Thứ sáu, 15/03/2019 17:15 GMT+7

Khai giảng khóa đào tạo vận hành, bảo dưỡng thiết bị chiếu xạ gamma gây đột biến giống cây trồng tại Trung tâm Đánh giá không phá hủy

Ngày 05/3/2019, Trung tâm Đánh giá không phá hủy (NDE) - 140 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội đã tổ chức Lễ khai giảng khóa đào tạo vận hành, bảo dưỡng thiết bị chiếu xạ gamma gây đột biến giống cây trồng. Khóa đào tạo này nằm trong nhiệm vụ của đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị chiếu xạ gamma dùng nguồn phóng xạ đã qua sử dụng” - Mã số: KC.05.01/16-20 do NDE đang chủ trì thực hiện, chủ nhiệm đề tài TS. Nghiêm Xuân Khánh.

Tham dự Lễ khai giảng khóa học có: GS. Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp; ông Vũ Tiến Hà Giám đốc NDE; ông Đinh Chí Hưng, Phó Giám đốc NDE; TS. Nghiêm Xuân Khánh chủ nhiệm đề tài cùng 16 học viên đến từ các đơn vị: Viện Di truyền nông nghiệp, Trung tâm Đánh giá không phá hủy, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
 


Giảng viên và học viên chụp ảnh lưu niệm tại Lễ khai giảng khóa đào tạo

Phát biểu tại buổi Lễ khai giảng khóa học, GS. Lê Huy Hàm đã đánh giá cao sự hợp tác giữa Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Viện Di truyền nông nghiệp để có thể đưa lĩnh vực Năng lượng nguyên tử ứng dụng sâu rộng hơn vào quá trình chọn tạo giống cây trồng mới bằng phương pháp đột biến. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh ý nghĩa của khóa đào tạo: “Đây là một việc nhỏ nhưng là khởi đầu của việc lớn trong tương lai”.

Những tiềm năng ứng dụng năng lượng nguyên tử để gây đột biến tạo giống cây trồng mới là rất lớn, trong tương lai nhu cầu về Gamma room ngày càng bức thiết hơn nếu muốn phát triển hướng ứng dụng này, đặc biệt là việc tiến tới xã hội hóa trong công tác chọn tạo giống trong nông nghiệp.

Khóa đào tạo vận hành, bảo dưỡng thiết bị chiếu xạ gamma gây đột biến giống cây trồng diễn ra từ ngày 05/3 đến ngày 15/3/2019. Nội dung của khóa đào tạo gồm 10 bài sẽ trang bị cho học viên những kiến thức chung bao gồm: cấu tạo và nguyên lý hoạt động của thiết bị chiếu xạ; các thông số kỹ thuật của thiết bị; các thiết bị ngoại vi và cách kết nối và sử dụng chúng; quy trình vận hành, quản lý thiết bị chiếu xạ; quy trình bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị. Khóa học cũng giúp học viên rèn luyện kỹ năng làm việc với thiết bị bao gồm: tuân thủ theo đúng quy định về an toàn bức xạ, an toàn điện; vận hành thiết bị đúng quy trình theo các chế độ tùy chọn khác nhau; sử dụng, tháo lắp các thiết bị ngoại vi một cách khoa học đảm bảo công tác bảo dưỡng và sửa chữa một cách thuận tiện, an toàn; thực hiện các thao tác bảo dưỡng hằng ngày và bảo dưỡng một số bộ phận của thiết bị theo đúng quy trình; phán đoán, phân tích, kiểm tra, khoanh vùng khu vực hư hỏng trong thiết bị, có thể thực hiện sửa chữa một số hư hỏng thông thường.
 


Các học viên tham gia khóa đào tạo ngay sau Lễ khai giảng

Với không khí học tập và trao đổi thẳng thắn, khóa học chính là dịp để nhóm nghiên cứu, chế tạo ngồi lại lắng nghe những ý kiến góp ý từ người sử dụng, từ đó có thể kịp thời sữa chữa và hoàn thiện thiết bị hướng tới sự tiện dụng nhất cho người dùng. Trung tâm Đánh giá không phá hủy tin tưởng rằng khóa học này sẽ là tiền đề giúp việc chuyển giao thiết bị chiếu xạ được nghiên cứu thiết kế, chế tạo bởi Trung tâm cho Viện Di truyền nông nghiệp thành công tốt đẹp, mở ra những thành tựu mới trong lĩnh vực chọn tạo giống đột biến tại Việt Nam./.

 

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 2481

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)