Hội nghị kỹ thuật về phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân được tổ chức thường niên và bắt đầu từ năm 2006 tới nay. Mục đích của Hội nghị là tập trung thảo luận những thách thức mà các quốc gia thành viên gặp phải trong việc sắp xếp và ưu tiên các hoạt động phải giải quyết trong phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân. Hội nghị cung cấp cơ hội cho các quốc gia thành viên trao đổi và chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong việc thiết lập cơ sở hạ tầng cần thiết cho chương trình điện hạt nhân an toàn và thành công.
Hội nghị lần này có sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ 40 quốc gia thành viên của IAEA và tổ chức quốc tế, bao gồm các nước có điện hạt nhân phát triển, cũng là các nước cung cấp nhà máy điện hạt nhân (Nga, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, ...), các nước có chương trình điện hạt nhân mở rộng và các nước mới bắt đầu hoặc đang xem xét triển khai chương trình điện hạt nhân.
Đây là Hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với phạm vi chủ đề bao trùm nhiều nội dung và thông tin cập nhật trong phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân theo cách tiếp cận cột mốc và công cụ kế hoạch làm việc tích hợp của IAEA. Hội nghị đã được nghe 35 báo cáo của các nước tham dự và của IAEA. TS. Hoàng Anh Tuấn đã trình bày báo cáo về quá trình phát triển và hiện trạng cơ sở hạ tầng hạt nhân quốc gia của Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Hội nghị kỹ thuật về phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân từ ngày 29/01/2019 đến ngày 01/02/2019 tại Viên, CH. Áo
Các đại biểu đã dành thời gian thảo luận tại 06 phiên chuyên đề của Hội nghị, bao gồm: Các xem xét chung đối với chương trình điện hạt nhân; Phiên thảo luận panel về thiết lập vị trí quốc gia (cam kết và quyết định của chính phủ về phát triển điện hạt nhân); Các xem xét phát triển cơ sở hạ tầng của chủ đầu tư/tổ chức vận hành nhà máy điện hạt nhân; Phiên thảo luận panel về 10 năm ứng dụng cách tiếp cận cột mốc của IAEA và công tác đánh giá tích hợp cơ sở hạ tầng hạt nhân; Các xem xét phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân đối với cơ quan pháp quy; Hỗ trợ của IAEA và hợp tác quốc tế cho các nước bắt đầu chương trình điện hạt nhân.
TS. Hoàng Anh Tuấn tham gia panel thảo luận về thiết lập vị trí quốc gia
Hội nghị cũng nêu cao vai trò của điện hạt nhân cùng với các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và vấn đề đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thông tin truyền thông. Phần lớn các dự án điện hạt nhân hiện nay tập trung ở khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ.
Hội nghị cũng được nghe các báo cáo với các thông tin cập nhật về dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UEA), Belarus, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ. UEA và IAEA đã tổ chức đánh giá tích hợp cơ sở hạ tầng INIR đầu tiên vào năm 2011. Năm 2012, UAE đã khởi công xây dựng tổ máy điện hạt nhân đầu tiên khởi đầu cho dự án nhà máy điện hạt nhân với 4 lò phản ứng công nghệ của Hàn Quốc, dự kiến tổ máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này sẽ đi vào vận hành trong năm 2019. Belarus đã tổ chức đánh giá tích hợp cơ sở hạ tầng hạt nhân INIR đầu tiên vào năm 2012. Năm 2013, nước này đã khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân với 2 tổ máy, dự kiến tổ máy điện hạt nhân đầu tiên của Belarus sẽ đi vào vận hành cuối năm 2019 với công nghệ của Nga. Bangladesh đã tổ chức đánh giá tích hợp cơ sở hạ tầng hạt nhân vào các năm 2011 và 2016. Năm 2017, Bangladesh đã khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân với 2 tổ máy, dự kiến tổ máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này sẽ đi vào vận hành năm 2023 với công nghệ của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tổ chức đánh giá tích hợp cơ sở hạ tầng hạt nhân vào năm 2013. Năm 2018, nước này đã khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân với 4 tổ máy, dự kiến tổ máy đầu tiên sẽ đi vào vận hành vào năm 2023 với công nghệ VVER-1200 của Nga. Ngoài ra, nước này cũng có kế hoạch cho dự án nhà máy điện hạt nhân công nghệ lò phản ứng ATMEA 1.