn cũng được tổ chức nhằm tạo sự kết nối giữa các doanh nghiệp và các đối tượng liên quan trong hoạt động khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, như “Hội thảo Quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.”, “Kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ chỉ dẫn địa lý”...
 


Các đại biểu dự Hội thảo về công nghệ phù hợp và sở hữu trí tuệ (Đà Nẵng, 8/2018)
 

Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 với nhiệm vụ trọng tâm là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức và nghiên cứu đổi mới công nghệ phục vụ phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Năm 2018, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tiếp tục triển khai 07 dự án bắt đầu thực hiện năm 2017, trong đó đáng chú ý là hàng loạt dự án phục vụ trực tiếp cho doanh nghiệp như Dự án “Nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong cộng đồng sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp”; Dự án “Tăng cường hiệu quả thực thi và khai thác, phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ đối với Tập đoàn Dệt May Việt Nam”; Dự án “Tăng cường hiệu quả thực thi và khai thác, phát triển giá trị quyền tài sản trí tuệ trong lĩnh vực Da giày - Túi xách Việt Nam”; Dự án “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trong hội nhập kinh tế, quốc tế trên kênh truyền hình khoa học và giáo dục, Đài truyền hình Việt Nam” với sự ra đời của chuyên mục “Câu chuyện Sở hữu trí tuệ” phát sóng vào tối Chủ Nhật hàng tuần trên VTV2…
 


Chương trình được thực hiện theo Dự án của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ
 

Chương trình đã hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị chủ trì dự án triển khai 04 dự án áp dụng sáng chế (“Hệ đo quang thông”, “Phương pháp chiết xuất lá và rễ cây dâu tằm bằng Ethanol”, “Hỗn hợp dùng tại chỗ điều trị các tổn thương viêm, nhiễm trùng, dược phẩm và kít chứa hỗn hợp này” và “Máy phát laze màu phản hồi phân bố dập tắt”). Đồng thời, chương trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích tại Việt Nam cho các tổ chức, cá nhân, bao gồm: hỗ trợ tra cứu tài liệu kỹ thuật có liên quan phục vụ việc đăng ký, hoàn thiện  hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích (lập bản mô tả sáng chế, tờ khai và các tài liệu cần thiết khác), hướng dẫn nộp Hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích. Trong đó, hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện các công việc: tra cứu tài liệu kỹ thuật, lập và hoàn thiện Hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích.

Cùng với đó, Chương trình đã thực hiện hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho 85 lượt sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản mang địa danh. Hầu hết các sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của Việt Nam đã được Chương trình phát triển tài sản trí tuệ hỗ trợ bảo hộ. Trong năm 2018, Chương trình đã thực hiện hỗ trợ 03 sản phẩm nông nghiệp Việt Nam (Thanh Long Bình Thuận, Cà phê Buôn Mê Thuột và Vải thiều Lục Ngạn) đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản theo Bản ghi nhớ Việt Nam – Nhật Bản để đưa các sản phẩm có giá trị thương mại cao đến thị trường tiềm năng nhưng khắt khe này. Thông qua những hỗ trợ của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường và phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong thời gian tới.

Có thể thấy, trong năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng với tinh thần nỗ lực, vượt qua khó khăn đồng hành cùng doanh nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ, các hoạt động nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ đã được diễn ra sôi nổi, ở nhiều mức độ, nội dung khác nhau nhưng cơ bản đều được đánh giá và ghi nhận tốt từ cộng đồng doanh nghiệp, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tuy nhiên từ thực tế thực hiện các biện pháp tăng cường nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và nhận thức của cộng đồng về sở hữu trí tuệ, nhất là bối cảnh hiện nay khi Việt Nam đã và chuẩn bị gia nhập nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu) cho thấy, những nhận thức về sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, chưa giải quyết được tốt nhất những vấn đề nảy sinh. Do đó, đòi hỏi nhiệm vụ nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp vẫn phải đặt ra cho cơ quan chức năng, trong đó có vai trò lớn của Cục Sở hữu trí tuệ và của chính các doanh nghiệp. Việc đổi mới các nội dung đào tạo, tuyên truyền cũng như đẩy mạnh các hoạt động thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 là việc làm phải ngay trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Nhiệm vụ của cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng tìm hiểu, bắt kịp những xu hướng phát triển khoa học và công nghệ, nhanh chóng thực hiện các hoạt động bảo hộ, khai thác tài sản trí tuệ, trong đó có thông tin sở hữu công nghiệp để cải tiến kỹ thuật, đầu tư sâu rộng thì mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thị trường, đáp ứng được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội mà Chính phủ đề ra./.

 

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 3494

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)