Thứ hai, 21/01/2019 19:08 GMT+7

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Kết quả của ngành KH&CN là rõ và thực chất”

Năm 2018, chỉ số công trình nghiên cứu khoa học công bố quốc tế tăng cao nhất từ trước tới nay (25%); chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 2 bậc (xếp vị trí 45/126 quốc gia) và mới đây nhất là vệ tinh MicroDragon phóng thành công vào quỹ đạo... Điểm vài số liệu cho thấy cho thấy kết quả của ngành KH&CN là rất rõ và thực chất. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nêu nhiều kết quả nổi bật của ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) tại Hội nghị tổng kết Bộ KH&CN năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019, ngày 21/01/2019.

Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các Bộ, ban, ngành Trung ương; Lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Lãnh đạo các Sở KH&CN; đại diện một số viện, trường, tổ chức KH&CN và doanh nghiệp có nhiều thành tích trong hoạt động KH&CN; các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí... Về phía Bộ KH&CN có Bộ trưởng Chu Ngọc Anh; các đồng chí Lãnh đạo Bộ và nguyên Lãnh đạo Bộ KH&CN cùng tập thể cán bộ chủ chốt của Bộ KH&CN.

Hội nghị là dịp để đánh giá các kết quả đã đạt được trong năm 2018, cũng như trao đổi, thảo luận đưa ra các giải pháp để triển khai hiệu quả nhiệm vụ công tác năm 2019 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm.



Toàn cảnh Hội nghị

 

Năm 2018, sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương về KH&CN và đổi mới sáng tạo đã tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển KH&CN, lan tỏa phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong xã hội; cơ chế, chính sách về KH&CN tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động KH&CN, đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống sáng tạo quốc gia, là nơi đưa kết quả nghiên cứu đến với thị trường, tạo ra sản phẩm, dịch vụ theo chuỗi giá trị, phục vụ trực tiếp cho thị trường trong nước và xuất khẩu; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp hoạt động theo các mô hình kinh doanh tiên tiến; nguồn vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tăng nhanh; việc nghiên cứu, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được quan tâm triển khai ở các bộ, ngành, địa phương; hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN ngày càng được mở rộng ra các đối tác để cùng phối hợp giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là việc tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.



Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị

 

KH&CN đóng góp đắc lực trong các ngành, lĩnh vực, địa phương

Trong sản xuất nông nghiệp, hoạt động KH&CN tập trung vào ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất; nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường được nâng cao để kịp thời định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản. Trong sản xuất công nghiệp, các hoạt động KH&CN tập trung hỗ trợ phát triển sản phẩm của doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp. Trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hoạt động KH&CN tập trung vào việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất thuốc; ứng dụng tế bào gốc vào điều trị bệnh; nghiên cứu và sản xuất một số loại vắc xin phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng.

KH&CN cũng đóng góp đắc lực trong các lĩnh vực: công nghệ sinh học, giao thông vận tải, dịch vụ tài chính, ngân hàng, năng lượng, công nghệ thông tin và truyền thông, du lịch, quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia...

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh, ông Đỗ Khoa Văn cho biết, Hà Tĩnh được coi là một trong những tỉnh thành công nhất trong xây dựng tiềm lực của các đơn vị sự nghiệp KH&CN và thực hiện chủ trương chuyển đổi hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP trước đây cũng như Nghị định số 54/2016/NĐ-CP. Đặc biệt, Sở KH&CN Hà Tĩnh đã làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc xây dựng các chủ trương, chính sách về đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, xây dựng tiềm lực KH&CN của địa phương. Các chương trình, đề án, đề tài, dự án KH&CN, đổi mới sáng tạo, phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh đã góp phần rất thiết thực và có hiệu quả phục vụ các chương trình kinh kế - xã hội của tỉnh.

Đồng tình với đại diện Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, đồng chí Dương Văn Thái khẳng định: “Những thành công về phát triển kinh tế - xã hội nêu trên đã được các cấp lãnh đạo và nhân dân tỉnh Bắc Giang khẳng định, là nhờ người dân Bắc Giang luôn quan tâm đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu KH&CN trong phát triển kinh tế, làm cho sản phẩm của Bắc Giang ngày càng có năng suất, chất lượng và uy tín trên thị trường”.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA), trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, BSA coi những thách thức về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, bảo hộ tài sản trí tuệ đối với doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế (đặc biệt là thị trường các nước G7) trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cần đặc biệt chú trọng.

Đồng quan điểm trên, với góc nhìn của ngành Dệt - May khi Hiệp định CPTTP chính thức có hiệu lực, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, ông Lê Tiến Trường cho rằng, cần chuyển đổi mô hình quản lý, sản xuất của ngành Dệt - May Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0, bởi trình độ công nghệ của các doanh nghiệp dệt nhuộm hiện nay chỉ ở mức độ trung bình, các doanh nghiệp sợi ở mức khá, trong khi các doanh nghiệp may có trình độ công nghệ tương đối cao.

