Thứ sáu, 22/02/2019 16:50 GMT+7

Những kỳ vọng với Nghị định 13

Các doanh nghiệp tới đây sẽ dễ đăng ký để trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN), đồng thời có thêm cơ hội tiếp nhận các chính sách ưu đãi của Nhà nước do Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN đã có hiệu lực từ ngày 20/3/2019, thay thế cho Nghị định 80/2007/NĐ-CP còn nhiều bất cập trước đây.

Thiết bị của công ty Nanogen, công ty hàng đầu Châu Á - Thái Bình Dương sản xuất nguyên liệu dược và thành phẩm thuốc tiêm đặc trị từ công nghệ DNA/ protein tái tổ hợp.

Quá ít doanh nghiệp đăng ký là doanh nghiệp KH&CN

Ra đời từ năm 2007, Nghị định 80 (NĐ 80) về doanh nghiệp KH&CN vốn dựa trên cơ sở Luật KH&CN năm 2000, trong bối cảnh hoạt động R&D khi đó chưa thực sự được các doanh nghiệp coi trọng. NĐ 80 có mục đích chủ yếu là hỗ trợ việc hình thành mạng lưới doanh nghiệp KH&CN từ các viện, trường, qua đó đẩy nhanh quá trình thương mại hóa các kết quả nghiên cứu từ những tổ chức công lập này.

Đến năm 2010, nhận thấy tiềm năng làm R&D của các doanh nghiệp đang hoạt động, Chính phủ bổ sung vào Nghị định 80 cho phép các doanh nghiệp thành lập từ trước nhưng đáp ứng đủ điều kiện được cấp chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN để có thể được hưởng các chính sách ưu đãi tương ứng.

Trong hơn 12 năm qua, số lượng các doanh nghiệp KH&CN đã dần dần tăng lên, một phần nhờ tác động của NĐ 80 và những văn bản pháp luật liên quan theo thống kê của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (NATEC) thuộc Bộ KH&CN, tính đến đầu năm 2019, cả nước có khoảng 3000 doanh nghiệp có đủ điều kiện để được coi là doanh nghiệp KH&CN, nhưng chỉ có trên 400 doanh nghiệp được cấp chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

Điều này cho thấy “trước đây các doanh nghiệp có thể không mong muốn đăng ký trở thành doanh nghiệp KH&CN do ưu đãi chưa thực sự hấp dẫn hoặc do thủ tục quá rườm rà”, Ông Trần Xuân Đích, Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học & công nghệ (NATEC), chia sẻ.

Trên thực tế, NĐ 80 khi triển khai đã bộc lộ những hạn chế khi gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chứng minh đáp ứng điều kiện theo quy định. Nhiều nội dung trong đó cũng không còn phù hợp với Luật KH&CN sửa đổi năm 2013 và các luật về doanh nghiệp, đất đai, đầu tư, tổ chức chính phủ mới chỉnh lý trong 5 năm trở lại. Do vậy, NATEC đã được Bộ KH&CN giao nhiệm vụ phối hợp cùng các bộ, ban, ngành khác để xây dựng dự thảo thay thế cho nghị định cũ. Kết quả, Nghị định 13/2019/NĐ-CP mới về doanh nghiệp KH&CN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 20/3/2019.

Thủ tục đơn giản và dễ tiếp cận hơn

Điểm nổi bật của NĐ 13 là đơn giản hóa các điều kiện chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, giảm điều kiện để nhận ưu đãi thuế và giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính.

Trước đây, các tổ chức muốn đăng ký thành lập doanh nghiệp KH&CN phải thuộc một trong 7 lĩnh vực được quy định, phải có các kết quả KH&CN thường được hình thành từ các nhiệm vụ KH&CN, nhận chuyển giao hoặc nhập khẩu công nghệ và đồng thời phải giải trình quá trình làm chủ kết quả KH&CN.

Nhưng trên thực tế, có khá nhiều doanh nghiệp tư nhân tự đầu tư KH&CN để ứng dụng theo nhu cầu tự thân mà không phải lúc nào cũng thuận tiện đăng ký sở hữu trí tuệ, do đó những đối tượng này khó có thể cung cấp bằng chứng về quyền sở hữu và quyền sử dụng hợp pháp kết quả của mình.

