Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học nữ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để có thể nhận được những học bổng nghiên cứu khoa học danh giá của Châu Âu, đồng thời cùng nhau thảo luận, đề xuất những cơ chế chính sách phù hợp cho phụ nữ nghiên cứu khoa học để góp phần tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Chủ tịch Hội nữ trí thức Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức Bộ KH&CN cho biết: tháng 12/2015, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết chọn ngày 11/2 hàng năm là Ngày Quốc tế Phụ nữ và Trẻ em gái trong lĩnh vực khoa học. Điều đó chứng tỏ thế giới phải công nhận vai trò quan trọng của phụ nữ và trẻ em gái trong các cộng đồng khoa học và giáo dục.
Theo số liệu của Unesco, hiện nay chỉ có khoảng 30% tổng số nữ sinh viên đại học chọn theo học các ngành STEM (viết tắt của khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Trước thực trạng đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia khuyến khích và hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái phát huy hết tiềm năng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và khẳng định tương lai sẽ được định hình bởi những tiến bộ KH&CN, và những tiến bộ đó sẽ đạt mức cao nhất nếu như khai thác được đầy đủ tài năng, sức sáng tạo và ý tưởng của phụ nữ và trẻ em gái trong lĩnh vực khoa học. Tuyên bố của Liên hiệp quốc còn nêu rõ chìa khóa xử lý một số thách thức lớn nhất trong chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030, từ việc cải thiện y tế tới đấu tranh với biến đổi khí hậu – chính là tận dụng mọi nhân tài. Điều đó có nghĩa là cần phải tăng đáng kể số phụ nữ tham gia và theo đuổi sự nghiệp STEM.
Phụ nữ Việt Nam hiện nay đang chiếm 52% dân số. Hỗ trợ phát triển nâng cao năng lực của cán bộ phụ nữ nói chung và cán bộ nữ KH&CN nói riêng thật sự là cần thiết.
Bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Chủ tịch Hội nữ trí thức Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức Bộ KH&CN phát biểu khai mạc
TS. Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên cho biết: Chương trình Marie Curie MSCA (Marie Sklodowska-Curie Actions) là chương trình bao gồm một số các học bổng nghiên cứu của Hội đồng Châu Âu /Liên minh Châu Âu tài trợ cho nghiên cứu trong Khu vực nghiên cứu Châu Âu (ERA). Chương trình này được thành lập từ năm 1996, với mục tiêu là phát triển sự nghiệp và tiếp tục đào tạo cho các nhà nghiên cứu, đẩy mạnh nghiên cứu đa ngành, hợp tác quốc tế, hỗ trợ các nhà khoa học không chỉ trong Châu Âu mà còn ở khắp thế giới.
Học bổng MSCA là một trong những học bổng cạnh tranh nhất và sáng giá nhất ở Châu Âu. Cơ quan điều hành nghiên cứu Research Executive Agency đã cấp hơn 6 tỷ euro cho chương trình Marie Curie. Từ năm 1996, hơn 100.000 nhà khoa học đã được nhận học bổng nghiên cứu của Chương trình này.
Theo số liệu thống kê H2020 (là chương trình Nghiên cứu và Đổi mới lớn nhất của EU), giai đoạn 2014 - 2020 cập nhật đến tháng 6/2018, đã có 87 nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam được Chương trình Marie-Curie tài trợ và có 12 tổ chức Việt Nam tham gia các chương trình của MSCA.
TS. Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên giới thiệu tổng quan về Chương trình học bổng nghiên cứu Marie-Curie của Liên minh Châu Âu
Chia sẻ về kinh nghiệm dành được học bổng Marie-Curie, TS. Phạm Thị Phương Nga, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Hà Lan thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam VUFO cho biết: Quá trình săn học bổng rất dài và đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì cao. Hãy đọc và dành thời gian nghiên cứu về đơn vị đào tạo… sẽ giúp bạn dễ dàng chinh phục các học bổng này. Động lực, quyết tâm và năng lực - 3 chìa khóa vàng giúp săn học bổng du học thành công, đặc biệt là đối với việc dành được học bổng Marie-Curie. TS. Phạm Thị Phương Nga chia sẻ: Hầu hết chương trình học bổng đều có yêu cầu rất cao. Mức độ cạnh tranh giữa các ứng viên cũng vô cùng khủng khiếp. Chính vì vậy, bạn phải có động lực để thôi thúc bản thân không dễ dàng bỏ cuộc. Tiếp đến là năng lực thực sự để đủ khả năng cạnh tranh với nhiều ứng viên xuất sắc trên thế giới. Thêm nữa, cần có một chiến lược lâu dài để làm đẹp CV cá nhân. Cuối cùng là quyết tâm cao độ bởi con đường sẽ cực kỳ gian nan, phải kiên trì đến cùng mới hái được quả ngọt.
TS.Phạm Thị Phương Nga, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Hà Lan chia sẻ về kinh nghiệm giành học bổng Marie-Curie
Thực tế cho thấy, những năm qua, tỷ lệ phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học không ngừng tăng, ngày càng có nhiều phụ nữ thành công trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Với những nghiên cứu của mình, các nhà khoa học nữ đã đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển chung của đất nước. Trong thời gian qua, Nghị định số 40/2014/NĐ-CP được đánh giá là bước tiến mới trong chính sách đối với cán bộ KH&CN. Theo đó, đã có 316 trường hợp được tuyển dụng đặc cách; 743 trường hợp được nâng lương vượt bậc; đặc cách bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ hạng cao hơn không phải qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác; 262 trường hợp được kéo dài thời gian công tác khi đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định bắt buộc mang tính chế tài về việc phải lồng ghép giới trong xây dựng chính sách. Cơ quan có thẩm quyền và người trực tiếp thực hiện chính sách vì thế chưa có cơ sở để dành sự quan tâm cần thiết cho cán bộ khoa học nữ. Tại Hội nghị, bà Phạm Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đã đưa ra một số vấn đề gợi mở để xây dựng chính sách lồng ghép giới đối với cán bộ khoa học nữ nhằm phát huy sức sáng tạo của các nhà khoa học nữ, tạo thành môi trường thuận lợi cho phụ nữ phát huy mọi tiềm năng của mình.
Bà Phạm Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ chia sẻ về Lồng ghép giới trong xây dựng và thực hiện chính sách đối với các cán bộ khoa học nữ