“Mục tiêu ứng dụng KH&CN nhằm góp phần đưa Thaco làm chủ thiết kế và công nghệ chế tạo các chi tiết, linh kiện, khuôn mẫu. Bộ KH&CN luôn quan tâm, hỗ trợ Thaco đối với dự án KH&CN, do đó, hoạt động R&D được nâng cấp một cách toàn diện, hiện Thaco đã có một trung tâm R&D xe bus hiện đại”, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần ô tô Trường Hải, ông Phạm Văn Tài khẳng định.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, KH&CN đóng góp rất hiệu quả trong các ngành sản xuất và cả trong khoa học quản lý, khoa học xã hội và nhân văn. Văn kiện, nghị quyết của Đảng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đều là kết quả của hoạt động KH&CN. Về vai trò của KH&CN, Bộ trưởng phát biểu: “Tài nguyên như dầu khí, than đá cũng đã đến lúc cạn kiệt”, do đó “Yếu tố thúc đẩy sự phát triển của đất nước không phải từ khoáng sản mà từ KH&CN”.


Kết quả của ngành KH&CN là rõ và thực chất

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, thông qua phát biểu tham luận của đại diện các Bộ, ngành, địa phương, và đặc biệt là các doanh nghiệp, đã thể hiện rất rõ sự đóng góp của toàn ngành KH&CN.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Bộ KH&CN trong phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất, thực hiện nhiều chương trình, đề án lớn như Hệ tri thức Việt số hóa, Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; đặc biệt đã chủ động tiến hành nhiều hoạt động thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của ngành và của đất nước. Nỗ lực của Bộ KH&CN và toàn ngành đã đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển chung của đất nước năm 2018.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì so với mục tiêu và nhiệm vụ đề ra, KH&CN Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và vị trí quốc sách hàng đầu. KH&CN chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và dịch vụ trong nước, chưa có đóng góp thực sự mạnh mẽ cho tốc độ, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra một số đề nghị với Bộ KH&CN. Cụ thể, đối với các Sở KH&CN, cần tập trung tham mưu cho cấp ủy chính quyền về các bộ chỉ số liên quan đến phát triển mà ngành KH&CN làm đầu mối. Bên cạnh đó, tăng cường công tác cập nhật hệ thống dữ liệu làm nền tảng cho phát triển CMCN 4.0, thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh; tăng cường ứng dụng tiến bộ KH&CN vào việc nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong nước theo chuỗi giá trị; tập trung phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ sinh thái; xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ; tổ chức hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, chỉ số Cạnh tranh toàn cầu và chỉ số về Mức độ sẵn sàng cho sản xuất 4.0; chủ trì tổ chức triển khai mạnh mẽ, toàn diện Đề án Hệ tri thức Việt số hóa; Chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các đề án, chương trình trọng điểm; tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động KH&CN.



Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định, trong những năm qua, Ngành và Bộ KH&CN đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, và đặc biệt là cá nhân Phó Thủ tướng phụ trách Vũ Đức Đam. Ý kiến chỉ đạo, đánh giá của Phó Thủ tướng sẽ là nguồn động viên, khích lệ lớn lao và là định hướng quan trọng cho toàn ngành KH&CN thực hiện trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng quán triệt tinh thần chỉ đạo và những gợi ý quan trọng của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về 06 nội dung cần triển khai ngay trong năm 2019. “Tinh thần này đã được Bộ KH&CN sẵn sàng lên kế hoạch hành động, phối hợp với các Bộ, Ban, ngành liên quan và các Sở KH&CN 63 tỉnh thành phố thực hiện theo tinh thần chỉ đạo”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận, KH&CN còn rất nhiều chuyện phải bàn, bởi đó là quá trình xuyên suốt tất cả các ngành, lĩnh vực, mặc dù có những khó khăn, nhưng Bộ cũng thấy vinh dự, bởi đằng sau sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội là sự ghi nhận, tôn vinh của Đảng, Nhà nước và đặc biệt ngày hôm nay Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao sự “đúng hướng, rõ ràng, thực chất”.

Nhân dịp này, Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn tới  Lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương và địa phương đã quan tâm chỉ đạo và ủng hộ cho hoạt động KH&CN; cảm ơn các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp, các Vụ quản lý KH&CN tại các Bộ, ngành, các Sở KH&CN trên cả nước và tập thể cán bộ quản lý KH&CN của Bộ KH&CN đã đồng hành, vượt qua khó khăn, không ngừng tìm tòi sáng tạo để đóng góp cho sự phát triển của nền KH&CN nước nhà; đưa KH&CN đóng góp ngày càng thiết thực, hiệu quả, cụ thể hơn vào sự phát triển KT-XH của đất nước.
 

Một số hình ảnh tại Hội nghị:



Bàn Chủ tọa Hội nghị



Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh, ông Đỗ Khoa Văn phát biểu



Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), bà Vũ Kim Hạnh phát biểu



Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, ông Lê Tiến Trường phát biểu



Tổng Giám đốc Công ty cổ phần ô tô Trường Hải, ông Phạm Văn Tài phát biểu



Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, đồng chí Dương Văn Thái phát biểu



Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 4608

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)