Bên cạnh đó, theo quy định cũ, để doanh nghiệp sau khi chứng nhận được hưởng các ưu đãi thuế thì cần có tỷ lệ doanh thu sản phẩm, hàng hóa hình thành từ kết quả KHCN trong năm thứ nhất (năm bắt đầu có thu nhập chịu thuế) đạt tối thiểu 30% tổng doanh thu, năm thứ hai tối thiểu 50% và từ năm thứ ba trở đi đạt 70% trở lên. Điều này rất khó thực hiện bởi phần lớn các doanh nghiệp KHCN đều nhỏ lẻ, tiềm lực chưa cao hoặc kinh doanh đa ngành nghề mà sản phẩm KH&CN không đưa lại doanh thu chủ lực.
 


Công ty Cổ phần giống cây trồng Trung Ương (Vinaseed) là một trong những doanh nghiệp KH&CN được hưởng nhiều ưu đãi từ chính sách
 

Nghị định 13 sắp tới sẽ tạo thuận lợi hơn bằng việc cho phép doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực đều có thể đăng ký và hưởng ưu đãi. Để chứng minh kết quả KH&CN, bên cạnh những sản phẩm KH&CN đã được được cấp giấy tờ chứng minh rõ ràng (như các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giống cây trồng vật nuôi; chứng nhận chuyển giao hoặc nhập khẩu công nghệ...) thì các doanh nghiệp tự đầu tư và phát triển công nghệ của mình có thể thực hiện theo Thông tư 02/2015 để đề nghị các Sở KH&CN tổ chức hội đồng đánh giá các kết quả KN&CN không sử dụng ngân sách nhà nước làm bằng chứng hồ sơ.

Điểm nổi bật thứ hai trong NĐ 13 điều kiện hưởng ưu đãi thuế: chỉ cần tối thiểu 30% doanh thu hằng năm từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN (ngoại trừ các doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm). So với điều kiện 70% doanh thu trước đây thì con số mới này được coi là “khả thi” và phù hợp hơn rất nhiều. Các doanh nghiệp KH&CN sẽ được miễn thuế thu nhập trong 4 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Những điều kiện chứng nhận và ưu đãi thuế nêu trên cho phép doanh nghiệp vừa linh động xác lập mục tiêu kinh doanh sản phẩm KH&CN theo năng lực và biến động thị trường (nhưng vẫn cần đáp ứng mức tối thiểu 30% doanh thu) vừa có động cơ mở rộng đầu tư vào KH&CN để thu được lợi ích thuế cao hơn trên phần doanh thu sản phẩm KH&CN được ưu đãi. Các thay đổi này được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hơn nữa sự tham gia của khu vực tư nhân vào KH&CN.

Những vấn đề chưa dễ tháo gỡ

Chính sách ưu đãi tín dụng cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản xuất kinh doanh trong NĐ 13 có nguồn tài trợ từ Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia (NATIF); các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, và Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho vay với lãi suất ưu đãi, bảo lãnh vay hoặc hỗ trợ lãi vay tối đa 50%.

Thực tế cho thấy việc tiếp cận với những ưu đãi từ các Quỹ nhà nước phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế hoạt động và năng lực phân bổ của từng quỹ. Đối với NATIF, mặc dù đã được triển khai vài năm nhưng mô hình của quỹ vẫn chưa được phân biệt rõ ràng là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hay là đơn vị sự nghiệp: nếu đây là quỹ thì không được bổ sung vốn ngân sách còn nếu là đơn vị sự nghiệp thì phải cấp kinh phí theo cơ chế dự toán.

Các quỹ công lập cũng bị ràng buộc bởi điều kiện “bảo toàn vốn nhà nước”, trong khi đó đầu tư vào KH&CN vẫn đang là một lĩnh vực có tính rủi ro cao, khả năng thu hồi thấp và kéo dài nhiều năm. Do đó khả năng doanh nghiệp KH&CN tiếp cận được nguồn vốn từ các Quỹ trên không hề dễ dàng.

