Thứ tư, 06/03/2019 16:51 GMT+7

Hoàn thiện dây chuyền sản xuất để thu hồi khoáng vật có ích và xủ lý bùn nước trong nhà máy tuyển nổi đồng Sin Quyền Lào Cai

Khoáng sản là nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn và không tái tạo. Vì vậy, cần phải có các giải pháp công nghệ chế biến hợp lý nhằm tận thu triệt để, tránh thất thoát lãng phí tài nguyên, đảm bảo cho sự phát triển bền vững ngành công nghiệp khai khoáng của đất nước.


Tại Nhà máy tuyển nổi đồng Sin Quyền, Lào Cai, khi thiết kế đã tính đến việc thu hồi các nguyên tố có ích đi kèm trong quặng nguyên khai cũng như còn lại trong bùn quặng thải là các kim loại quý hiếm (vàng, bạc, đất hiếm,..). Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, khâu công nghệ này chưa được đầu tư đầy đủ để cho hoạt động sản xuất đạt hiệu quả hơn nữa. Cho đến nay, đã có một số công trình nghiên cứu thu hồi vàng và đất hiếm do Tổng công ty Khoáng sản - TKV phối hợp với Công ty Hoa Bảo - Trung Quốc thực hiện và đã thu được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, vấn đề thu hồi các nguyên tố có giá trị trong bùn thải nhà máy tuyển đồng Sin Quyền vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để, dẫn tới gây lãng phí tài nguyên, giảm hiệu quả của quá trình khai thác, chế biến quặng đồng vùng mỏ Sin Quyền.

Để giải quyết một trong những vấn đề mang tính thời sự của ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản của đất nước, nhóm nghiên cứu tại Tổng công ty Khoáng sản - TKV do ThS. Tạ Quốc Hùng làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Hoàn thiện dây chuyền sản xuất để thu hồi khoáng vật có ích và xủ lý bùn nước trong nhà máy tuyển nổi đồng Sin Quyền Lào Cai” trong khoảng thời gian từ tháng 1/2014 đến tháng 6/2016.

Qua kết quả nghiên cứu, thiết kế hoàn thiện dây chuyền công nghệ thu hồi vàng và công nghệ tách cát trong bùn quặng đuôi của nhà máy tuyển đồng Sin Quyền, đơn vị đã triển khai thi công, lắp đặt thiết bị và tiến hành chạy sản xuất thử nghiệm trên quy mô công nghiệp.

Kết quả sản xuất thử nghiệm trên quy mô công nghiệp cho thấy việc áp dụng các thiết bị và công nghệ tiên tiến là có hiệu quả và khả năng nhân rộng mô hình này cho các đối tượng khoáng sản kim loại khác là rất cao:

- Dây chuyền công nghệ thu hồi vàng, sau 01 năm sản xuất thử nghiệm thu được 203 tấn quặng tinh vàng, hàm lượng Au = 41,27 g/t, thực thu đạt Au = 8,25%. Việc bổ sung xyclon khử nước trước khi tuyển Knelson đã nâng năng suất dây chuyền thiết bị thử nghiệm đạt 150 t/h, đáp ứng 100% công suất thải bùn hiện tại của Nhà máy và mục tiêu của dự án;

- Dây chuyền công nghệ tách cát, thu được sản phẩm cát có hàm lượng rắn cao, độ ẩm đạt W = 13-15%, tăng thu hồi nước tuần hoàn, cát thải khô thải trực tiếp xuống chân đập, bồi đắp và gia cố cho đập. Năng suất dây chuyền thiết bị thử nghiệm đạt 75 t/h, đáp ứng 50% công suất thải bùn quặng đuôi của Nhà máy như mục tiêu đã đề ra cho dự án;

Dự án sản xuất thử nghiệm bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, thu hồi tối đa tài nguyên và mở ra hướng mới trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đối với ngành công nghiệp khai khoáng, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu của Tổng công ty Khoáng sản - TKV nói riêng và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nói chung trước các đối tác trong và ngoài nước.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 13639) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 4300

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)