Vấn đề chưa dễ tháo gỡ thứ hai xoay quanh việc các doanh nghiệp chỉ được phép dùng tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để trích lập quỹ phát triển KH&CN – được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, và mới đây theo NĐ 13 còn có thể dành cho hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Theo các doanh nghiệp, mức trích lập 10% lợi nhuận trước thuế khó có thể mang lại hiệu quả đáng kể. Bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó tổng giám đốc Công ty CP Sao Thái Dương, một trong những doanh nghiệp KH&CN được chứng nhận, cho biết: “Với mức độ trích lập quỹ như thế, những doanh nghiệp như Sao Thái Dương không đủ chi cho hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm, chứ chưa kể đến sử dụng quỹ để thương mại hóa sản phẩm.”

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chủ yếu là nhỏ và vừa. Theo số liệu của Tổng điều tra Kinh tế năm 2017, giả sử một doanh nghiệp có doanh thu khoảng 10 tỷ/năm, lợi nhuận trước thuế sẽ ở mức 400-700 triệu đồng, mức trích quỹ sẽ chỉ khoảng vài chục triệu, như vậy khó có thể đủ để nghiên cứu đổi mới công nghệ ở trình độ cao hơn. Các quỹ phát triển KH&CN có lẽ chỉ phát huy tác dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước (qui mô trung bình quỹ tầm 3 tỷ đồng), doanh nghiệp FDI (tầm 1,8 tỷ đồng) và một số tập đoàn tư nhân lớn như Vingroup, Phenikaa,….

Hiệu quả còn tùy thuộc ở năng lực cơ quan quản lý

Tinh thần “nới rộng đầu vào” và đẩy mạnh kiểm soát đầu ra được thể hiện trong NĐ 13 với việc cho phép các doanh nghiệp đăng ký tự cam kết về quyền sở hữu và quyền sử dụng hợp pháp đối với những kết quả KH&CN để sớm được hưởng các ưu đãi, và đẩy phần lớn trách nhiệm đánh giá, kiểm định về sau cho các cơ quan quản lý trực tiếp, cụ thể là là các Sở KH&CN địa phương.

Khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, các sở KH&CN sẽ vất vả hơn nhưng sẽ góp phần kiến tạo một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thông thoáng hơn. Hiện nay, thời gian để cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN theo quy định đã giảm từ 30 ngày làm việc xuống còn khoảng 10-15 ngày làm việc.

Rõ ràng là năng lực của cơ quan thẩm quyền đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy đăng ký doanh nghiệp KH&CN. Tại Hội nghị triển khai công tác ngành KH&CN năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam từng nhấn mạnh rằng, mặc dù KH&CN được xác định là động lực phát triển tương lai của Việt Nam nhưng vẫn rất nhiều khu vực, địa phương chưa thực sự coi đó là quốc sách, vì vậy trong thời gian tới các sở KH&CN từng địa phương sẽ càng phải nỗ lực khẳng định vai trò quan trọng của mình, trong đó có công tác chuyên môn để hỗ trợ doanh nghiệp.

***

Về cơ bản, NĐ 13 không thay đổi quá nhiều so với NĐ 80 nhưng đã tạo điều kiện để giải quyết tốt hơn việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp KH&CN. Một số chính sách ưu đãi của Nhà nước cũng đã được quy định mạch lạc, rõ ràng, và dễ đáp ứng cho doanh nghiệp hơn so với NĐ 80.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những vướng mắc đòi hỏi phải được điều chỉnh ở các văn bản quy định cao hơn (như Luật thuế, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước…) mà Bộ KH&CN và các cơ quan quản lý liên quan sẽ tiếp tục phải đề xuất và hoàn thiện trong quá trình sửa đổi hệ thống các văn bản luật.

NĐ 13 hiện nay đã có hiệu lực. Chúng ta kỳ vọng các cơ quan quản lý, đặc biệt là các Sở KH&CN sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để triển khai thực hiện những quy định mới, giúp chúng thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa rộng rãi trong đời sống như mong muốn.

So với NĐ 80 cũ quy định chỉ có sở KH&CN các tỉnh là cơ quan thẩm định và cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, thì NĐ 13 đã bổ sung thêm thẩm quyền của NATEC trực tiếp chứng nhận trong một số trường hợp đặc biệt: kết quả KH&CN đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh; các doanhnhiệp mà các sở chưa đủ điều kiện kỹ thuật để đánh giá, hoặc các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nhiều tỉnh.

Liên kết nguồn tin:

http://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/bat-binh-dang-va-van-de-thue-suat-tai-chau-a/2019022210182191p1c785.htm

 

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 5350

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)